Bài chòi xuất xứ từ khu vực Nam Trung bộ, còn việc bắt nguồn từ tỉnh nào các nhà nghiên cứu còn đang bàn. Suốt dải đất miền Trung, về cách hát bài chòi của các tỉnh đều cơ bản giống nhau.
Hô bài chòi - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Trong kháng chiến chống Pháp bài “Anh hùng Ngô Mây” (chưa rõ tác giả) của Bình Định, lớp người tiền bối ở Phú Yên thuộc rất nhiều, hay là trong kháng chiến chống Mỹ, bài hát “Tấm gương chị Trần Thị Lý” ở Quảng Nam, những người tham gia kháng chiến chống Mỹ hầu như ai cũng biết. Vậy cao điểm của bài chòi Phú Yên có tự bao giờ?
Từ khi có Đảng lãnh đạo, dân ca bài chòi là phương tiện phục vụ tốt cho công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước nhằm phục vụ kháng chiến chống Pháp. Nhiều tác giả đã viết những bài chòi như: “Thằng Tây ghẹo gái”, “Bài trừ hàng ngoại”… (Nguyên Hồ), “Đất này lấy máu xin thề”, “Kêu gọi học bình dân”(Nguyễn Xuân Điền) v.v…. Các bài chòi ra đời như những lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước.
Năm 1959, Nghị quyết XV của Đảng ra đời, ta đã chuyển hướng đấu tranh từ bí mật sang công khai, lúc này hàng hàng lớp lớp thanh niên yêu nước lên đường nhập ngũ và tiến hành đánh địch, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, chính quyền cách mạng khắp nơi được thành lập. Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên huấn Phú Yên tích cực sớm xây dựng đoàn văn công, với phương châm có ít làm ít, tích thiểu thành đa, cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn, có đất có dân là có văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”. Ban Tuyên huấn thông báo cho các huyện, ai có khả năng ít nhiều văn nghệ thì rút về tỉnh để thành lập đoàn. Khoảng tháng 6/1961, người đầu tiên về cơ quan Tuyên huấn là anh Long ở xã Hòa Tân. Anh là cán bộ văn nghệ xã trong kháng chiến chống Pháp, biết sáng tác và hô bài chòi. Tháng 7/1961 cô Liên, cô Nghiệm từ Chí Thán huyện Sơn Hòa lên. Hai người này còn trẻ, ngoại hình và giọng hát nghe cũng tương đối được, phân công anh Long tập hát cho hai cô này để sinh hoạt trong cơ quan và chuẩn bị cho việc thành lập đoàn.
Cuối năm 1961 đầu năm 1962 cán bộ cách mạng gặp được đội hát tuồng của ông Nguyễn Trọng Kim (Chín Đạm) và bà Ơi ở xã Hòa Mỹ, cùng một số anh chị em khác ở các địa phương như anh Khiêm, anh Tất Đạt, Tám Cản, cô Liên, cô Nhạn, cô Nguyệt, cô Lan… Số người tương đối đạt yêu cầu, Tỉnh ủy quyết định thành lập đoàn Văn công giải phóng tỉnh Phú Yên vào khoảng tháng 3 năm 1962 tại khu rừng thuộc làng Ma Giá ở ranh giới Phú Yên và ĐăkLăk, đoàn lúc này khoảng trên 10 người, do ông Trương Bá Sám (Tư Hóc) ở bộ phận ly - tô chuyển sang làm chính trị viên, ông Nguyễn Phi Long làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Trọng Kim làm phó đoàn.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những làn điệu bài chòi đã đi vào “hang cùng ngõ hẻm” của cuộc sống để phục vụ, động viên bộ đội và nhân dân đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, lôi cuốn nhiều ngụy quân, ngụy quyền về với cách mạng. Những vở kịch dân ca bài chòi như “Chiếc ảnh đánh rơi” của tác giả Vũ Trung Uyên; “Chốt thép” của Cao Cường… và những bài chòi như “Đêm hành quân nhớ về quê mẹ”, “Gương người chiến sĩ công binh” của tác giả Vũ Trung Uyên; “Tấm gương người trợ lý”, “Lê Kim Hùng” của Lê Hữu Phước; “Gương chị Loan” của Bùi Văn Thông; “Ngô Trọng Tía” của Cao Cường v.v… đến nay vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả.
Để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương, chúng tôi mong rằng dân ca bài chòi ngày càng được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
NGUYỄN PHỤNG KỲ