Có thể nói, đối với hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) ở địa phương, văn xuôi trong chuyên ngành văn học có một ý nghĩa quan trọng. Các cây bút văn xuôi không chỉ góp mặt với đời sống văn nghệ bằng các tập tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, làm cho tờ tạp chí văn nghệ địa phương thêm dày dặn và phong phú, mà còn là những cây bút chủ lực phản ánh các mặt hoạt động của các chuyên ngành VHNT khác.
Một số tác phẩm của các tác giả văn xuôi Phú Yên đã được xuất bản. - Ảnh: T.HẢO
Ngoài các trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ở các địa phương khác, những người có khả năng viết văn xuôi không nhiều so với những người làm thơ, chỉ chiếm khoảng 10-20%. Và số người viết vững vàng, có thể góp mặt với văn đàn trong cả nước lại càng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do rất đơn giản, để có một bài thơ hay, cần có tài năng và một phút thăng hoa bất chợt, nhưng để có một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết hay, ngoài tài năng và những giây phút thăng hoa ra, người viết còn phải có vốn sống phong phú và sự lao động bền bỉ lâu dài. Chính vì vậy mà các thần đồng thơ nhỏ tuổi thi thoảng vẫn xuất hiện, nhưng hầu như chẳng bao giờ thấy các thần đồng văn xuôi.
Một điều rất đáng mừng cho hoạt động VHNT của tỉnh Phú Yên là số lượng các cây bút văn xuôi khá phong phú so với các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước. Trong số 94 hội viên chuyên ngành Văn học thuộc Hội Liên hiệp VHNT tỉnh có đến 28 cây bút văn xuôi. Trong số 9 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của tỉnh thì có 3 nhà thơ là Liên Nam, Huỳnh Quang Nam và Triệu Lam Châu, còn 6 hội viên khác gồm Văn Công, Y Điêng, Tô Phương, Trần Huiền Ân, Đào Minh Hiệp, Huỳnh Thạch Thảo là viết văn hoặc vừa viết văn vừa làm thơ. Họ đã cho ra mắt nhiều tác phẩm có giá trị và có được chỗ đứng vững vàng trong lòng bạn đọc. Đây là cái vốn rất quý của phong trào VHNT tỉnh nhà mà không phải tỉnh nào cũng có được.
Những năm gần đây, ngoài các nhà văn nói trên, tỉnh Phú Yên bỗng xuất hiện nhiều cây bút văn xuôi gây ngỡ ngàng không chỉ trong tỉnh mà trong cả nước. Đầu tiên là tác giả Phương Yến. Sau nhiều năm im hơi lặng tiếng hoặc chỉ xuất hiện trên văn đàn bằng những bài thơ, ông bỗng cho ra mắt tập 1 tiểu thuyết Bên gốc me già dày hơn 500 trang và tập truyện ngắn về đề tài chiến tranh cách mạng. Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, nhất là những độc giả đã từng trải qua chiến tranh. Qua từng trang sách, bạn đọc có thể cảm nhận được một cách sâu sắc những chiến công vẻ vang, sự hy sinh anh dũng của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ có những người trong cuộc, với một tình cảm trân trọng đối với đồng bào, đồng chí từng chia ngọt sẻ bùi mới có thể viết nên những trang văn xúc động và thấm đẫm tình người như vậy. Tuy nhiên, nổi đình nổi đám nhất có lẽ là cây bút “nông dân” Ngô Phan Lưu. Với giải nhất cuộc thi Truyện ngắn 2006-2007 của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, một giải thưởng danh giá về văn học, ông được Báo Văn Nghệ coi là “một phát hiện độc đáo của cuộc thi” và được nhiều nhà xuất bản cũng như nhiều báo khác, kể cả báo điện tử để mắt tới. Ông được “đặt hàng” liên tục và cũng “cày” liên tục, mới đây còn khoe với bạn bè là bắt đầu sống được bằng nhuận bút. Cây bút văn xuôi thứ ba được giới văn học quan tâm là Đoàn Việt Hùng. Với truyện ngắn Nơi không chỉ có khói núi, Đoàn Việt Hùng cũng giật được giải nhất của cuộc thi truyện ngắn năm 2006 do Hội Nhà văn Việt
Có một điều khá trùng hợp giữa ba “cây bút trẻ” này, là cả ba đều đã ngoại lục tuần. Những người ít am hiểu về văn học thì hơi ngỡ ngàng vì sự xuất hiện khá muộn mằn của họ, song với những người trong cuộc thì đây là một quy luật tất yếu. Cả ba đều đã viết từ lâu, nhưng có thể trước kia người thì còn mải lo công tác, người lo chuyện “cơm áo gạo tiền” hay vốn sống chưa “đủ chín”. Nay, đời sống kinh tế đã khá hơn, con cái đã yên bề gia thất, cùng với thời gian rảnh rỗi là những giây phút thăng hoa chợt đến, cộng với tài năng và vốn sống ngồn ngộn tích lũy cả đời người, thế là mạch văn cứ tuôn chảy. Người viết bài này không ít lần trò chuyện với các ông, hỏi chuyện văn chương, các ông đều có chung lời đáp: viết nhẹ nhàng lắm, cứ như là đã có sẵn trong tim óc, ngồi vào bàn là bàn phím nhảy lóc cóc. Nghĩa là sau nhiều năm tích đầy nhựa sống, giờ đã đến mùa trái chín. Mừng cho các ông, mặc dù đã có tuổi nhưng vẫn không lạc hậu với nhịp sống thời @. Cả ba đều sáng tác trên máy vi tính.
Ngoài “ba tài năng trẻ U60” nói trên, Phú Yên còn có các cây bút văn xuôi khác cũng được bạn đọc quan tâm là Y Nguyên, Trần Quốc Cưỡng, Nguyễn Bằng Tín, Phan Long Côn, Tấn Phát, Nguyên Đạt, Nguyễn Duy Tẩm, Lưu Ngọc An, Trí Thanh, Trần Phi Tơ, Lệ Thanh, Dương Long, Trần Cao Trí… Hầu hết họ đã có một vài đầu sách được xuất bản. Những năm gần đây, nhờ Quy chế hỗ trợ kinh phí xuất bản sách của UBND tỉnh mà nhiều người đã có dịp được nhìn đứa con tinh thần của mình ra đời.
Nhưng đó là những người đã thuộc thế hệ “U40” trở lên. Đời sống văn học của tỉnh đang mong ngóng những tài năng trẻ thực sự để kế thừa những người đi trước. Sau nhiều năm Hội Liên hiệp VHNT tỉnh gửi các cây bút trẻ tham dự các trại sáng tác VHNT của TW và Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, đã thấy xuất hiện nhiều cây bút văn xuôi đầy triển vọng như: Huỳnh Hiếu, Phương Trà, Mạnh Hoài Nam (ở Báo Phú Yên), Huỳnh Văn Quốc (Hội Liên hiệp VHNT), Nguyễn Thị Thu Hồng (Đồng Xuân), Thái Hiền (TP Tuy Hòa)… Họ đã có nhiều truyện ngắn in trên các báo trong nước và đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức. Hy vọng họ sẽ tiếp nối xứng đáng các bậc đàn anh đi trước, góp phần làm phong phú thêm đời sống VHNT tỉnh nhà.
ĐÀO MINH HIỆP