Thứ Tư, 02/10/2024 17:24 CH
Nhà văn Đào Minh Hiệp, Chủ tịch Hội LHVH-NT Phú Yên:
Một năm nỗ lực và thăng hoa của văn nghệ sĩ tỉnh nhà
Thứ Bảy, 23/02/2008 14:00 CH

2007 là năm được mùa của Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật (LHVH-NT) tỉnh Phú Yên với những sự kiện văn học- nghệ thuật nổi bật, với nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế của các văn nghệ sĩ. Nhà văn Đào Minh Hiệp, Chủ tịch Hội LHVH-NT Phú Yên nhìn nhận:

 

080223-tac-pham.jpg

Giới thiệu tác phẩm mới - một hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Phú Yên - Ảnh: K.CHI

 

Năm qua là năm làm việc cật lực, nhọc nhằn và đầy thăng hoa của nhiều văn nghệ sĩ tỉnh nhà, và bù lại, họ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Chưa năm nào mà văn nghệ sĩ Phú Yên đoạt nhiều giải thưởng như năm nay. Mở đầu là hội viên nhiếp ảnh Lê Châu Đạo đoạt liền 3 giải chính thức trong các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế. Kết quả này không chỉ tạo niềm phấn khích cho chính tác giả mà qua đó, chúng ta nhìn nhận đúng hơn về tiềm năng của các văn nghệ sĩ trong tỉnh. Tiếp đó, cây bút Ngô Phan Lưu được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ - một cuộc thi về văn học uy tín nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam (UBTQ) cũng đã trao 4 giải chính thức cho các văn nghệ sĩ của tỉnh: Giải B cho Đoàn Việt Hùng và tôi; 3 giải C cho Triệu Lam Châu, Đoàn Việt Hùng và Phạm Ngọc Hiền. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải 3 cho tác giả Trần Huiền Ân, 2 giải khuyến khích cho tác giả Lê Thế Vịnh và nhóm tác giả Ngô Sao Kim, Ngô Phan Lưu, Lý Thơ Phúc. Như vậy, trong năm 2007 văn nghệ sĩ Phú Yên đã đoạt 9 giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

 

Năm 2007, Hội còn chủ trì xuất bản một đầu sách khá lý thú: tập Nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành. Đó là những trang viết, những dòng thơ của một thanh niên đầy ắp lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng của quê hương Phú Yên.         

 

* Trong bối cảnh đời sống văn học tỉnh lẻ thường khá bình lặng thì những sự kiện trên liệu có đủ sức khơi dậy, hâm nóng không khí văn học-nghệ thuật của Phú Yên?

 

Lâu nay chúng ta đã có được nhiều giải thưởng trong nước về văn học, văn nghệ dân gian, nhưng năm nay chúng ta còn được mùa ở những lĩnh vực khác và ở tầm cao hơn. Thí dụ ở lĩnh vực nhiếp ảnh, năm qua tác giả Lê Châu Đạo với những giải thưởng quốc tế của mình đã mở ra một hướng đi mới cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh: chúng ta không chỉ tham gia các cuộc thi trong nước, mà có thể đoạt giải cao ở các cuộc thi quốc tế. Hay việc nhà thơ-dịch giả Triệu Lam Châu bất ngờ bước sang lĩnh vực âm nhạc, xuất bản đĩa và giành giải thưởng của UBTQ với CD Gánh nước ban mai cũng tác động tới suy nghĩ, cảm hứng và mục tiêu sáng tạo của các nhạc sĩ khác trong tỉnh.

 

 * Các tác giả ở  tỉnh lẻ nói chung  ít có sự tìm tòi, bứt phá về mặt bút pháp. Riêng Ngô Phan Lưu thì khác. Ông nhận xét gì về tác giả này?

 

- Có lẽ những người trước đây chưa đọc tác phẩm của Ngô Phan Lưu thì thấy tương đối lạ lùng với bút pháp của anh. Nhưng với chúng tôi, những người đã đọc, đăng nhiều truyện ngắn của Ngô Phan Lưu trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên và hỗ trợ kinh phí để anh xuất bản tập truyện ngắn Người không giăng câu Kiều thì từ khá lâu, chúng tôi đã biết về cây bút độc đáo này. Ngô Phan Lưu là một cây bút vững vàng. Anh có một giọng văn khá đặc biệt, súc tích, cô đọng, dí dỏm, cộng với sự trải nghiệm của một người sống lâu ở nông thôn, gắn bó với nông thôn, nắm bắt được những vấn đề rất nhân bản đặt ra hiện nay ở nông thôn. Tôi nghĩ, thành công của Ngô Phan Lưu sẽ kích thích các tác giả trong tỉnh tìm tòi, bứt phá để tạo nên những giọng điệu riêng độc đáo.

 

Trong cuộc thi truyện ngắn vừa rồi do Hội LHVH-NT phối hợp với Hội Cựu học sinh trung học Phú Yên tổ chức, tác giả đoạt giải nhất là Nguyễn Thị Thu Hồng ở Đồng Xuân cũng có lối viết tương đối độc đáo, giọng văn hiện đại, khác hẳn với lối viết kể lể, dài dòng như nhiều tác giả thế hệ trước.   

 

* Riêng ông, dù “ cày xới” trên khá nhiều lĩnh vực VH-NT, nhưng có lẽ thành công nhất vẫn là văn học dịch. Ông có dự định gì để độc giả tiếp tục được đọc những tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng như đã từng say mê những trang dịch Đức Mẹ mặc áo choàng lông,  Khát vọng đổi đời, Nô lệ của tình yêu…?

 

- Năm vừa qua tôi tập trung cho một tập truyện ngắn khá thú vị, đó là tuyển tập các truyện ngắn đoạt giải thưởng truyện ngắn hay nhất trong năm của nước Nga. Mỗi năm, văn học Nga chỉ trao một giải duy nhất cho một truyện ngắn hay nhất, được các báo và tạp chí của nước Nga bình chọn trong số hàng ngàn truyện đăng trên hàng chục tờ báo và tạp chí văn học của toàn nước Nga. Vừa rồi, nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng một chùm truyện tôi dịch trong số đó. Dự kiến tập truyện dịch này sẽ ra mắt bạn đọc trong năm 2008. Đây là những truyện ngắn mà ngay cả độc giả Nga cũng cảm thấy có nhiều bứt phá trong bút pháp và nội dung thể hiện, chắc chắn sẽ đem lại nhiều hứng thú cho bạn đọc Việt Nam.

 

* Xin cám ơn ông!

 

XUÂN LUẬT (thực hiện

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek