Hashiguchi Joji, một trong những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Nhật Bản. Tháng 8-2007, lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đã chọn Phú Yên làm nơi để tổ chức worshop (tạm dịch là “hội thảo”) về nhiếp ảnh dành riêng cho gần 30 thiếu niên. Workshop để kết nối cộng đồng, nhưng quan trọng hơn cả, đó là đánh thức khả năng nghệ thuật tiềm ẩn trong mỗi con người...
Ông Joji đang trao đổi về ảnh do các thiếu niên Phú Yên thực hiện - Ảnh: Q.KHƯƠNG
Tóc đã bạc trắng, râu cũng… trắng nốt, nhưng lịch thiệp, nhiệt tình, hòa đồng... là những gì tôi thấy được ở Joji trong gần nửa tháng ông ở lại Phú Yên. Cách tổ chức của Joji khá lạ: “Tôi không dạy cho các em về kỹ thuật nhiếp ảnh, mà chỉ muốn truyền cho các em ngọn lửa đam mê nghệ thuật, kích thích để các em tự khám phá khả năng tiềm ẩn của mình”.
Thật khó có thể nghĩ rằng những cô cậu thiếu niên quen với máy ảnh kỹ thuật số hiện đại và hoàn toàn tự động, lần đầu tiên cầm đến chiếc máy cơ chụp phim, chưa biết gì về thời chụp, về tốc độ, về khẩu độ... lại có thể làm được việc “giới thiệu hình ảnh quê hương mình cho bạn bè Nhật Bản” trong khoảng thời gian ngắn ngủi của workshop.
Vậy nhưng, khi những bức ảnh triển lãm được treo lên, rất nhiều người lớn đến xem đã “ồ” lên ngạc nhiên. Các thiếu niên đã mang về những bức ảnh – có thể chưa hoàn hảo về góc độ, có thể còn bị chao mờ và nhiều nhược điểm khác – nhưng đã thể hiện được phong cách riêng, bày tỏ được tâm tư, tình cảm và sự quan tâm của mình về cuộc sống chung quanh. Joji bảo, người lớn trông vào ảnh của các bạn nhỏ sẽ thấy được tuổi thơ của mình, đoán biết được thế hệ trẻ hôm nay đang nghĩ gì về thế giới xung quanh, từ đó có sự chia sẻ. Ông và những cộng sự của mình đã trao rất nhiều giải thưởng cho các bộ ảnh xuất sắc, đó là giải nghệ thuật, giải tình bạn, giải phóng sự – tài liệu, giải hình ảnh, giải trữ tình, giải triển vọng, giải nghệ thuật… để tuyên dương và khuyến khích cho những tay máy tương lai.
Joji làm thế nào để những thiếu niên Phú Yên có được thành công đó? Các bạn nhỏ tự do cầm máy chụp ảnh vào buổi sáng. Buổi chiều, khi những tấm ảnh được rọi ra, tất cả những người thực hiện ngồi lại với nhau, Joji và các cộng sự của ông – tay đeo găng vải trắng để không làm hỏng ảnh của các tác giả nhí – bắt đầu phân tích, giải thích, cho lời khuyên về những ưu, nhược điểm. Từng buổi, từng buổi cùng “hội thảo” như thế, các bạn nhỏ đã tự phát huy năng lực cảm nhận nghệ thuật và rút ra nhiều kinh nghiệm. Khả năng nghệ thuật tiềm ẩn trong tâm hồn các em dần dần được đánh thức.
Joji làm việc đầy say mê. Ông dồn hết quỹ thời gian ngắn ngủi của mình cho những thiếu niên cầm máy Phú Yên; thậm chí một buổi đi tham quan nơi này nơi kia cho biết vùng đất mới mình đến ông cũng không màng. “Mục đích của tôi không phải là du lịch, mà là đi truyền cảm xúc nghệ thuật. Tôi muốn các bạn trẻ Phú Yên cũng có một trái tim nghệ thuật, giàu xúc cảm như mình” – ông bày tỏ như vậy.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG