Thứ Ba, 08/10/2024 13:47 CH
Người đẹp vì lụa?
Thứ Bảy, 02/02/2019 18:00 CH

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi gần tết, hễ thấy chị em tôi chộn rộn đòi may đồ mới là má tôi nhắc câu: “Đừng có đua đòi quá, tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà”. Chị em tôi ấm ức lắm, nhất là khi thấy con Đa, con Lựu… ở trong xóm đem khoe quần này, áo nọ. Nhà tôi không khá giả mà má tôi lại góa bụa, nên chuyện gì má cũng tằn tiện, nhất là khoản sắm sửa quần áo. Vậy nên, mỗi khi được may đồ mới, tôi vô cùng sung sướng.

 

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

 

Vì ở nhà quê nên bọn nhỏ chúng tôi thường chỉ đến tết mới có đồ mới. Má tôi thường gần sát tết mới sắm cho mỗi đứa con một đồ vì sợ chúng tôi đòi mặc sớm trước tết làm áo quần bị cũ. Có khi, má tôi hào phóng dẫn chị em tôi ra chợ, cho chúng tôi tham gia chọn vải, chọn màu. Sau một hồi thương thảo với bà bán vải và với chúng tôi, má sẽ quyết định cắt cho mỗi đứa một xấp vải theo đúng tiêu chí bền, rẻ, đẹp. Dù vậy khi nghe má trả giá, tụi tôi đứa nào cũng nín thở sợ má chê mắc không mua thật. Thích nhất là khi thấy bà bán vải đồng ý bán và cầm kéo cắt. Lúc đó, dù thấy sướng rơn trong bụng, tôi vẫn cố nín không dám la to, cười lớn ở giữa chợ, mà chỉ dám lấy tay vuốt ve, mân mê miếng vải. Và dù má tôi có mắng yêu rằng tôi là đồ ham hố, đua đòi sớm làm má tốn tiền, tốn công, tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Làm trẻ con, đôi khi cũng rất rộng lượng đó chớ!

 

Sau khi mua được vải, má sẽ dẫn chúng tôi đến chỗ dì Quít, thợ may trong xóm để may đồ. Dì Quít là người tản cư, bị cụt một chân đến đầu gối. Má tôi nói dì Quít mà không bị thương thì đẹp nhất vùng này. Dù vậy, tôi vẫn thấy dì rất đẹp, nhất là khi nhìn khuôn mặt có đôi mắt hơi buồn của dì cúi nghiêng xuống miếng vải, hai bàn tay khéo léo xoay chuyển cái áo và hai chân (một chân thiệt, một chân giả) đạp máy may thoăn thoắt, nhịp nhàng. Má tôi nói, dì ở tận một vùng xa nào đó - hình như La Hai; cả nhà bị pháo kích chết hết, chỉ còn dì bị thương phải cưa một chân. Dì tản cư vô ở nhờ một người quen trong xóm tôi và trở thành thợ may với đồ nghề vỏn vẹn là cái bàn may cũ và cái kéo cắt vải. Dì đẹp và may đồ cũng đẹp, lại ăn nói dịu dàng nên ai cũng yêu mến dì. Chúng tôi từ khi được má dắt đến để dì Quít đo và gửi vải cho dì là ngày nào cũng mon men đến đó dò la, lấy cớ đến chơi thôi, nhưng chính là để canh xem đồ may xong chưa.

 

Đồ may xong, thường là là tết đã gần kề lắm. Chị tôi sẽ lo giặt đồ, ủi đồ. Theo kinh nghiệm của má, chị tôi lấy ít muối hột và nước chanh hòa với nước lạnh ngâm đồ qua một đêm cho vải lâu bay màu. Sau đó, chị tôi giặt xả đồ mới, không bỏ xà-bông. Ngày xưa nhà không có móc treo và kẹp quần áo, chỉ có dây phơi, nên chị tôi lúc nào cũng dặn tôi nhớ canh chừng sợ gió thổi bay mất đồ, dù chị đã cài nút cẩn thận. Trước tết một, hai ngày, chị tôi lo ủi đồ. Chị sẽ lấy cái bàn ủi con gà, bỏ than vô, quạt than cho cháy đỏ hết. Sau đó, chị gài nắp bàn ủi (là con gà) thiệt kỹ, lắc lắc cái bàn ủi, nhìn ngó kỹ một lần nữa, thử ủi trên cái mền trải sẵn xem nóng ít nhiều thật kỹ nữa, rồi mới bắt đầu ủi đồ. Chị tôi vừa ủi quần áo mới, vừa giảng giải cho tôi cách ủi cổ áo, tay áo..., chứ tuyệt đối không cho tôi được tham gia vô “quy trình giặt ủi” công phu của chị, chỉ vì sợ tôi làm cháy đồ, chứ chẳng phải được cưng chiều gì. Tôi chỉ chạy lăng xăng, hát hò líu lo, tai nghe chị tiếng được tiếng mất. Chị tôi nghiêm khắc lắm, nhất là khoản ăn mặc. Tôi ngồi ăn mà thò tay ra bốc thức ăn là chị giơ dao đòi chặt tay; lấy áo quần mới hay đồ đi học mặc ở nhà là chị xách cái roi ra liền và sẵn sàng “thi hành án phạt” mà không đợi lệnh má tôi gì cả. Lạ kỳ, hai bộ đồ mua may và sử dụng cùng thời điểm, nhưng chị tôi mặc thì không sao, còn tôi thì cứ bị rách, bị dính bẩn liên tục và má tôi phải vá mấy lần trước khi bị thải ra. Má tôi và chị tôi đều vá đồ rất khéo, mới nhìn khó phát hiện vết vá, trừ phi miếng rách quá lớn.

 

Khi tôi lên lớp hai, chị tôi đi lấy chồng. Ngày cưới, chị mặc áo dài thật đẹp. Dù không phấn son, hoa hòe rực rỡ như các cô dâu bây giờ, tôi vẫn thấy chị tôi đẹp nhất, đẹp vô cùng khi mặc áo dài cưới. Nhưng người lạ nhất khi đó còn là má tôi. Tôi còn nhớ rất rõ má tôi mặc áo dài của dì Quít may và trông thật khác so với hình ảnh quen thuộc của má, là áo bà ba và cái quần đen lúc nào cũng xăn lên quá gối. Sau này, khi biết câu “Người đẹp vì lụa” là tôi liên tưởng đến má tôi ngày đám cưới chị. Áo quần, trang phục cũng làm con người sang lên, đẹp lên và khác biệt biết bao!

 

Gần tết năm đó, má tôi bệnh. Một buổi trưa đang nằm võng, không biết do buồn hay vì lo lắng tết này không có áo mới mà tôi thút thít khóc. Má tôi đang nằm trên giường, ngồi dậy hỏi sao vậy. Tôi chùi nước mắt xấu hổ nói là do con nhớ chị. Má tôi im lặng, nhưng sáng hôm sau bà đón xem lam đi chợ lớn (thường má tôi đi bộ vì sợ tốn tiền). Má đi mua cho tôi một bộ đồ mới (vì may không kịp). Tôi còn nhớ rất rõ bộ đồ màu hồng, có hai túi áo phía trước viền ren màu trắng. Tôi sung sướng vô cùng nhưng cũng hơi áy náy vì làm khổ má. Điều đáng ngạc nhiên nhất là niềm vui áo mới qua nhanh hơn các tết khác, có lẽ vì thiếu chị tôi trong nhà và vì má tôi còn bệnh nên không khí đón tết trầm lắng hẳn.

 

Từ cái tết năm đó, tôi bắt đầu ý thức về chuyện mua sắm áo quần. Tôi cảm nhận được rằng niềm hạnh phúc có được áo quần mới ngày tết không phải chỉ để mặc đẹp, được chưng diện rồi đi khoe với bạn bè, đi chơi nhà này nhà kia, tự tin đón xe lam đi chơi núi Nhạn hay đi xuống biển để ngắm sóng và ngắm người. Niềm hạnh phúc khi có đồ mới ngày tết là niềm vui đoàn viên và háo hức chờ đón một chu kỳ mới với nhiều hy vọng, tò mò về sự mới mẻ sắp đến. Trong một chu kỳ dù dài hay ngắn của cuộc đời, của bất kỳ sự kiện nào, vui nhất, hạnh phúc nhất vẫn là lúc chuẩn bị cho thời điểm mở đầu.

 

Khi tôi lớn lên, xa nhà, tôi mới hiểu câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” là không hề mâu thuẫn nhau. Xét về logic, quan hệ giữa gỗ với nước là hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, và chắc chắn trong sự so sánh này thì phẩm giá/ chất lượng có giá trị quyết định hơn hình thức. Còn lụa với người hay phân bón với lúa, là tác dụng của sự thêm vào, gia công, bồi dưỡng thêm. Con người cần quan tâm đến hình thức vì nó chuyên chở nội dung. Áo quần chỉ là vỏ bọc bề ngoài, nhưng nó cũng thể hiện một phần sự tự trọng, sự nghiêm túc của mỗi cá nhân. Xa nhà rồi, tôi mới nhớ và áp dụng các bài học về giữ gìn quần áo, cách giặt đồ, phơi đồ, ủi đồ của chị tôi. Tôi lại thấy câu má hay nói “Của bền tại người” là đúng, vì tôi có bao nhiêu kỷ niệm được lưu giữ trong ký ức về tính tằn tiện của má tôi và sự chỉn chu của chị tôi.

 

Bây giờ, cuộc sống tiến bộ hơn, chúng tôi đã ít phải lo chuyện mặc tết mà quan tâm nhiều hơn chuyện mặc đẹp. Nhưng má tôi và chị tôi đều đã không còn. Thỉnh thoảng nhìn lên bàn thờ má, nhìn thấy má mặc áo dài, tôi nhớ rõ đó là cái áo dài thứ ba má có. Cái áo dài màu xanh mặc hôm cưới chị và trong tấm hình thờ, cái áo đã phai màu. Chị tôi mất sau má một năm vì bệnh và để lại cả một vali áo dài vẫn còn mới, được sắp xếp rất ngăn nắp, phẳng phiu như chuẩn bị đi xa...

 

Bây giờ, dù đồ mới dễ mua, dễ may, nhưng tết đến tôi vẫn muốn cho con, cháu áo mới. Có lẽ tôi vẫn muốn níu giữ niềm hạnh phúc của thời thơ ấu được mặc áo mới ngày tết. Hay có thể tôi thích cảm giác được hy vọng về sự khởi đầu tinh khôi của chu kỳ một năm. Hoặc đó cũng là do thói quen, do kỷ niệm đầy ắp yêu thương về tình gia đình tôi đã có.

 

Mặc áo quần mới đón tết cũng là tục lệ đẹp và cũng là thái độ trân trọng, là niềm hy vọng ngọt ngào chúng ta gửi đến mùa xuân!

 

NGUYỄN THỊ THU TRANG  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
5 lần cúng mới trở thành người lớn
Chủ Nhật, 10/02/2019 11:00 SA
60 năm bài thơ Cảm xuân năm chín
Thứ Tư, 06/02/2019 07:00 SA
Nhung nhớ xuân xưa…
Thứ Hai, 04/02/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek