Thứ Bảy, 30/11/2024 11:49 SA
Tết và nỗi nhớ tuồng
Chủ Nhật, 10/02/2008 17:00 CH

Nghe nói người Sài Gòn - Chợ Lớn cũ có tập tục ngày đầu xuân đi coi tuồng để… lấy hên. Ngoài việc thưởng thức tuồng, họ còn nghiệm xem vở tuồng ấy có ứng với mình trong 365 ngày tới hay không. Tập tục ấy còn hay mất? Còn không cơ hội cho bộ môn nghệ thuật cổ kính giữa ồn ào hip-hop. 

 

hat-2.jpg
Ảnh: L.T.N
Những ngày còn bé tôi vẫn theo những người lớn đi xem hát bội. Chỉ là tò mò thôi, thật lòng chẳng hiểu mô tê gì, nhưng rồi cũng thấy thích. Thích những ông tướng mặt mũi hung tợn đứng ngồi quắc thước trên sân khấu. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, nên không xa lạ gì với nhà hát tuồng Đào Tấn. Cách đây 10 năm, tôi hân hạnh được hầu chuyện Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, cây đại thụ của nghệ thuật hát bội, ông nói rất tự hào: “Miền Trung là cái nôi phát sinh hát bội, nhưng hát bội ở miền Nam chính xác hơn về niêm luật, tính cách nhân vật phong phú hơn, nhuần nhuyễn hơn. Cả người Trung Quốc cũng rất khâm phục hát bội của nước ta, vì cải biên phù hợp với tính cách văn hóa người Việt. Trước kia trong nghệ thuật hát bội, ta học theo lối múa Tiều, nhưng bắt đầu từ năm 1940 ta dựa theo lối Quảng vì bắt mắt hơn từ vũ đạo cho đến trang phục!”. Thời gian như cái chớp mắt, nghệ sĩ Thành Tôn không còn nữa, chỉ còn lại vẻ đẹp từ những vai diễn của ông lấp lánh trong ký ức một lớp người hiu hiu tuổi xế chiều. Và hát bội co cụm lại, diễn ở các đình chùa vào lễ hội hay dịp Tết như những chuyến “về nguồn” thong dong.

 

Nhiều người lớn tuổi Nam bộ cho rằng, thường thì Tết người miền Nam có thói quen đi xem một vở hát bội đầu  năm. Tôi hỏi diễn viên Thành Lộc (con trai út của cố Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn). Anh cho biết: “Đúng, hồi xưa thì có, nhưng bây giờ… không biết. Lúc tôi nhỏ, ngày Tết thấy cha tôi rất bận rộn với các buổi diễn!”. Quả thật, cái ngày ấy xa lắm rồi, cùng thế hệ nghệ sĩ Thành Tôn chỉ còn Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há ở chùa Nghệ Sĩ. Sức khỏe của bà đã yếu lắm nhưng vẫn còn minh mẫn. Đặc biệt khi nói về tuồng, Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há rạng rỡ hẳn lên: “Điều này ông Thành Tôn là rõ nhất. Mỗi năm hễ Tết là ông Thành Tôn diễn không kịp thở. Hát bội được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến cải lương. Bà con đi xem đông lắm, họ thích những vở tuồng cổ. Trích đoạn Triệu Tử Long đoạt ấu chúa của Thành Tôn là con cưng của sân khấu hát bội, diễn đi diễn lại bao nhiêu lần mà người ta vẫn thích xem!”. Tôi hỏi: “Thế còn cải lương có diễn để… chào mừng năm mới không?”. Nghệ sĩ Phùng Há khẳng định: “Cải lương thì xem suốt năm, Tết phải xem hát bội. Có lẽ đó là tập tục của người Sài Gòn - Chợ Lớn. Không chỉ ở sân đình, nhiều người giàu rước cả gánh hát bội về nhà mình biểu diễn vào sáng mùng một Tết!”.

 

hat.jpg
Một cảnh trong tuồng cổ - Ảnh: L.T.N

 

Bây giờ muốn xem hát bội ngay tại Sài Gòn cũng không phải đơn giản. Rạp Long Phụng, nơi được xem là “thánh đường” của hát bội, thỉnh thoảng vào ngày đẹp trời nào đó mới diễn một vở tuồng. Khán giả vẫn nhớ hát bội, chỉ thiếu cơ hội thưởng thức mà thôi. Hơn 10 năm sống ở thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam, tôi đi xem hát bội được dăm ba lần, thấy khách nước ngoài cũng có vẻ rất khoái loại hình nghệ thuật này. Có lẽ họ nhận ra trong các lớp lang tuồng tích mang đầy tính ước lệ kia, khai mở một nét đặc thù văn hóa Á Đông. Tôi còn nhớ, trong buổi hội thảo về việc khôi phục vị trí của sân khấu truyền thống, nhiều người mạnh dạn đề nghị đưa hát bội vào giảng dạy trong trường học. Sân khấu tuồng có lịch sử phát triển hơn 500 năm ở nước ta, nhưng để thẩm thấu được cái hay cái đẹp của hát bội không đơn giản chút nào. Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Trà đánh giá mang tính phát hiện: “Tuồng là nghệ thuật chiêm ngưỡng và rung động, nhiều hơn là để nhận thức. Điều này giải thích vì sao sân khấu tuồng cách điệu mà vẫn hấp dẫn, vì sao hóa trang tuồng có tính chất mặt nạ mà vẫn thú vị, và vì sao người ta có thể xem đi xem lại nhiều lần cho đến khi thuộc lòng một vở tuồng đã biết!”. Khán giả nhớ hát bội đã đành, mà hát bội cũng lại nhớ khán giả đích thực của mình. Sân khấu tuồng trong thế kỷ 21 khát khao khán giả yêu tuồng và hiểu tuồng.

 

Đi tìm lại vẻ đẹp sân khấu tuồng không khó khăn, bởi lẽ vẻ đẹp lung linh hồn vía dân tộc ấy tiềm ẩn sâu xa trong lòng mỗi người. Chỉ cần “đánh thức” là thấy “tầm xuân” ngay. Tôi nhớ tuồng kiểu tản mạn gió mây xa vời, nhưng nghệ sĩ Xuân Quý ở Nhà hát tuồng Việt Nam lại rất tự tin: “Tôi chưa bao giờ bi quan về tuồng. Nhiều khán giả trước đây không thích tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung, thì nay họ lại muốn thưởng thức nghệ thuật trầm lắng, trừu tượng để tĩnh tâm. Và như vậy, tuồng là phù hợp nhất!”

 

TUY HÒA 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Phú Yên
Thứ Hai, 11/02/2008 14:00 CH
Gắn lễ hội thành tour
Thứ Hai, 11/02/2008 07:55 SA
Sống lại đàn và hát
Thứ Hai, 11/02/2008 07:00 SA
Những nữ diễn viên 8X của Hollywood
Chủ Nhật, 10/02/2008 20:00 CH
Tết lạ ở đất mới Ea Ly
Chủ Nhật, 10/02/2008 14:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek