Thứ Sáu, 04/10/2024 12:21 CH
Tiếng hát quan họ “bay” khỏi biên giới Việt Nam
Thứ Sáu, 28/04/2006 14:25 CH

Sau khi nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Bộ Văn hoá- thông tin nước ta tiếp tục lập hồ sơ đề xuất công nhận các di sản khác: quan họ Bắc Ninh, múa rối nước và sử thi Tây Nguyên. Ngày 30-3-2006 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy dân ca qua trường hợp quan họ ở Bắc Ninh, Việt Nam”. Đây là bước đi quan trọng và bắt buộc nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế trước khi chính thức đệ trình lên UNESCO hồ sơ về di sản văn hoá quan họ.

 

060428-Quan-ho-7.jpgNữ tiến sĩ âm nhạc học Gisa Jaehnichen, giảng viên đại học ở Frankfurt của Đức, gần 25 năm nay đã nhiều lần sang nước ta lặn lội nhiều vùng quê để nghiên cứu âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Tại cuộc hội thảo trên tại Hà Nội, theo quan điểm của bà, nói đến quan họ thì phải nói đầy đủ là văn hoá quan họ Bắc Ninh. Sự độc đáo của quan họ là không thể tách riêng phần lời với phần nhạc. Đồng thời, nói văn hoá quan họ là còn bao hàm nhiều thứ: phong tục, lễ, hội, hát đối đáp, thi hát, thi cỗ chay, thi đu tiên, thi đấu vật, kết bạn…

 

Tôi rất tán đồng với ý kiến ấy của Gisa. Mỗi lần Kinh Bắc vào xuân, tôi và bạn bè lại có dịp về với quê hương quan họ, với hội Lim. Dù nhiều lần được “tắm mình” trong biển trời quan họ, trong điệu nhạc lời ca của các liền anh liền chị, nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là kỷ niệm lần đầu được tiếp xúc với quan họ. Ấy là khi tôi cùng một anh bạn nhà văn về một làng cổ ở ngoại ô thị xã Bắc Ninh. Bằng âm giọng bè trầm, các liền anh cất lên, nghe sao vừa đắm say lại vừa ngơ ngác:

 

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

 

Nhớ nơi quan họ nhớ người nết na

 

Nhớ lời năn nỉ thiết tha

 

Ngọt ngào đầu lưỡi, mặn mà bên tai…

 

Chỉ có giọng người, không có tiếng loa ồn ã. Một không gian quan họ “chính thống” và “nguyên thuỷ”. Các liền anh vừa dứt thì giọng các liền chị ngân lên trong trẻo, da diết lạ lùng:

 

Nhớ thương em để dạ vàng

 

Năm canh gối chiếc lòng càng ngẩn ngơ

 

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ

 

Buồn trông con nhện, nhện chờ mối ai

 

Ngày xuân, xuân hãy còn dài

 

Muốn cho mai trúc sum vầy trúc mai…

 

Hàng năm, từ tháng giêng đến tháng tư Âm lịch, cả vùng quan họ Bắc Ninh nhộn nhịp hội làng, âm vang lời ca tiếng hát, dập dìu bước chân các liền anh liền chị, mà đỉnh cao là hội Lim, như một nhà thơ đã viết: “Tiếng hát tràn đồi Lim- Ngập cả vùng quan họ- Em mơ thành liền chị- Hát mãi cùng mùa xuân”. Núi Lim là hòn “độc sơn” nằm ở phía bắc huyện Tiên Du, dưới chân núi là dòng sông Tiêu Tương thơ mộng gắn liền với truyền thuyết mối tình bi tráng Trương Chi- Mỵ Nương ca ngợi người nghệ sĩ dân gian và nghệ thuật hát quan họ. Từ nguồn cảm hứng của quê hương quan họ đã thấm vào huyết quản của mình mà thi sĩ Hoàng Cầm đã viết nên nhiều câu thơ, bài thơ bất tử, trong đó có bài Sương cầu Lim huyền ảo:

Chấp chới lá chè non

 

                    Cầu Lim Nội Duệ

 

The Hà Đông đón kiệu bỏ quê xim

 

Ếch Quế Dương xếp đùi tròn gõ trống

 

Sáo sậu Phù Ninh

                rợp nắng

                         về Thăng Long

 

Đá nghểnh trông con gục đầu sườn núi Dạm

 

Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền

 

Đè ngang khói bếp

 

Bặt mùi khoai nướng

 

Đầu rau nằm sấp toạc môi

 

Trống Chờ thúc chín tiếng

 

Chuông Trõ nện ba hồi

 

Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo

 

Thầy Phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo

 

Biết lòng chim sáo chim ri

 

Gái Cầu Lim Nội Duệ ra đi

 

Theo các nhà nghiên cứu, quan họ có từ thế kỷ 17 từ tục “kết chạ” giữa các làng với nhau. Trấn Kinh Bắc xưa có 44 làng quan họ gốc. Đến nay tỉnh Bắc Ninh còn gần 30 làng quan họ cổ, chủ yếu tập trung ở thị xã Bắc Ninh và hai huyện Tiên Du, Yên Phong. Những ngôi làng văn hoá quan họ đặc trưng này là điển hình của hình ảnh làng quê Bắc Bộ nguyên thuỷ, với hình ảnh cây đa, mái đình, bến nước, ngôi chùa gắn bó mật thiết. Riêng tổng Nội Duệ xưa, nơi có hội Lim, vẫn còn tồn tại nhiều làng cổ quan họ nổi tiếng: Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Nam, Duệ Đông, Lộ Bao, Đình Cả,… Viết về những ngôi làng quê mình, nhà thơ Nguyễn Phan Hách có bài Làng quan họ khá hay, được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, với đoạn mở đầu:

