Thứ Năm, 03/10/2024 11:35 SA
Nhà rông văn hóa, những điều trông thấy
Thứ Sáu, 12/09/2008 14:30 CH

Phú Yên hiện có 95 nhà rông do nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng. Tuy nhiên, chỉ vài nhà rông phát huy hiệu quả, phần lớn còn lại đều luôn cửa đóng then cài, xây dựng rồi để đó, không hề có hoạt động, càng không thu hút đồng bào các dân tộc.

 

nr-080912.gif
Tổ chức lễ hội tại nhà rông văn hóa thôn Hà Rai (xã Xuân Lãnh) - Ảnh: N.TRƯỜNG
 

Năm 2004, tại tỉnh Kon Tum, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về nhà rông văn hóa, thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, dân tộc học, văn hóa học, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Lúc đó, Phú Yên mang đến hội thảo những ý kiến từ thực tiễn trong tổ chức, quản lý hoạt động nhà rông trên địa bàn, đúc kết từ một số buôn làng đã hình thành phát triển nhà rông có hiệu quả. Khái niệm “nhà rông văn hóa” được đặt ra và hội thảo đã phân tích nhiều góc độ khác nhau.

 

Sau hội thảo trên, các tỉnh ồ ạt tiến hành xây dựng nhà rông. Đến nay, trên địa bàn Phú Yên đã có 95 nhà rông, chủ yếu tại huyện miền núi. Trong đó, huyện Sông Hinh có 42 nhà rông, chiếm hơn 50% so với tổng số 82 thôn, buôn; Sơn Hòa có 33 nhà rông văn hóa; Đồng Xuân có 18 nhà rông, đạt 100% thôn buôn có nhà rông. Mỗi nhà rông, nhà nước đầu tư 30- 40 triệu đồng, một số nhà rông văn hóa đầu tư đến cả 100 triệu đồng. Số tiền bỏ ra cho việc xây nhà rông văn hóa tại các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi không phải là ít. Điều cần trao đổi ở đây là làm sao để các nhà rông hoạt động có hiệu quả, tổ chức quản lý ra sao; có nên coi đây là thiết chế văn hóa buôn làng hay không?... Tất cả đang cần sự giải đáp từ phía các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương.

 

Ở Phú Yên, việc xây dựng các nhà rông được giao cho Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh trước đây. Ở một số ít địa phương, nhà rông được tổ chức sinh hoạt văn hóa có hiệu quả. Đây là nơi đồng bào tụ hội để bàn việc của thôn buôn; chẳng hạn như nhà rông văn hóa ở các buôn Hà Rai, Xí Thoại (huyện Đồng Xuân), buôn Bầu, buôn Ken (Sông Hinh), buôn Thống Nhất (huyện Sơn Hòa… Tuy nhiên, đại đa số nhà rông hiện nay luôn cửa đóng then cài, làm ra để đó, không có hoạt động gì. Không thể gọi là nhà rông văn hóa khi không có các hoạt động văn hóa diễn ra ở đó.

 

Thực tế hiện nay, một số mô hình nhà rông xây dựng không phù hợp đặc điểm văn hóa địa phương, có những dân tộc không gọi nhà rông mà họ gọi là nhà dài (như dân tộc ÊĐê), nhà dưới (dân tộc Jarai)… Mặt khác, kiến trúc nhà rông không hợp lý, thiếu quy hoạch, hàng loạt mẫu nhà diện tích chật hẹp, mái lợp tôn dựng dứng, thậm chí có nơi xây gạch, trụ bê tông… Tất cả sự tốn kém không cần thiết ấy đã không được đông đảo nhân dân các buôn làng ủng hộ; có nơi họ nói đấy là “nhà rông văn hóa nhà nước” chứ không phải nhà rông của buôn làng. Có lẽ, nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn văn hóa cội nguồn ẩn chứa trong công trình xây dựng mà ta gọi là nhà rông ấy! Do đó, tốn kinh phí hàng tỉ đồng mà nhiều nhà rông xây dựng xong rồi đóng cửa để đấy. Nhiều nhà rông xây dựng mới ít năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nhà rông văn hóa ở các thôn buôn sử dụng cho các lớp mẫu giáo, làm nhà trẻ của địa phương. Nhiều nơi cho nhân dân tá túc khi không có nhà ở.

 

Hoạt động văn hóa cộng đồng phải được xuất phát từ ý nguyện của đông đảo nhân dân. Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số không phải dân tộc nào cũng giống nhau. Đồng bào ÊĐê không có khái niệm nhà rông như đồng bào BaNa, bởi lẽ từ xa xưa họ đã sống ở trong ngôi nhà dài- nơi chứa đựng văn hóa truyền thống, những nét tâm linh đã hòa quyện, đan xen nhau để rồi gắn bó với chính bản thân họ. Bậc cầu thang lên xuống nhà dài ấy, ở phía đầu với hai bầu vú thể hiện quyền uy của chế độ mẫu hệ, một thời gian dài trong lịch sử phát triển cộng đồng của người Ê Đê.

 

Để thiết chế văn hóa ấy tồn tại, phát triển, trước hết phải xét xem hiệu quả của nó đối với cộng đồng; phải tìm ra cách thức để tổ chức các hoạt động nơi buôn làng có nhà rông văn hóa. Trang bị cho nhà rông các điều kiện, phương tiện, vật chất như các bộ cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc truyền thống, có cán bộ văn hóa, tổ chức các hoạt động, làm cho đồng bào gắn kết các sinh hoạt văn hóa với nhà rông. Coi nhà rông như là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa mà còn là nơi trưng bày, lưu giữ vốn quý văn hóa của buôn làng, coi nhà rông văn hóa như cái “hồn” của buôn làng, là nơi giữ “ngọn lửa” của làng. Qua đó, làm sống dậy những hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tổ chức các hoạt động văn hóa dưới mái nhà rông đảm bảo cho người dân phát huy hết khả năng giữ gìn vốn quý văn hóa truyền thống. Coi nhà rông như chính ngôi nhà chung của buôn làng để mọi vui, buồn của người dân gửi gắn nơi “cái hồn” của buôn, làng. Khi đó hiệu quả xã hội của nhà rông mới phát huy hết giá trị của nó.

HỮU BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Buồn vui đóng phim quảng cáo
Thứ Năm, 11/09/2008 07:00 SA
Lương Mạnh Hải - Ai là ai?
Thứ Tư, 10/09/2008 07:29 SA
Níu giữ kỷ niệm
Thứ Ba, 09/09/2008 10:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek