Thứ Ba, 08/10/2024 11:34 SA
Anh trai và áo tết – truyện ngắn NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thứ Hai, 04/02/2019 10:00 SA

Minh họa TRẦN QUYẾT THẮNG

Nhà toàn “hoàng tử đái ngồi”, Năm nghiễm nhiên trở thành “trai đẹp”. Là chị em tôi cố ý “dìm hàng” nên nói vậy chứ phải công nhận Năm đẹp trai thiệt. Đôi chân mày rậm ri không thể làm cho khuôn mặt luôn tươi tỉnh hung dữ lên được, đẹp nhức nhối là sóng mũi cao ngất. Mấy nàng cùng lớp vô nhà đằng nào cũng nói nhỏ: “Anh mày “chất” quá, làm mai nghen!”. Tôi sẽ hếch mũi lên: “Còn khuya mới “gả” anh tui cho mấy người!”.

 

Bọn bạn nói chơi nhưng tôi nghĩ thiệt, cũng tại tôi chẳng muốn chia sẻ Năm mình cho ai. Anh cưng em gái lắm. Năm có đôi tay tài hoa, làm cho chị em tôi rất nhiều đồ chơi: chiếc xích đu treo ngoài cây chùm ruột, dùng đất sét nắn bò, làm cộ, làm diều, ống bụp…

 

Đã kể thì kể thiệt luôn. Năm đẹp trai, khéo tay nhưng nhược điểm là học “cũng thường thường bậc trung”. Đã không giỏi lại nghịch. Hôm đó ngồi trong lớp, tiết Toán của thầy giáo nổi tiếng nghiêm khắc, ngồi học mà mồm như tép nhảy nên bị thầy giáo đuổi ra. Ma xui quỷ khiến, hổng đi ra không mà vừa đi vừa lầm bầm: Đuổi thì ra, làm gì dữ! Thầy giáo chỉ nghiêm mặt nhìn, vậy mà bỏ học chứ không dám “vác mặt tới trường nữa”, Năm nói vậy. Ba mẹ khuyên giải cạn lời nhưng không được.

 

Bỏ học nửa năm lớp 9, chơi ớn rồi Năm khăn gói ra phố học may. Không làm được thầy thì làm thợ chớ biết sao giờ... Học một năm ra nghề; ba xây căn phòng nhỏ trước cửa nhà, treo cái biển “Nhận may âu phục nam”.

 

Năm khéo tay, may đồ đẹp lắm, mấy ông vác cái bụng lặc lè, đi may khắp nơi nhưng về tiệm anh là cứ chậc chậc, nhỏ giờ mới có cái quần ưng ý. Nhưng thu nhập từ việc may vá cũng chỉ đủ đổ xăng chiếc cánh én chở bạn gái đi ăn chè “trăm năm” (năm trăm một ly) và lâu lâu cho mấy em ăn bánh mì… nóng. Mẹ tôi thường than: Thợ may ăn giẻ (rẻo) thợ vẽ ăn hồ… Cũng phải thôi, tiền công ở quê rẻ rề, khách may đồ ít nên vừa làm vừa chơi thì đào đâu thu nhập cao. Mà không, ngày thường túc tắc vừa làm vừa chơi nhưng cuối năm thì quáng quàng, không dám ăn không dám ngủ. Tối mắt tối mũi luôn. Bắt đầu từ tháng mười âm lịch, gần như ngày nào cũng có khách, đến đầu tháng Chạp thì treo trước cửa tiệm thông báo không nhận vải.

 

Không nhận vải nữa cũng đồng nghĩa chồng vải đã cao như… núi, hết cõng nổi. Nói không nhưng khách ruột tới năn nỉ thì cũng mỉm cười nhận. Đấy là chưa kể khách hàng là anh em, cô chú.

 

Mấy ngày cuối năm thời gian như rút ngắn, sáng tối lia lịa. Giới hạn hai tháng, hai tháng phải “cày” hết núi vải. Một mình Năm đảm đương tất tật các công đoạn. Nghề đã nhuyễn nên cắt may không cực, mất thời gian nhất là khâu làm nguội (đơm nút, làm khuy, lên lai và ủi làm rất lâu, ngày ấy không có máy móc hỗ trợ như bây giờ). Mẹ xung phong giúp nhưng Năm không cho, anh chỉn chu nên sản phẩm nào cũng muốn tự tay làm, phải đẹp từ A tới Z.

 

Một mình thồ hết, đúng cực. Ngày nào tôi cũng qua lật vải đếm, thấy lưng được xấp nào thì mừng xấp ấy. Thức đêm nhiều quá, Năm xọp đi ngó thấy. Chứ sao nữa, làm không kịp thở mà. “Làm thợ may cũng như làm dâu trăm họ, khách hàng là bà mẹ chồng khó tính. Phật ý khách, sang năm họ đem đồ đi chỗ khác thì héo đời luôn”, Năm giải thích vậy khi tôi càu nhàu rằng anh ham hố.

 

Hồi đó may máy còn đạp bằng chân. Anh tôi lạch cạch sáng đêm. Ban ngày cắt, đem vắt sổ rồi tối thức may. Hễ nhắm mắt thì thôi, chỉ cần trở mình là tôi nghe tiếng cạch cạch, mỗi đêm anh chỉ ngủ hơn một tiếng đồng hồ. Hỏi sao nhất định để dành tối may, Năm kể có đêm cắt vải mà ngủ gục, cắt to cắt nhỏ hết mấy xấp vải, cuối cùng phải toát mồ hôi tìm miếng vải y chang mua đền cho khách. Tái mặt luôn! Ban ngày cắt cho tỉnh, tối nhờ tiếng máy cành cạch mà không buồn ngủ, nếu có ngủ gục đạp nhầm thì tháo ra.

 

Mẹ xót quá than: May một mùa Tết sắm được hai chỉ vàng nhưng hai mắt sâu hơn lòng giếng. Người ta lấy tiền che thân, con mình lấy thân che tiền…

 

Khi người khách cuối cùng tới lấy đồ thì cũng vừa tới giao thừa. Hết đồ khách thì lo may đồ cho mấy em. Chị em tôi đứng bên nhảy nhồng, không may đâu có được, Tết không được mặc áo mới thì có Tết để làm gì, tôi rên rỉ bi thiết.

 

Sáng mùng một, ngoài đường ríu ran tiếng trẻ nhỏ khoe đồ mới, Năm ngồi bên bàn máy nhìn ra thốt:

 

- Chậc chậc! Trẻ nhỏ lên khuôn thấy bảnh ra liền…

 

- Mùng hai mà không được lên khuôn như tụi nó là em đập đầu chết luôn!, Tôi nói trong trạng thái sắp khóc. Anh dỗ:

 

- Ráng thêm buổi nữa! Mai xong…

 

Mùng hai, chị em tôi mặc đồ mới đi chơi thì anh lăn ra ngủ như chết. Ngủ liên tục hai, ba ngày. Khi tỉnh dậy thì cười hê hê bảo, mình đi chơi Tết thì thiên hạ đã ra đồng. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ hoài món ngon một nắng
Chủ Nhật, 03/02/2019 09:00 SA
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek