Âm nhạc như tung tóe trên những mặt trống, như bắn ra từ mỗi gót chân … của các nghệ sĩ đến từ Chung Choenbuk (Hàn Quốc) đã gây ấn tượng mạnh cho người xem qua hai lần biểu diễn tại TP.Tuy Hòa vào dịp 1/4/2005 và đầu tháng 9/2007. Điều đó mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật giữa Chung Choenbuk và Phú Yên.
Biểu diễn đàn Ka Ya Kum và Hac Kum - Ảnh: HIẾU NGỌC |
Những loạt trống dồn dập, với những loại trống và cách gõ khác nhau. Trống lớn có lúc được các nam diễn viên mang trước ngực vừa đánh vừa nhảy. Trống nhỏ được cầm tay, các nhạc công vừa gõ vừa múa lướt như bay trên sân khấu. Ngay nhiều lúc cao trào, các nhạc cụ khác tạm lắng, chỉ còn những tiếng trống nhưng không đơn điệu mà tung hứng như đối đáp nhau, rồi trào dội lên từng đợt từng đợt cuồng nhiệt, có khi muốn bùng vỡ sân khấu và cả khán trường, làm bừng bừng người nghe.
Nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc nổi tiếng về bộ gõ, đặc biệt là tiếng trống Chang gu vang dội đầy hứng khởi hòa với tiếng Ching. Bên cạnh đó, trong dàn nhạc, có tiếng kèn Koaeng Kwa ri, kèn Tae Phing so lanh lảnh hòa với tiếng Hac Kum (giống như đàn nhị) réo rắt, rồi tiếng Fhiri (giống như ống sáo) trầm bổng hòa với tiếng đàn Ka Ya Kum (giống như đàn tam thập lục) thánh thót…
Qua hai lần biểu diễn, các nghệ sĩ đến từ Chung Choenbuk còn làm cho người xem thật sự khó quên về những màn múa dân gian vui nhộn và độc đáo của người Hàn Quốc. Các diễn viên với những động tác rất khôi hài diễn tả lại khung cảnh lao động của người nông dân Hàn Quốc xưa kia, như đánh cá, mừng được mùa, cầu trời mưa… Người diễn lúc múa trên sân khấu lúc chạy xuống múa ở trong đám đông khán giả, nhập đồng trong từng động tác, làm người xem nhiệt liệt tán thưởng.
Cùng với nhạc cụ và vũ điệu, phục trang của diễn viên cũng làm cho khán giả đặc biệt thích thú. Cái cảnh đàn ông mặc áo dài, thắt lưng, đội mũ rộng vành; phụ nữ mặc áo váy dài phủ chân rộng phùng phình chỉ thấy trong các phim cổ trang Hàn Quốc; thì giờ được thấy trực tiếp sống động hơn. Trong phục trang truyền thống Hàn Quốc, đặc biệt nhất là Han bok đã được nhiều người biết đến qua phim “Nàng Đê Chang Kum” xinh đẹp. Các diễn viên đã mặc Han bok múa hát và đánh đàn trông thật duyên dáng và hấp dẫn.
Biểu diễn múa dân gian Hàn Quốc - Ảnh: H.N |
Mới đây, chúng tôi có dịp dự khán Liên hoan cồng chiêng tại Đăk Lăk, ở đó cũng có một Đoàn nghệ thuật dân gian Hàn Quốc tham dự, chương trình biểu diễn của họ cũng na ná như các nghệ sĩ Chung Choenbuk biểu diễn tại Phú Yên, và được rất nhiều người hoan nghênh. Điều này cho thấy, nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc ngày càng chiếm nhiều cảm tình của người hâm mộ Việt
Nằm trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa Việt – Hàn sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào mùa thu năm nay, dự kiến, Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển sẽ tham gia với những tiết mục đặc sắc mang giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo của Phú Yên, dân ca Khu 5, và nhạc cụ Tây Nguyên. Được biết, trong chuyến biểu diễn ở Hàn Quốc lần trước, Sao Biển đã biểu diễn 7 đêm ở: Che Chon, Chong Chu, Ok Chon, ĐH quốc gia Chung Buk, Nhà hát TP Chong Chu… đã gây cho khán giả Hàn Quốc một sự thích thú rất đặc biệt.
HIẾU NGỌC