Tên chung Ra ngoài ngàn năm cho cả tập, được lấy từ mấy câu lục bát mềm mại quen thuộc của Trương Nam Hương: “Váy người ngắn đến mê ly/ Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài/ Áo sương cúc gió lơi cài/Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm” (Viết ở Nghi Tàm). Thế nhưng sự tinh nghịch và trong trẻo ấy chỉ giống một chớp hiện thôi. Thơ Trương Nam Hương bây giờ đã khác, nhẹ nhàng đau đáu và chộn rộn xao xác. Đó là giọng buồn của người đã biết nếm trải và biết tha thứ: “Đi qua năm tháng gập ghềnh dại khôn/ Niềm vui bong bóng hào quang chập chờn/ Chiếc gai chìm khuất nhói vào cô đơn” (Ghi vội trên đường).
Làm thơ không thể có kinh nghiệm và không thể dựa vào kinh nghiệm. Cách gieo vần, cách lập tứ vẫn mang bóng dáng của Trương Nam Hương gần 20 năm trước, nhưng chữ nghĩa đã nặng trĩu hơn. Giữa cuống cuồng danh lợi, nhà thơ muốn níu giữ khoảnh khắc mà con người có thể hờ hững lẫn nhau: “Chậm tích tắc thế là em đi khuất/ Nhanh hai giây ta chẳng kịp theo cùng/ Cái chớp mắt tưởng chừng lưa bụi ấy/ Hoặc là em thương lắm… hoặc người dưng” (Tích tắc). Hơn thế nữa, sống chậm trong quan niệm thi sĩ bao hàm cả sự tử tế, dù vẫn biết ở đời đôi khi tráo trở có thật, đôi khi man trá có thật: “Đứng ngoài các cuộc bon chen/ Đứng trong nước mắt muộn phiền nhân gian/ Chẳng quen khoanh dạ mặt bàn/ Về thưa ghế đẩu cơ hàn mẹ thôi!” (Không đề). Hai chữ “dạ” và “thưa” vốn đi kèm, được tách ra ở hai câu, đủ thành khoảng trống cho một tiếng thở dài sẻ chia bùi ngùi.
Hình như xưa nay, tuổi trẻ thì thơ tìm người, còn tuổi già thì người tìm thơ. Tuổi trẻ làm thơ dễ lắm, vì say đắm có sẵn, bấp bênh có sẵn, nông nổi cũng có sẵn. Trương Nam Hương không còn trẻ nữa, anh tự trang bị ý thức chắt chiu rung động để làm thơ. Vì vậy, Ra ngoài ngàn năm như một cuốn phim âm bản những kỷ niệm khó nguôi ngoai. Đọc thơ Trương Nam Hương để bất chợt nhận ra con sông đã trôi đi, bóng người đã khuất nẻo cũng gợi lên những thao thiết trên xuôi ngược đường đời: “Người đã đến dịu đằm hơn nước mắt/ Anh đón em như tuổi trẻ trở về/Sau đổ vỡ, sau mỗi lần muối xát/ Lại xạc xào hy vọng, những đam mê…”(Đam mê).
TUY HÒA