 

Sông Cầu làm bao xanh

 

Ngang lưng làng quan họ

 

Những cánh buồm nhớ thương

 

Câu ca đầu ngọn gió

 

Mẹ giặt yếm bến sông

 

Đêm trăng thanh mát gọi

 

Con nước chảy lơ thơ

 

Con cò đi lặn lội

 

Tháng giêng mùa hát hội

 

Áo nâu ướp hương trầm

 

Nón thúng quai thao rũ

 

Buông dài nếp xống thâm

 

Thời nhà Lê ở tổng Nội Duệ của trấn Kinh Bắc có quận công Đỗ Nguyên Thuỵ là người nặng lòng với nơi “chôn nhau cắt rốn” và rất yêu thích ca hát, nên đã bỏ nhiều tiền của tạo điều kiện cho các nghệ nhân luyện tập, trau dồi giọng hát ngón đàn, làm cho làng xóm thêm tươi vui. Để khuyến khích phong trào ca hát, vị quận công họ Đỗ còn cho tổ chức thi hát giữa các làng với nhau, còn những khi hát ở hội đình thì ông đưa ra lệ “thướng” động viên người hát. Đỗ Nguyên Thuỵ còn đích thân tham gia đặt lời, soạn nhạc, tạo nên những làn điệu mới. Sự nhiệt tình của ông đã được nhân dân tổng Nội Duệ hưởng ứng, ngày càng hoàn thiện dần cả lời lẫn nhạc và những tập tục hát quan họ. Cứ vào dịp Tết Trung thu, khắp tổng Nội Duệ vang lừng lời ca tiếng nhạc, rồi theo thời gian lan rộng cả Kinh Bắc.

 

Ngày 13 tháng giêng năm 1734 (Âm lịch), quận công Đỗ Nguyên Thuỵ qua đời. Nhớ ơn ông, nhân dân đã tôn vinh ông là hậu thần, xây lăng Hồng Ân để thờ tự, trong lăng có tấm bia “Thọ Phúc thần hiến điền bi ký” ghi rõ việc ông hiến ruộng đất, tiền của cho các làng xã để khuyến khích, phát triển sinh hoạt ca hát, lễ hội. Kể từ khi “người khai sáng” Đỗ Nguyên Thuỵ qua đời, hội Lim đã chuyển từ Tết Trung thu về ngày giỗ của bậc phúc thần này, tức 13 tháng giêng âm lịch hàng năm.

 

Ngoài Hiếu Trung hầu Đỗ Nguyên Thuỵ thì còn có nhiều người khác cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển nghệ thuật hát quan họ, tiêu biểu là Nguyễn Diễn (được thăng đến tước Dĩnh Trung hầu cuối thời Lê) và ni cô họ Nguyễn. Cả hai người đều gốc tổng Nội Duệ và sau khi mất đều được nhân dân tôn làm phúc thần, thờ tự, cúng rước vào dịp hội Lim.

 

Có thể nói hội Lim là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của đồng bằng Bắc Bộ, luôn thu hút rất đông đảo du khách. Khi vào hội, buổi sáng là lễ rước, các làng lần lượt rước thần từ đình làng mình lên lăng Hồng Vân trên đỉnh núi Lim để tế lễ; tiếp theo mới vào hội hát quan họ, từ núi Lim lan rộng ra cả đất Kinh Bắc. Tuy nhiên, nếu như quan họ truyền thống xưa kia yên tĩnh, trang nhã thì quan họ hiện đại đôi lúc ồn ào náo nhiệt quá mức. Micro, loa phóng thanh, đàn điện… đã làm cho chất quan họ “bay đi ít nhiều”. Tiến sĩ Gisa Jaehnichen cũng nhận định rằng, muốn bảo vệ và phát triển văn hoá quan họ thì phải hát suốt năm chứ không phải chỉ diễn ra trong lễ hội mùa xuân, và phải đề cao tính đặc thù của văn hoá địa phương, như văn hoá Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) không thể lẫn lộn vào văn hoá Hà Nội. Bên cạnh đó, không nhất thiết giữ khư khư cho bằng được vốn cổ, mà phải biết kế thừa và phát triển. Bởi vì chúng ta không phải sống ở thế kỷ 17-18 mà đã là thế kỷ 21, nên người nghệ sĩ phải diễn tả cái ngày xưa theo thẩm mỹ ngày nay thì mới đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ. Và quan điểm này không phải chỉ ứng dụng riêng cho quan họ mà còn ở các loại hình văn hoá nghệ thuật khác. Nhận định của một người nước ngoài đối với văn hoá nghệ thuật cổ truyền dân tộc rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

 

PHAN HOÀNG

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc hành trình tìm về kỷ niệm
Thứ Tư, 19/04/2006 14:09 CH
Giữ gìn hơi thở cuộc sống xưa
Chủ Nhật, 16/04/2006 10:30 SA
Văn Cao và Suối Mơ
Thứ Bảy, 15/04/2006 09:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek