NSND Trà Giang bên những bức tranh do bà vẽ - Ảnh: H.NHÂN |
* Trọn đời cống hiến cho điện ảnh, NSND Trà Giang đã cống hiến đến lúc nào thì tạm dừng?
- Năm 1990, tôi không đóng phim nữa sau khi tham gia bộ phim nhựa cuối cùng Dòng sông hoa trắng của đạo diễn Đoàn Phương. Năm 1990 cũng là năm gia đình tôi chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Lúc đầu tôi định về cơ sở II của Trường ĐH Điện ảnh, nhưng sau chuyển sang Trung tâm lưu trữ Điện ảnh vào năm 1993.
* Vào TP Hồ Chí Minh sau “mở cửa” là cơ hội để NSND Trà Giang tìm thêm nhiều vai diễn mới, tại sao bà không đóng phim?
- Thời điểm này tôi cũng muốn tham gia, nhưng không có vai thích hợp. Nói thật, đã có nhiều lời mời đóng phim, nhưng như các bạn đã biết, phần nhiều là phim “mì ăn liền”. Có nơi còn mời tôi đóng minh họa cho các bộ phim ca nhạc. Nếu tính thù lao nhận được nếu tôi nhận vai thì rất khá, nhưng mình không thể làm như vậy, vì dễ đánh mất mình cho những vai diễn mà mình không yêu.
* Vậy cat-xê những năm 1990 hẳn là hơn thời bao cấp nên bà mới có chút đắn đo?
- Hoàn toàn không phải như vậy. Trước năm 1975 cho đến sau đổi mới, nghệ sĩ chúng tôi được ưu đãi rất nhiều. Mỗi người đều nhận lương để làm tròn việc của mình. Riêng giới nghệ sĩ còn được thêm khoảng “thanh, sắc” quy ra hiện vật như: đường, sữa… cũng tạm gọi là hơn hẳn mọi người. Tôi không muốn nói đến vật chất mà muốn vai diễn của mình phải khiến mình yêu thì mới sâu sắc được.
* Người ta hay nhắc đến NSND Trà Giang qua các vai trong phim Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Vậy bộ phim đầu tiên bà đóng là khi nào?
- Năm tôi 19 tuổi, vào vai chị Kiên trong phim Một ngày đầu thu, đây là bộ phim tốt nghiệp của đạo diễn Huy Vân và Hải Ninh. Sau vai diễn này, tôi đã tạo được ấn tượng để đạo diễn Phạm Kỳ
* Thành công và nổi tiếng trong điện ảnh khi còn khá trẻ, hẳn thuở nhỏ bà đã đam mê diễn xuất?
- Hồi nhỏ tôi mê múa chứ không mê gì khác. Người đưa tôi đến với điện ảnh là ba tôi (NSƯT Nguyễn Văn Khánh). Ba tôi tham gia làm phim trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng sau ông được phân công làm sân khấu. Chính ba tôi chụp hình phát hiện tôi “ăn ảnh” rồi gởi đi thi một cuộc thi chọn diễn viên thời đó.
* Nhiều bạn trẻ bây giờ nổi tiếng một tí đã “mắc bệnh” ngôi sao, thời đó bà có như vậy không?
- Làm gì có khái niệm ngôi sao vào thời cả dân tộc đang hướng về một mục đích thống nhất đất nước như vậy! Nhưng có lần một nhà báo viết tôi là ngôi sao và bị tôi than phiền liền. Diễn viên, nghệ sĩ lúc đó có hơn người khác là nhờ được yêu mến chứ còn đi đóng phim cực khổ lắm. Nghệ sĩ cũng là một người bình thường.
* Cực khổ ra sao, thưa bà?
- Riêng phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm phải mất 2 năm (1968 – 1970) để các nhà biên kịch vào tận Vĩnh Linh, Quảng Trị để thực tế, về Hà Nội viết xong kịch bản lại mang vào cho nhân dân trong đó đọc và chỉnh sửa. Phim bấm máy mãi đến năm 1972 mới xong và đoàn làm phim chuyển dời tránh bom Mỹ nhiều lần lắm. Ngay cả phần hậu kỳ cũng được làm dước những trận mưa bom. Nhưng không chỉ cực vì chiến tranh thôi đâu, cả nước lúc đó ai cũng rất nghèo… Tuy vậy, nghèo mới thương nhau nhiều.
* Trong lễ trao giải Cánh diều vàng, nghe đâu sẽ chiếu lại một số phim do NSND Trà Giang đóng vai chính. Vậy những phim nào bà ưng ý nhất với vai diễn của mình?
- Đạo diễn Đinh Anh Dũng đã mượn tôi 3 phim: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và Ngày lễ thánh. Những vai diễn của tôi đều mang dấu ấn những giai đoạn khác nhau của đời mình. Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm cách phim Chị Tư Hậu hơn 10 năm, phim Ngày lễ thánh làm sau Chị Tư Hậu những 5 năm. Hỏi thử bây giờ có diễn viên nào chịu chờ lâu như thế để lên phim không? Nhưng có cái hay là lâu lâu mới diễn nên mình tập trung được trọn vẹn cho nhân vật mới.
* Bà đã sống một đời cho điện ảnh, vậy làm sao sống trọn vẹn như một người phụ nữ của gia đình?
- Tôi phải cảm ơn chồng và con gái (Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc và nghệ sĩ Bích Trà) của tôi đã ủng hộ tôi hết lòng. Tôi lấy chồng năm 1967 đến năm 1999 thì anh qua đời, hơn 30 năm sống chung anh đã hy sinh vì tôi rất nhiều. Những lần tôi đi đóng phim kéo dài nhiều tháng trời thì anh sẵn sàng giữ con, như đợt tôi đi Liên Xô tham gia Liên hoan phim thì anh phải giữ Bích Trà lúc đó mới hơn 3 tháng tuổi. Nhiều lần tôi không muốn đi nhưng vì anh và gia đình động viên nên tôi mới có điều kiện. Bích Trà là con gái duy nhất của chúng tôi, nhưng may mắn thay cháu không hề hư hỏng như nhiều đứa con một khác.
* Bây giờ NSND Trà Giang còn là một “tay cọ” đã có triển lãm cá nhân và chung. Bà đến với hội họa vì…
- Vì buồn. Năm 1999 khi anh Ngọc mất, Bích Trà đi du học mãi đến nay ở luôn nước ngoài, buồn nên tôi đi học vẽ ở Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Càng vẽ tôi càng say mê màu sắc, tôi cùng những người bạn đã thành lập nhóm Hương Cỏ, mỗi thứ năm hàng tuần tập trung ở nhà tôi vẽ chơi. Tưởng người có quyền chức về hưu buồn đã đành, ai ngờ nghệ sĩ như mình lớn tuổi cũng cô đơn không kém. Dường như vui nhiều thì buồn cũng nhiều là một đặc tính của nghệ sĩ.
HOÀNG NHÂN