Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nguyễn Quang Thiều thành công ở cả thơ, văn xuôi, hội họa. Nhiều người cứ nghĩ đó là lý do làm ông trở nên hấp dẫn trước phụ nữ. Song Nguyễn Quang Thiều nói: “Phụ nữ chỉ yêu những câu văn chứ không yêu con người thật của tôi”. Riêng chúng tôi, những sinh viên Khoa Sáng tác văn học (Trường Đại học Văn hóa), được ông chấm bài sáng tác định kỳ, nhận xét chi tiết cho từng tác phẩm, thì cảm thấy yêu cả con người thật. Nguyễn Quang Thiều chân tình, sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ. Ngày trước, ông còn làm biên tập ở Báo Văn Nghệ, những tác giả trẻ được gặp ông quả là may mắn. Nguyễn Quang Thiều sẵn sàng đọc, góp ý, nếu được là đăng ngay. Nguyễn Quang Thiều bảo: Mỗi sáng đến Báo Văn Nghệ, chỉ mong nhận được những cái phong bì lạ, những cái tên lạ, với niềm hy vọng phấp phỏm sẽ tìm thấy một tác giả, một nhà thơ mới. Với Nguyễn Quang Thiều, được đọc một bài thơ hay là niềm vui lớn đối với người làm biên tập. Người làm thơ thường phải hy sinh nhiều, thua thiệt lớn, trong khi người biên tập lại được đọc miễn phí trước. Nguyễn Quang Thiều có nhiều cuộc nói chuyện về thơ đối với sinh viên, nhất là trong các hội thảo. “Có lần tôi bảo: Thơ ca Việt
Nói chuyện thơ với Nguyễn Quang Thiều thật thú vị! Cầm trên tay một bài thơ dài ngoằng ngoẵng của sinh viên Khoa Sáng tác, ông cầm bút gạch đi một nửa, chỉnh sửa câu chữ. Đọc lên, ý tứ của tác giả vẫn không đổi, câu thơ cô đọng, trau chuốt và nuột hơn. Sự tài tình của ông là như vậy. Nguyễn Quang Thiều bảo, không nên thương xót con chữ, thương xót chúng thì chúng sẽ hại lại, cho nên phải thẳng thừng cắt gọt, có vậy mới tiến bộ được. Về những nhân vật trong tác phẩm văn học của mình, Nguyễn Quang Thiều nói: “Một nhân vật hay trong tác phẩm nghệ thuật không phải là một nhân vật được tạo thành bởi tất cả những điều tốt đẹp. Có những người phụ nữ thật tốt, thật đầy đủ lại không thể trở thành nhân vật của tác phẩm. Văn học là vậy, nó chứa đựng cái gì bất trắc, hoang mang, một cái gì đó đôi khi như bi kịch”.
Gần đây Nguyễn Quang Thiều lại ngồi tỉ mẩn vẽ tranh và đã triển lãm. Ông gây bất ngờ bởi những bức tranh của ông bán khá chạy với giá không ngờ. “Đọc” Nguyễn Quang Thiều trong tranh cũng như đọc trong văn chương, đều thấy đó là một người phóng khoáng, đầy chiêm nghiệm cuộc đời. Nguyễn Quang Thiều vẽ cứ chơi chơi như vậy mà không đơn giản. Tuy nhiên đánh giá thế nào thì ông chỉ là một tay cọ nghiệp dư, vì không được đào tạo cơ bản về hội họa. Ông có năng khiếu, yêu thích loại hình nghệ thuật này. Không phải cứ ngẫu hứng bôi bôi, trát trát là thành tranh. Nhiều người học hành cả chục năm về hội họa cơ bản mà cuối cùng cũng bỏ cọ, đi làm nghề khác.
Khi vẽ, Nguyễn Quang Thiều luôn ngậm điếu thuốc, khói lan tỏa bám lấy bộ ria mép. Cứ lầm lũi bôi, trát, xoa, đắp, cạo rồi lại bôi. Tâm trí ông tập trung cao độ. Nhà thơ vẽ tranh, nên tranh của ông cũng đầy chất thơ. Mỗi bức tranh hình như là một câu chuyện. Và đó là những câu chuyện buồn. Sự lãng mạn và buồn trong tranh của Nguyễn Quang Thiều thể hiện rõ nhất ở màu sắc. Đó là bản hòa sắc thiên về màu lạnh. Có thể nói, ông là người luôn mang trong mình một nỗi buồn nào đó, trong văn chương và trong hội họa. Nỗi buồn ấy có lúc rõ ràng, đôi khi mơ hồ. Đó là nỗi buồn tinh tế được thổn thức bằng sự lãng mạn của Nguyễn Quang Thiều.
Sau 15 năm ở Báo Văn Nghệ, làm được nhiều việc cho văn chương, Nguyễn Quang Thiều đã chuyển sang báo VietnamNet. Chuyển từ báo giấy sang báo điện tử, từ báo tuần sang báo giờ, phút, thậm chí giây, với những thách thức và áp lực tăng lên. Khi biết ông chuyển, tôi thực sự tiếc. Nhưng ông đã cho phép mình có quyền được “không ổn định” khi đã có tuổi, và chẳng còn phải lo lắng nhiều về tiền nong. Tôi mong được gặp ông nhiều hơn nữa, mong ông lại đến với những sinh viên Khoa Sáng tác để tâm sự, đọc thơ và chỉ cho chúng tôi với tư cách là một người thầy. Nếu viết một bài thơ về ông, phác họa ông, tôi sẽ viết bài thơ có nỗi buồn chất chứa, làm sao cho thật Nguyễn Quang Thiều.
NGUYỄN VĂN HỌC