Đó là khi tháng Chạp bắt đầu chộn rộn, ai ai cũng nhắc đến Tết. Trong khẩu ngữ giao tiếp mỗi ngày, “Tết” được nhắc đến như một mốc thời gian, nhưng liền sau đó, nó như cuốn mọi người chạy theo với bao nhiêu công việc có tên và không tên. Lúc đầu chỉ mới nghe nôn nao, nhưng tiếp theo là gấp gáp, thúc giục, ráo riết… nó là nỗi lo âu nhưng cũng chính là niềm vui náo nức.
Đi chợ tết qua sông Chùa - Ảnh: NHẬT NGHIÊU
Đó là khi Giáng sinh vừa qua, Tết tây vừa đến, ta nghe khắp nơi đã rộn ràng những bản nhạc về mùa xuân được cất lên. “Tết” là những ca từ chuyển niềm hân hoan ngân vang khắp không gian, là niềm cảm hứng cho những giai điệu chất chứa tâm sự và mênh mang hoài niệm. Ở đó, đôi khi có cả nỗi buồn nhưng không bao giờ lấn át được niềm hy vọng sáng tươi.
Đó là khi chiều ba mươi đến, Tết như ngưng đọng trên lá hoa và trong khói hương trầm. Ta như nghe bước chân các bậc gia tiên về sum họp với gia đình, con cháu. Đất trời như giao hòa. “Tết” đâu còn là để chỉ thời gian nữa, mà là cả một không gian thiêng liêng.
Từ điển giảng nghĩa rằng: Tết là sự cử hành những nghi thức để chuyển sang một chu kỳ thời tiết mới. “Tết” là biến âm của “tiết” – một từ gốc Hán, có nghĩa là một đoạn thời gian chia ra theo sự vận động chu kì của khí trời trong năm.
Mặc dù, có tết Nguyên tiêu, có tết Đoan ngọ, có tết Trung thu… nhưng khi người Việt Nam nói “tết” là cách nói tắt để chỉ riêng cho tết Nguyên đán – một dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam khởi đầu cho một năm mới. Văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác đã chia thời gian trong năm thành 24 tiết khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết Nguyên đán. “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai; “đán” là buổi sớm.
Tôi có một đứa cháu, có lần viết thư cho một người bạn ngoại quốc, cắc cớ hỏi: “Tết người Việt” viết tiếng Anh như thế nào hở chú?”. Thật quá khổ, cho một ông chú yếu kém ngoại ngữ như tôi, phải hỏi mấy nơi mới biết là nên viết “Lunar New Year’s Eve”. Thế nhưng mới đây, tôi gặp được thông tin: Lần đầu tiên, vào năm ngoái, theo tường thật của phóng viên TTXVN tại NewYork, nhiều tờ báo, trong đó có tờ “Bưu điện Washington” – tờ báo lớn hàng đầu nước Mỹ dùng hẳn từ “Tết” thay cho cụm từ “Lunar New Year’s Eve” (Năm mới của người Việt Nam). Điều đấy cho thấy, từ “Tết” xuất hiện ngày càng nhiều và không thể thay thế bằng từ nào khác, trên báo chí nước ngoài. Nói cách khác, từ “Tết” đang được quốc tế hóa rộng rãi cùng với các từ: “phở”, “áo dài”, “bánh chưng”…
À! Phải là như vậy. Vì chẳng phải là một nhà ngôn ngữ học chính hiệu, nhưng tôi cũng tin chắc rằng: một từ kỳ diệu như “Tết” mà dịch ra tiếng nước ngoài thì còn gì là mùi vị ... Tết (!)
NHẬT NGHIÊU