Thứ Tư, 02/10/2024 17:31 CH
Tiếng cồng chiêng lại rộn rã buôn làng
Thứ Ba, 26/02/2008 10:04 SA

Cồng chiêng là một tài sản vô giá của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. UNESSCO đã chính thức công nhận không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, sự mai một của văn hóa cồng chiêng đã và đang diễn ra ở một số địa phương. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi không còn lưu giữ những bộ cồng chiêng vốn được xem là tài sản cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

080226-CCMN.jpg

Nhiều địa phương miền núi đang nỗ lực phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng - Ảnh: L.KHA

 

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng ngay tại buôn làng, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, đang được nhiều ngành, địa phương quan tâm. Tại huyện miền núi Sơn Hòa, đội cồng chiêng thanh niên đã được thành lập và những âm thanh gần gũi thân thuộc mang hồn dân tộc đã lại vang lên trong các lễ hội của buôn làng.

 

MỘT THỜI “CHẢY MÁU CỒNG CHIÊNG”

 

Cách đây chừng vài năm, những bộ cồng chiêng càng nhiều tuổi càng được những người mê đồ cổ săn tìm. Cồng chiêng cứ như có chân chạy khỏi buôn làng, dù một thời nó được xem là tài sản quý của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ka Sô Liễng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, nói: “Nạn “chảy máu cồng chiêng” là có thật, nhưng không phải ai cũng ý thức được. Môi trường diễn xướng của cồng chiêng đã bị hạn chế nếu không nói là quá thiếu. Đây là nguyên nhân căn bản”. Còn lý do mà nhiều người đưa ra như vì kinh tế gia đình khó khăn, phải bán cồng chiêng đi để cải thiện cuộc sống hoặc do đám trẻ trong buôn làng ít quan tâm đến truyền thống của dân tộc… xem chừng chưa thuyết phục.

 

Đã có một thời gian dài, các buôn Độc Lập A, Độc Lập B, Độc Lập C, Kiến Thiết ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hoà vắng bóng cồng chiêng. Muốn tổ chức lễ hội hoặc bất kỳ sinh hoạt văn hóa cộng đồng nào, người ta cũng phải đi mượn ở nơi khác. Bí thư Xã Đoàn Ea Chà Rang Sô Minh Dõ nói: “Không chỉ các già làng, chính quyền địa phương mà thanh niên trong xã cũng bức xúc”.

 

LƯU GIỮ HỒN DÂN TỘC

 

Để khắc phục tình trạng trên, Sô Minh Dõ cùng các đoàn viên thanh niên bàn cách gây quỹ Đoàn. Trai tráng trong các buôn ai cũng tràn đầy sức lực và cách tốt nhất là tình nguyện lao động để có kinh phí cho đội cồng chiêng hoạt động. Ông Ka Sô Liễng chủ động đến giúp thanh niên tập luyện. Cứ như thế, các thành viên trong đội dần nhuần nhuyễn. Từ ngày có đội cồng chiêng thanh niên, tiếng cồng chiêng lại cất lên mỗi khi làng có việc lớn, từ lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu xoay cột hay lễ bỏ mả... Tiếng cồng chiêng mỗi lúc mỗi hay, vui buồn theo từng giai đoạn, từng nghi thức lễ hội.

 

Bí thư Đảng ủy xã Ea Chà Rang A Lê Y Bớ, nói: Với đồng bào dân tộc Chăm, Ê Đê hay Ba Na ở miền Tây tỉnh Phú Yên, cồng chiêng như một gia tài có ý nghĩa nhất. Vòng đời của mỗi con người từ lúc sinh ra đến khi chết đi đều có sự hiện diện của tiếng cồng tiếng chiêng. Nhà nào có nhiều cồng chiêng được xếp vào loại giàu có cùng với thóc gạo, trâu bò. Nhà ông Y Lò ở xã Suối Bạc tuy không có nhiều của cải nhưng vẫn được bà con trong buôn xem trọng cũng là vì ông sở hữu đến 3 bộ cồng chiêng. Mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều gắn với từng mốc thời gian, từng giai đoạn trong cuộc đời của ông. Một số do ông bà tổ tiên để lại cho con cháu, một số khác là do ông tích cóp, sưu tầm được. Dù thế nào ông cũng cố giữ, vì biết chúng rất quan trọng đối với dân tộc mình.

 

Vào mùa lễ hội mừng năm mới của đồng bào, đội cồng chiêng thanh niên rất bận rộn bởi công việc biểu diễn phục vụ bà con dân tộc mình. Nhưng ai nấy đều vui mừng bởi những âm thức giai điệu quen thuộc của dân tộc đã trở về với buôn làng. Âm vang của nó cùng với điệu múa xoan chính là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người nơi đây.

 

KHÁNH KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek