Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có ghi nhận những lời kể của một thương gia họ Trần, người gốc Quảng Đông khi chở hàng đến Hội An. Theo thương gia này, người Minh Hương (Trung Quốc) chọn Hội An làm nơi định cư, đã mang theo đèn lồng từ quê hương đến và có thói quen thắp sáng đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Hàng mang đến gồm sa, đoạn, gấm vóc, vải, các vị thuốc, các thứ đèn lồng, các thứ đồ sứ, đồ sành...
Phố lồng đèn. - Ảnh: NHẬT NGHIÊU |
Đèn lồng đưa sang có hai loại: một là loại đèn lồng có khung gỗ lắp kính, hai là loại đèn lồng khung tre hay khung sắt có dán giấy dó. Bên cạnh nguồn đèn lồng từ bên ngoài nhập vào, nhiều người lớn tuổi ở đây cho biết: “Nghề làm đèn lồng ở Hội An có từ lâu đời, khoảng nửa đầu thế kỷ 19”.
Nghề làm đèn lồng ở Hội An phát đạt từ những năm gần đây nhờ vào dịch vụ du lịch. Nghề này đã được khôi phục và thu hút hàng nghìn lao động có việc làm ổn định. Sản phẩm đèn lồng Hội An chẳng những phục vụ đông đảo bà con các tỉnh lân cận mà còn cung cấp cho du khách nước ngoài.
Nghề nào cũng có bí quyết riêng, làm đèn lồng cũng vậy. Mỗi công đoạn, động tác của người thợ đều cần đến kinh nghiệm, sự nhanh nhạy ở đôi mắt và đôi tay. Tùy theo mục đích, đối tượng sử dụng để tạo dáng, trang trí màu, vẽ chữ, hình trên bề mặt của đèn cho phù hợp.
Nếu là loại đèn lồng để thờ thường viết chữ Hán hay chữ Nôm; đèn lồng treo trong dịp lễ, tết thường mang các chữ Phúc, Lộc, Thọ với hình cành mai, trúc, hạc... đèn lồng đem trang trí trong nhà hay treo ở trước hiên lại là câu đối. Như vậy, mỗi loại đèn lồng đều có chủ đích mang ý nghĩa riêng của nó. Những người thợ làm đèn lồng ở Hội An đang góp phần làm đẹp thêm cho thành phố duyên dáng này. Món quà lưu niệm của khách phương xa thường là những chiếc đèn lồng xinh xinh đã theo chân lữ khách gần xa đi khắp bốn phương trời.
Theo ND