Thứ Năm, 03/10/2024 07:21 SA
Tản mạn cùng nhà văn Ngô Phan Lưu
Thứ Sáu, 08/02/2008 19:56 CH

Ông nói tiếng Nam Trung bộ, may mà tôi có mấy người bạn thân quê ở vùng đó nên không đến nỗi khó nghe khi tiếp chuyện ông. Cũng chẳng biết bắt đầu câu chuyện của chúng tôi từ đâu.

 

Ngo-Phan-Luu.jpg

Nhà văn Ngô Phan Lưu

Từ Tuy Hòa ra Hà Nội nhận giải nhất truyện ngắn trên một tờ báo văn chương uy tín, ông không bắt đầu câu chuyện từ văn chương mà từ mắm nhỉ- một thứ mắm theo ông thì không thứ mắm nào sánh nổi. Một khạp đầy cá, nếu làm mắm ngon cỡ Chin-su thì cũng được hàng chục lít, nhưng chỉ làm ra khoảng nửa lít mắm nhỉ. Thứ mắm ấy, nếu thịt lợn luộc thái mỏng chấm vào thì miếng thịt cong lại, gọi là thịt cuốn kèn. Còn người dân đi biển uống một bát mắm nhỉ thì không coi mưa gió rét mướt ra gì, chấp tuốt. Vốn là người mê những món ăn miền Trung, tôi lan man nghĩ đến vị ngon đậm đặc của mắm nhỉ và liên tưởng đến xứ sở, cái nôi văn hoá đậm đặc bản sắc đã nuôi dưỡng bao nhiêu nhân tài ấy.

 

Ông kể thời còn đi học, ông có được theo học một người thầy rất giỏi, sách của thầy viết ra cao hơn người thầy. Học trò hỏi sao thầy không đem in và phát hành, thầy cười nói: Có một Nguyễn Du, một Nguyễn Khuyến mà chúng bay đã học thi rớt lên rớt xuống, nay thêm tao nữa để tụi bay học... chết luôn hay sao?! Ông nhớ người thầy đó lắm, đó là một người tài, kiêu bạc không ham công danh. Rồi ông hơi trầm tư một chút. Tôi không hiểu có phải ông cũng chịu ảnh hưởng từ người thầy đó không để có một Ngô Phan Lưu mộc mạc, đơn giản, như thể kể ra mọi việc sẵn có, không bày đặt không chủ đích, nhưng tha thiết với tình người.

 

Sau giây lát trầm tư, ông nói: Con người cần có những giây phút ngồi im, trầm tư để làm sạch mình. Đó không phải là điều tôi nói đâu, là điều tôi học được thôi. Có câu chuyện kể như thế này: Có một ông cụ  hay ngồi trầm tư vào mỗi buổi sáng, đứa cháu ngoại ít tuổi thường chạy nhảy chọc phá xung quanh. Một lần ông bảo đứa cháu rót cho mình chén rượu. Rượu ngâm nên gần hết thường vẩn đục, đứa cháu hỏi: Ngoại ơi rượu gần hết rồi, dơ (bẩn) lắm. Ông cụ bảo: Dơ cũng rót. Đứa cháu rót một chén mang ra. Hồi lâu, ông cụ gọi cháu lại và hỏi: Cháu thấy chén rượu thế nào rồi? Đứa cháu ngạc nhiên hỏi: Kỳ quá, sao chén rượu lại sạch (trong) thế ngoại? Ông cụ đáp: Nó sạch là vì nó ngồi im. Đứa cháu hồn nhiên nói: Vậy ngoại ngồi yên là để làm sạch mình hả ngoại? Tôi bỗng thoáng chạnh lòng, đấy, giữa dòng người cuồn cuộn ngoài kia mỗi ngày, nếu ai cũng có những giây phút lắng mình, để làm sạch mình thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao!  Ngô Phan Lưu kỳ lạ thật, dường như mỗi quan niệm sống ông đều học được từ đâu đó, từ một câu chuyện nào đó. Tưởng như ngồi với ông có thể nghe ông nói cả ngày không hết những mẩu chuyện ông đã lắng lại làm phương châm sống cho mình.

 

Nói đến văn chương, ông lại bảo, tôi yêu văn chương nhưng theo tôi, toán học mới là hồn cốt, là khoa học của sự phát triển. Người Việt và người Nhật đều chịu ảnh hưởng của Đạo lý Trung Hoa. Nhưng người Việt coi Đạo lý là đạo đức còn người Nhật tách hẳn ra Đạo và Lý. Đạo là đạo đức, còn Lý là khoa học, là chân lý. Vì thế, nước Nhật phát triển nhanh hơn.

 

Chợt tôi thấy ông cứ đi tất mà nhà tôi thì mấy hôm không lau sàn, vội xách đôi dép đi trong nhà lại cho ông. Ông nói:

 

- Chị cứ kệ tui. Đi tất cho êm, có dính tí bụi nhà chị thì cũng là may, về Tuy Hòa còn có cái mà nhớ Hà Nội.

 

Rồi ông khen cơm nhà tôi thơm thảo, mùi cơm gạo Bắc Hương quả có thơm, nhưng nói là thơm thảo thì thật thấm thía tình người, thật là trân trọng phụ nữ. Nhưng biết ông đang là  người nổi tiếng, bị các nhà báo và bạn văn lôi kéo nhiều nên không thể dành cho gia đình tôi lâu hơn, tôi tranh thủ hỏi ông về văn chương. Tôi cứ muốn lái câu chuyện về với văn học, vì những truyện ngắn của ông thật mới lạ; nó như một ánh sáng lạ của nắng gió miền Trung đột ngột hiện ra trên nền trời quen, nếu ông nói về nó hẳn phải là hay lắm, tôi có thể học hỏi được nhiều lắm. Nhưng khi trả lời thì ông lại nói cách ông học Kawabata. Ông nói về nhà văn Nhật được giải Nobel về Văn học này như nói về một bậc thầy. Ông lý giải về cái chết của Kaw như một liêm sỉ của nhân cách:

 

Ngô Phan Lưu sinh năm 1945, tại Tuy Hòa Phú Yên người nhỏ, tướng ngũ đoản nhưng hiền khô. Trải qua các nghề học hỏi Triết học, làm ruộng, chụp hình dạo mãi gần 60 mới viết văn; chủ yếu viết tản văn, làm thơ. Lần đầu tiên gửi dự thi truyện ngắn báo Văn nghệ đã được trao giải nhất với 2 truyện: Buổi sáng biến mất và Cơm chiều.

- Kawabata biết rằng Nobel năm ấy người ta định trao cho Lão Xá, nhưng Lão Xá bị cơ hàn vì Cách mạng văn hóa, đã chết đột ngột; nên Viện Hàn lâm Thụy Điển mới trao cho ông (Nobel chỉ trao cho người đang sống.) Có lẽ vì vậy mà chỉ có mấy năm sau khi lĩnh giải, ông đã tự sát?  Tôi học ở ông tính sâu lắng và sự liên tưởng đột ngột, nên mới viết được, trong một tạp văn rằng: Cái lá khô rơi thì sạch, cái quả chín rụng thì dơ; con người khi chết nên là cái lá vàng khô hay là quả bự chín?

 

Chịu, tôi chẳng có cách gì hơn để khai thác kinh nghiệm của một giải nhất văn chương. Ông quá khiêm nhường và khăng khăng trầm tĩnh, đành để ông ra về với lời hẹn nhất định rằng bằng giờ sang năm sẽ vô miền Trung, để ăn mắm nhỉ, để xách về một xị mắm nhỉ ấy là quà của nắng gió và của cả sóng biển Tuy Hòa. Ông lại cũng không nói rõ, nhưng bằng cách diễn tả ấy, tôi mơ hồ hiểu rằng, trong những giọt mắm nhỉ chảy khiêm nhường có cả một tâm hồn người biết lắng lọc cái tinh túy nhất để trân trọng trao tặng con người. Đấy không chỉ là mắm nhỉ, đấy còn là văn chương.

 

HÀ THỊ HỒNG GẤM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek