Nhà thơ Xuân Sách - Ảnh: T.H.NHÂN |
Sau mấy năm thường xuyên đau yếu tại Vũng Tàu, nhà thơ Xuân Sách bảo: “Tớ ra Hà Nội ở với con gái để có điều kiện chữa bệnh!”. Ừ thì ông đi. Thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi, giọng Xuân Sách buồn buồn: “Tớ vừa suy gan vừa suy thận. Ở đây mai mốt tròn trăm thì về quê cho tiện!”. Nói rồi ông cười khùng khục, cái kiểu cười dường như không biết sợ hãi điều gì của Xuân Sách. Ông muốn trở lại với mảnh đất Nông Cống – Thanh Hóa đã sinh ra và bồi đắp cho ông sự tài hoa lẫn sự can trường, cái mảnh đất mà ông khắc khoải: “Tôi về tới bến sông xưa. Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò. Nhìn theo ngọn khói vu vơ. Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không. Buồn ai thả lại giữa dòng. Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay”.
Nhà thơ Xuân Sách thường gây ấn tượng cho người đối diện bởi hai yếu tố, vầng trán vuông vức và ngôn ngữ bộc trực. Là tác giả lời ca “Đường chúng ta đi” lạc quan và gan góc “ta sẽ đến nơi đâu còn giặc, ta chưa về khi tổ quốc chưa yên” dường như suốt cả cuộc đời 77 năm, ông luôn giữ thái độ quyết liệt ấy, cả khi ngả lòng cũng tự an ủi: “Người ta sống nếu không tin gì nữa. Biết sống với ai, biết sống thế nào…”
Nhà thơ Xuân Sách sinh ngày 7/4/1932 tại Thanh Hóa, từ trần lúc 23g55 ngày 2/6/2008 tại Bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội.
Chàng trai Ngô Xuân Sách sau một thời gian ở chiến trường ký bút danh Lê Hoài Đăng, đã dùng tên khai sinh Xuân Sách xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên “Cô giáo làng” vào năm 1962 và nhanh chóng nổi tiếng với truyện dài “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” in năm 1964. Hành trình sáng tác của Xuân Sách có 4 cuốn tiểu thuyết và 4 tập thơ, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến “Chân dung nhà văn”. Không chỉ phác họa 99 chân dung đồng nghiệp, ông cũng dũng cảm vẽ chân dung mình: “Xót xa Đình Bảng người du kích. Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi… Mặt trời ảm đạm quê hương cũ. Ở một cung đường rách tả tơi”. Có thể có vài người không hài lòng, nhưng sự chân thành và yêu mến của Xuân Sách thể hiện rất rõ trong “Chân dung nhà văn”. Và có lẽ còn lâu, đời sống văn chương mới có một tác phẩm độc đáo khác cùng thể loại đủ sức so sánh với “Chân dung nhà văn”. Bằng chứng rõ nhất là một nhà thơ khi in một cuốn thơ chân dung đã phải khiêm nhường viết đôi dòng thưa cùng Xuân Sách: “Nghề này phải gọi ông này là sư!”
Cầm súng rồi cầm bút, nhà thơ Xuân Sách đi qua chiến tranh và đi qua hòa bình bằng những ưu tư riêng. Thành hay bại, hân hoan hay đau khổ, Xuân Sách đều gửi gắm vào thơ. Bây giờ ông đã đi xa, muốn hiểu những ngày ông đã sống, chỉ cần chậm rãi đọc lại thơ ông: “Tôi đi cùng trùng trùng đồng đội. Tôi lẫn vào người, người lẫn vào tôi. Ngày cũng vội, bữa cơm cũng vội. Đêm hành quân hun hút gió bên đồi. Tôi đi qua phố phường xủng xoảng. Thời thị trường lẫn lộn trắng đen. Tôi quên mất mái đầu đã bạc. Và những đêm thức với ngọn đèn”.
TÂM HUYỀN