Thứ Bảy, 05/10/2024 06:17 SA
Nỗi niềm sông nước trong thơ Quang Ngự
Chủ Nhật, 21/10/2007 14:05 CH

Nước ta là xứ sở của sông nước, nên hình ảnh này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Có thể thấy sự phản chiếu của nó trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, qua các đồ vật, kiến trúc, thơ, ca, nhạc, họa,… Hình ảnh nước ám ảnh nhiều thi nhân, nhất là những ai có nhiều kỷ niệm với sông biển. Và ta cũng có thể thấy điều này trong tập thơ Bến sông quê của Quang Ngự. (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản - 2007). 

 

Tác giả được sinh ra bên sông Tam Giang ven biển Sông Cầu nên hình ảnh của sông biển luôn ám ảnh ông suốt các nẻo đường đời. Trong bài Biển quê, ông viết:

 

071020-song-xua.jpg

Biển quê trăm nhớ nghìn yêu

 

Bao mùa xa nhớ rất nhiều biển ơi

 

Rưng rưng giọt lệ lòng rơi

 

Xưa cha kéo cá dưới trời mưa đêm

 

Sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, chàng trai Quang Ngự đã sớm xa gia đình đi kháng chiến. Chàng trai ấy thầm nói với mẹ:

 

Con đi suốt mùa chinh chiến

 

Trong tim in bóng mẹ nghèo

 

Mẹ ơi

 

Dòng sông có khúc

 

Dòng đời có lúc cũng quanh

 

Ông ra Bắc tập kết, mang theo hình ảnh của con sông trong dòng ký ức cuồn cuộn ngày đêm:

Mãi nhớ về với dòng sông một thuở

 

Trái tim neo trên bến nước ngọt ngào

 

Ta đi nắng gió ngàn phương

 

Càng sâu nặng với cội nguồn sông ơi

 

Xa Sông Cầu Phú Yên, tác giả lại gặp con sông Cầu Bắc Ninh. Con sông Cầu nước chảy lơ thơ qua miền quan họ ấy đã “neo” hồn thơ Quang Ngự lại bằng ánh mắt trong veo của một cô gái vùng sông nước:

 

Mắt em lúng liếng bùa mê

 

Như dòng sông chảy chiều quê mơ màng

 

Bến nước nơi đây trở thành chứng nhân cho mối tình lãng mạn của họ và nó cũng được nhắc tới khá nhiều trong thơ ông:

 

Bao kỷ niệm chất xanh bờ ký ức

 

Có dòng sông lấp lánh ánh trăng sa

 

Quang Ngự vốn là người năng động, ông đi đây đó theo nhiệm vụ đoàn thể giao. Nỗi nhớ ngày xa nhau được ví với những hình ảnh lớn lao trong vũ trụ:

 

Những ngày ta phải xa nhau

 

Anh như đi dưới một bầu trời nghiêng

 

Biển như vắng bóng con thuyền

 

Sông như ngừng chảy lặng yên bến đò

 

Thế rồi, chàng trai Sông Cầu (huyện) lấy một cô gái sông Cầu (sông). Cái tên sông Cầu đó đã kết nối tình duyên của họ. Sau này, tác giả hồi tưởng lại:

 

Cầm tay anh bảo dòng sông ấy

 

Sông của tình ta mãi mãi êm đềm

 

Ôm em bỗng nhớ con đò cũ

 

Mộng ước ngày xưa đã kết thành

 

Phải nói Quang Ngự rất có duyên nợ với sông biển nên khoảng 90 % số bài trong tập nói đến hình ảnh này. Nhìn sự vật hiện tượng gì, tác giả cũng liên tưởng đến sông nước, như ví tiếng đàn đêm thơ Nguyên tiêu là “tiếng suối thoảng gần thoảng xa”, “mênh mang dòng suối nhạc”… Tác giả còn ghép các từ chỉ sông nước với các từ chỉ sự vật và trạng thái con người. Trong tập Bến sông xưa, tác giả Quang Ngự có nhiều sáng tạo như:

 

Cơn bão nghiêng mình bất chợt

 

Con thuyền tình chìm dưới đáy sông sâu

 

Hay:

 

Từ bến thương nay đã thành bến nhớ

 

Cơn mưa nào rơi buốt cõi xa xăm

 

Hy vọng là sau Bến sông xưa, tác giả Quang Ngự sẽ còn có nhiều cảm xúc mới mẻ hơn nữa…

 

PHẠM NGỌC HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek