Ông Đoàn Phước Thuận, một người chơi cổ ngoạn ở TP Tuy Hòa vừa quyết định tặng 4 sắc phong triều Nguyễn cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là lần thứ năm ông Thuận hiến tặng cổ vật sưu tầm cá nhân cho các bảo tàng.
Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Nguyễn Phước Hải Trung (phải) trao chứng nhận hiến tặng cổ vật của bảo tàng cho ông Đoàn Phước Thuận.- Ảnh: N.D.HẠNH
ĐỂ GIÁ TRỊ CỔ VẬT ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI BIẾT
4 sắc phong mà ông Thuận vừa tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế thuộc các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định, phong cho các miếu, đình ở Hà Nội, Hà Nam. Ông Thuận cho biết, ông mua lại bộ sắc phong này từ một người chơi cổ vật ở Hà Nội. Có người chuyên sưu tầm sắc phong đã ngã giá 20 triệu đồng, nhưng ông không bán mà quyết định tặng không cho Bảo tàng CVCĐ Huế. Ông Thuận bộc bạch: “Số sắc phong này trở lại Huế như “châu về hợp phố” – chúng trở lại nơi chúng đã sinh ra. Hơn thế nữa, những sắc phong này sẽ được dịch ra, được giới thiệu đến nhiều người, nhất là du khách nước ngoài đến với thành phố Festival Huế. Nhờ đó, giá trị của chúng sẽ lớn hơn là chỉ trưng bày trong một bộ sưu tập cá nhân nào đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Đoàn Phước Thuận tặng cổ vật cho các bảo tàng. Trước 4 sắc phong vừa nêu, vào tháng 2/2004, ông đã tặng cho Bảo tàng CVCĐ Huế, khi đó còn tên cũ là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, 4 tách uống trà có hiệu đề Nội Phủ, 4 đĩa sứ và 1 khay gỗ mun cổ chạm lộng hoa văn lá cúc. Ông Thuận là người chơi cổ ngoạn chuyên đề gốm sứ men xanh trắng, nhưng ông tặng cả một bộ khay tách trà thuộc loại gốm này quả là điều lạ. Thắc mắc này của chúng tôi được ông giải thích: “Trong quá trình sưu tầm, tôi may mắn mua được hai bộ tách tương tự nhau, vì vậy tặng cho bảo tàng một bộ để họ trưng bày”.
“Việc xã hội hóa hoạt động bảo tàng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi như trường hợp tặng hiện vật của nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế không chỉ được tiếp nhận những hiện vật được hiến tặng, mà còn được tiếp nhận một tình cảm đặc biệt của ông Đoàn Phước Thuận dành cho chúng tôi. Trên hết, đó là sự gửi gắm, ký thác những tình cảm của một cá nhân đối với địa chỉ mà họ tin cậy. Không đề cập sâu, nhưng chắc chắn, phải có gì đó thật đặc biệt từ bảo tàng này, nên ông Đoàn Phước Thuận mới gửi gắm những hiện vật của mình vào đấy. Là Chủ tịch của CLB UNESCO Nghiên cứu và Sưu tầm cổ vật ở Phú Yên, ông Đoàn Phước Thuận đã bỏ nhiều công sức để giao lưu, học hỏi. Những cái nên, và nên như thế nào, ông rất cẩn trọng. Việc hiến tặng hiện vật (hai lần) cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế của ông Thuận đã tạo nên một dư luận tích cực cho vấn đề xã hội hóa công tác bảo tồn di sản”… NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG (Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế)
Nhân dịp thành lập Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Phú Yên ngày 23/11/2007, ông Đoàn Phước Thuận đã hiến tặng Bảo tàng Phú Yên một hiện vật độc đáo: chiếc bình vòi bằng đất từ thời Chămpa. Chiếc bình này được người dân vớt được ở bến sạn Hòa Định Đông, được các nhà nghiên cứu xác định là nơi xây tháp Thành Hồ ngày trước. Chiếc bình có niên đại trong khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ XII, đã bị bào hết lớp men ngoài, chỉ còn lại cốt thai, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác nghiên cứu về lịch sử của vùng đất Phú Yên. “Năm 2004, những người tìm thấy chiếc bình, biết tôi là người chơi cổ vật nên đem xuống tận nhà hỏi thăm. Tôi sợ họ đem bán chiếc bình này đi nơi khác thì Phú Yên mất một cổ vật quý hiếm, do vậy đã hỏi mua với giá hơn 3 triệu đồng” – ông Thuận bộc bạch.
Trước đó, ông cũng trao tặng Bảo tàng Phú Yên 4 con dấu đồng liên quan đến lịch sử Phú Yên, gồm con dấu của các lý trưởng, của nhà buôn Phú Yên; đặc biệt là con dấu Trung tâm Nuôi cá măng Sông Cầu thuộc Sở Dưỡng ngư Phú Yên của chế độ cũ...
NGHĨA TÌNH NGƯỜI CHƠI CỔ NGOẠN
Giới chơi cổ ngoạn thường có một nguyên tắc: Chỉ sưu tầm những cổ vật thuộc dòng chuyên đề mà họ đeo đuổi, những cổ vật khác chủ đề thường là vật trao đổi để “tăng cường” thêm sự đa dạng cho chủ đề chơi chính. Lý do là ai cũng gặp khó khăn về tài chính, khi có bao nhiêu tiền đều đổ cả vào đam mê. “Nhưng không phải ai cũng nghĩ đến chuyện tiền nong. Giới chơi cổ vật cũng tình nghĩa ghê lắm. Cách đây không lâu, tôi có đưa lên mạng chung của giới sưu tầm cổ vật, giới thiệu một chiếc bình đồng đời nhà Lê vừa mua được. Anh Đặng Tuấn Anh ở Bắc Giang đã gởi thư cho tôi, nói rằng nắp chiếc bình của tôi là “đồ lai” và anh gởi tặng tôi chiếc nắp bình chính hiệu. Rồi một người khác ở TP Hồ Chí Minh là kiến trúc sư Hà Kiên Hùng, chỉ biết nhau qua mạng, đã mua những cuốn sách của nước ngoài viết về các loại cổ vật dòng men xanh trắng mà tôi đang sưu tập, gởi tặng... Những cái tình đó thật quý” – ông Thuận thổ lộ.
Ông Thuận còn nói: “Tôi tặng hiện vật cho các bảo tàng như một sự gởi gắm. Ngoài việc để nhiều người biết đến chúng nhiều hơn, tôi còn có một tâm sự khác. Đó là biết cổ vật mà mình tặng được gởi đúng nơi, không lo chúng bị chuyền từ tay người này sang người khác rồi mất dấu như khi trao đổi”.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG