Thứ Ba, 08/10/2024 13:38 CH
Tết ở vùng giải phóng
Chủ Nhật, 03/02/2019 08:00 SA

Những năm chiến tranh, tôi lớn lên trong vùng giải phóng. Làng quê tôi cách vùng địch đóng một cánh đồng nhỏ nối liền bằng chiếc cầu bắc qua con mương dẫn thủy; đồn địch đóng trên một ngọn đồi nhìn qua cánh đồng khống chế những xóm làng trước mặt. Đóng quân trên đồn thường có khoảng một đại đội lính với nhiều lớp hàng rào dây thép gai của Mỹ, các  dãy giao thông hào và nhiều lô cốt trên cao thò ra những họng súng trung liên. Những chiều, những tối, bọn lính thường bắn hú họa qua xóm. Những tràng trung liên nổ từng nhịp một, đạn chém vào ngọn tre rào rào, đạn xuyên qua nóc nhà, đạn cày trên sân gạch. Đêm nào nghe tiếng chó sủa râm ran thì lập tức chúng gọi pháo từ thị xã bắn lên từng hồi, đạn rơi ngoài đồng, đạn rơi trong xóm nổ ầm ầm, chớp lửa sáng lòe tưởng như muốn xé rách cả bầu trời, có lúc người chết, có lúc nhà cháy... Nhưng làng quê giải phóng vẫn sống, vẫn sản xuất, vẫn học hành và đêm đêm vẫn văn nghệ hát ca. Sức sống của làng quê phía sau lũy tre thật mãnh liệt và bền bỉ. Tre đan dày như thành lũy tạo một vòng ôm quanh xóm làng, tre phủ kín những con đường nhỏ tạo thành truông, tre bao bọc  từng mái nhà.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Những người già kể rằng ngày xưa lũy tre ngăn bọn cướp từ ngoài đột nhập vào làng. Ở mỗi ngõ vào được đặt một chòi canh, đêm đêm các trai làng được phân công canh gác, đảm bảo cuộc sống an bình cho bà con. Rồi tre làng được xem như công sự chiến đấu, phía bên trong những bờ tre dày và vững chãi là những dãy giao thông hào và đắp ụ chiến đấu. Có những trận đánh mà bên trong chỉ một tiểu đội du kích với vũ khí thô sơ có thể chiến đấu cả ngày với một đại đội lính Sài Gòn, lính Mỹ hay lính Park Chung Hy có cả pháo binh yểm trợ mà vẫn giữ vững trận địa. Có lúc có cả xe tăng, xe bọc thép cũng không thể xuyên lũy tre mà đột phá vào làng được. Một đêm mùa xuân, mở radio nghe chương trình thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam (hồi đó thường gọi là đài Hà Nội), tình cờ được nghe một nữ nghệ sĩ ngâm bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy hay đến mức mà giọng ngâm của nghệ sĩ, lời thơ của tác giả và cây tre làng cứ theo tôi mãi trên những nẻo đường bôn ba:

 

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

...

Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu

Mai sau,

Mai sau,

Mai sau…

Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh.”

 

Dọc những con đường trong xóm, bà con đào nhiều hầm tròn, cứ cách vài chục thước một hầm nép sát  bờ tre. Hằng ngày người dân vẫn đi làm, hằng đêm vẫn tổ chức sinh hoạt, người lớn họp hành bàn chuyện sản xuất, chuyện hũ gạo nuôi quân, thiếu nhi ca hát, bàn việc thi đua nuôi gà kháng chiến... Có pháo hoặc máy bay thì nhảy xuống hầm. Trong mỗi nhà đều đào hầm tránh phi pháo ngay bên cạnh giường ngủ. Bọn trẻ chúng tôi còn được giao nhiệm vụ dò la tin tức địch nhân những ngày đi thả bò, đi câu cá, bắn chim hoặc những buổi đi học, đi chơi... Thỉnh thoảng bộ đội huyện, bộ đội tỉnh kéo về làng đóng quân, chuẩn bị những trận đánh lớn xuống vùng sâu, bọn trẻ chúng tôi vô cùng thích thú la cà suốt ngày với các anh bộ đội để được xem các loại súng lớn súng nhỏ mà ở địa phương ít khi được nhìn thấy. Những đêm bộ đội hành quân xuống vùng sâu thì dân làng thức cả đêm chờ nghe tiếng súng tiến công và nấu nướng cơm nước bánh trái chuẩn bị đón đoàn quân chiến thắng trở về.

 

Vui nhất là mỗi khi Tết đến, năm nào cũng vậy, hai bên tuyên bố hưu chiến trong ba ngày kể từ đêm giao thừa cho đến hết mùng 3 tết. Hồi đó có lẽ hai bên không cử đại diện ngồi với nhau đề ký kết thỏa ước hưu chiến một cách bài bàn, cũng không phải thông qua hệ thống thông tin liên lạc để thỏa thuận với nhau mà tôi thường nghe đài phát thanh giải phóng tuyên bố hưu chiến, yêu cầu phía Sài Gòn hưởng ứng vì nhân dân cần yên bình đón Tết cổ truyền của dân tộc, vì binh lính Sài Gòn cũng cần được vài ngày nghỉ ngơi không phải chết trong những ngày đầu năm... Hồi đó tôi không nghe chính quyền Sài Gòn tuyên bố nhưng họ vẫn thực hiện, có lẽ họ cũng muốn chứng tỏ thiện chí không để nhân dân cáo buộc họ là kẻ hiếu chiến. Ở quê tôi, phía Mặt trận Giải phóng còn mời binh lính trong các đơn vị bảo an và nghĩa quân (dân vệ) của phía bên kia về làng thi đấu bóng chuyền và ăn tết chung vui vẻ. Việc chuẩn bị tết nhất ở làng quê giải phóng sau một năm lao động cực nhọc, hiểm nguy dưới bom đạn cũng khá tươm tất rôm rả, nhà nào cũng nấu bánh chưng bánh tét, đổ bánh thuẫn, làm bánh in, bánh bò  nhiều màu sắc để chưng bàn thờ cùng với hoa vạn thọ, vẫn có thịt, cá, dưa món... để ăn tết và bọn trẻ vẫn có áo quần mới mặc đi khoe bạn bè. Các anh, các chú trên núi về làng thăm gia đình, một số gia đình lên núi thăm, kể cả những gia đình ở vùng địch cũng bí mật lên núi thăm người thân đi kháng chiến. Ở đầu làng, nơi nhìn qua vùng địch đóng, cổng làng bằng tre tươi được dựng lên, cắt lá dừa trang trí khá đẹp mắt và khẩu hiệu chào xuân mới hòa bình, một bên cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa, một bên cắm lá cờ màu xanh da trời thêu hình chim bồ câu trắng tung cánh trên nền trời xanh. Nắng xuân nhè nhẹ, bầu trời trong xanh cao vợi, hai lá cờ phất phới bay ở đầu làng cho ta cảm giác thanh bình hiếm hoi trong những năm đất nước chiến tranh. Ban ngày tết đã vui, ban đêm càng vui hơn, có đêm được xem phim do trên tỉnh khiêng máy về chiếu cho dân xem. Tôi còn nhớ chiếc máy nặng đến bốn người khiêng, thế mà các anh các chú trèo đèo vượt suối khiêng đi khắp nơi phục vụ cán bộ chiến sĩ và đồng bào. Những năm đó ở nông thôn mà được xem phim thì coi như được thưởng thức một loại hình nghệ thuật hiện đại nhất. Đặc biệt là chương trình biểu diễn văn nghệ của Đoàn Văn công tỉnh được tổ chức ở Đồng Mỹ cách làng tôi về phía núi khoảng 5 cây số; đường đi bộ qua đồng ruộng, sông, suối... Dân từ các xã đổ về xem văn công biểu diễn, nghe nói người dân ở các xã vùng sâu (vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát) và cả một số người từ TX Tuy Hòa cũng đi bộ hàng chục cây số lên Đồng Mỹ xem văn nghệ cách mạng. Trong đêm, người đi như trẩy hội; rừng núi, đồng quê như thức trắng cùng bà con chơi tết.

 

Đi qua tuổi thơ, tôi xa làng quê kháng chiến, mang theo những kỷ niệm khó quên bước vào trường đại học. Phong trào đấu tranh sục sôi của các đô thị miền Nam đã cuốn hút tôi và những bạn bè đầy nhiệt huyết vào cuộc. Hành trang cuộc đời cứ đầy lên mãi, nhưng những ngày tết tuổi thơ ở làng quê giải phóng nằm sâu dưới đáy ký ức thỉnh thoảng sống lại tươi rói trong giấc mơ và bên những ly cà phê ngọt đắng với bạn bè.

 

Tuy Hòa - Đà Lạt

Tết Kỷ Hợi 2019

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
5 lần cúng mới trở thành người lớn
Chủ Nhật, 10/02/2019 11:00 SA
60 năm bài thơ Cảm xuân năm chín
Thứ Tư, 06/02/2019 07:00 SA
Nhung nhớ xuân xưa…
Thứ Hai, 04/02/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek