Nằm trên dải đất Nam Trung bộ, Phú Yên là tỉnh có địa hình khá phong phú với 2/3 diện tích là đồi núi, có rất nhiều con sông lớn, có cả đồng bằng và miền biển. Trên địa bàn tỉnh có tới 24 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng. Chính sự phong phú đó đã tạo cho Phú Yên trở thành vùng đất có nhiều lễ hội có sức hấp dẫn lớn với du khách.
Khu du lịch Gió Chiều - Ảnh: KIM SA |
Nghệ nhân KaSôLiễng, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT Phú Yên, một nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người vùng miền núi đã nảy sinh ý tưởng cho tour du lịch văn hóa, lễ hội từ rất lâu. Theo ông, ngay trong tháng Giêng có thể tổ chức tour: Mồng 7 Tết, tham dự hội đua thuyền rồng sông Đà Rằng - mồng 8 dự lễ hội đập Đồng Cam – sau đó tổ chức hội cồng chiêng ở Sơn Hòa, nghe trường ca, khan tại Sơn Hòa - dự lễ hội thể thao các dân tộc miền núi Sông Hinh và tham quan thủy điện Sông Hinh.
Giám đốc Sở Thương mại du lịch Trần Quang Nhất cho rằng: Tổ chức lễ hội gắn với du lịch là nhằm tôn vinh các giá trị tài nguyên, lịch sử, văn hoá địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững. Qua đó còn nâng cao nhận thức khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, khích lệ người dân bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn nét đẹp các lễ hội truyền thống.
Ông Nhất cũng đã đưa ra một số giải pháp như: Tổ chức lễ hội đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền tại mũi Đại Lãnh, gắn với tuyến du lịch leo núi Đá Bia - tham quan khu di tích tàu Không số, tìm hiểu về Bãi Môn, thưởng thức hải sản, tôm hùm, cá ngừ đại dương. Hay như lễ hội Đầm Ô Loan cần gắn thêm tuyến du thuyền đêm trên đầm, tắm biển gành Đá Dĩa, tham quan nghe giới thiệu về lịch sử nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng. Lễ hội đồng bào dân tộc thiểu số gắn tuyến du lịch đến với suối nước nóng, tham quan thuỷ điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, nhà thờ Bác Hồ.
Riêng ở TP Tuy Hòa sẽ mở tour tắm biển Tuy Hoà, tham quan các siêu thị, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, khu vui chơi, giải trí tháp Chăm, núi Nhạn, gắn kết các hoạt động thưởng thức chương trình hát dân ca bài chòi, hò khoan, bá trạo, đàn đá, kèn đá, trống đôi cồng ba, chinh năm… Một khi du lịch phát triển sẽ làm cho các lễ hội được tổ chức ngày càng có chất lượng hơn, thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn, góp phần duy trì và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá của địa phương. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận theo một chiều ngược lại, nếu được tổ chức bài bản, quy củ và thời gian hợp lý hơn để nhiều lễ hội được liên kết xâu chuỗi thành tour thì tự thân lễ hội sẽ thúc đẩy du lịch phát triển.
KIM CHI