Sau tập “Nơi phòng đợi”, nhà thơ Thanh Quế vừa ra mắt tập “Thơ tuyển” gần 120 thi phẩm, với nhiều bài thơ thú vị, nhiều bài thơ khiến người đọc giật mình, suy ngẫm.
Bìa tập “Thơ tuyển” của nhà thơ Thanh Quế - Ảnh: YÊN LAN |
Trong “Lời thưa trước”, nhà thơ Thanh Quế viết: “Vốn là một nhà báo chiến trường, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, quan tâm nhiều vấn đề, những bài thơ tôi viết vào nhiều thời điểm với những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau, nội dung và cách diễn đạt cũng luôn thay đổi. Nay làm tập thơ này, để các bạn dễ theo dõi quá trình sáng tác của tôi, tôi tạm chia làm ba phần, mỗi phần sắp xếp bài vở trước sau theo nội dung, vấn đề hoặc từng thời kỳ được viết ra. Phần 1 viết về chiến tranh. Phần 2 về quê hương đất nước, gia đình, tình yêu và tuổi thơ. Phần 3 gồm những bài thơ viết trong thời gian gần đây, là những suy nghĩ, cảm xúc của tôi về cuộc sống, nghệ thuật và lẽ sống chết vô thường của đời người...”.
Ở trang đầu của phần 1, bạn bè đồng đội “gặp lại” Thanh Quế như thuở làm phóng viên chiến trường tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ qua những câu thơ đằm thắm:
…Nắng mưa đã trải ngàn ngày
đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường
thương sông thương tự ngọn nguồn
thương em từ buổi đưa xuồng anh qua…
(“Trước nhà em sông Vu Gia”, 1974)
hay giản dị và có phần hóm hỉnh, như bài thơ “Thăm chồng”:
Chị cán bộ xã Hòa Định Đông
Lặn lội trèo non đi thăm chồng
Anh chồng vừa thắng trận Xuân Phước
Cấp trên cho nghỉ đôi ba ngày
Nhớ con đem mèo ra giỡn nắng
Chị đem con đến đặt trên tay…
Trong phần thơ viết về chiến tranh, hình ảnh con người hiện lên lấp lánh trong từng câu chữ giản dị của nhà thơ Thanh Quế. Đó là những đứa trẻ ùa ra từ căn hầm tối om dưới lòng đất, là người mẹ gieo thóc “trên mảnh đất đạn bom nồng khét/ Giữa một buổi sớm rất trong/ Mặt trời mới mọc”, là các giao liên gan dạ, là đồng chí đồng đội đã kề vai sát cánh trong những năm tháng mịt mù khói lửa, là những người “vô danh đào hào/ vô danh đắp lũy”… Còn đây là bài thơ viết riêng cho người bạn chiến đấu, đã ngã xuống trong buổi trưa ngày 30/4/1975:
Bạn tôi hát: “Sài Gòn ơi ta đã về đây…”
Mắt anh lung linh nắng
Chúng tôi không ngờ, từ một hẻm sâu kẻ thù đang rình bắn
Anh ngã xuống buổi trưa ngày Ba Mươi tháng Tư
Ngay lúc ấy, cờ ta bay trên dinh “Độc Lập”
Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường
Bao người không quen nhau
Bỗng khoác tay hát giữa lòng đường
Thành phố trào lên như biển.
Năm tháng trôi qua những tờ lịch treo tường
Nhưng ánh mắt bạn tôi phút đó
Cứ lặng gửi bao điều thăm thẳm nữa
Trong mỗi ngày đời tôi.
(“Trưa 30/4/1975”)
Nhà thơ Thanh Quế sinh năm 1945, quê ở Tuy An. Ông gắn bó với xứ Quảng trong chiến tranh và cả trong hòa bình, là người phụ trách tạp chí Đất Quảng (Quảng Nam) và tạp chí Non nước (Đà Nẵng) trong nhiều năm. Niềm đam mê của một người cầm bút đã đưa ông đến với nhiều vùng đất của Tổ quốc. Và đăm đắm trong ông là tình yêu đối với xứ sở, quê hương. Dưới đây là một đoạn trong bài thơ “Làng Phú Thạnh” được Thanh Quế viết vào năm 1985, như lời tâm sự của ông với các em:
“Làng Phú Thạnh nơi anh sinh ra
dăm gốc bàng
một cây đa
nhiều đụn cát
đất khô khốc, bông mọc trên sỏi đá
những ngôi nhà mái rạ gió xô…
Đến bây giờ, tuổi đã bốn mươi hơn
Lo nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn,
đã nhiều nếm trải
Đêm anh thường giật mình thức dậy
Nhớ nôn nao cái làng nhỏ sinh mình
Như chiếc lá vẫn muốn bay về cội…
Trong phần 2, người đọc “gặp” Hà Nội, Phan Thiết, Pleiku, Hải Phòng, Tuy An, Tuy Hòa…, “nhìn thấy” một Thanh Quế của những ngày thơ trẻ và một Thanh Quế từng trải, chiêm nghiệm lẽ sống chết vô thường. Người thân trong gia đình ông cũng đã xuất hiện trên từng trang thơ. Đây là thơ ông viết về mẹ:
Má ơi, nhiều khi con thấy mình có lỗi
Khi phải sống xa nhà
Mỗi buổi mai ai mua quà sáng
Buổi trưa một mình má trước mâm cơm
Những khuya gió ngoài trời hun hút
Má ho khan, ai đưa bát nước gừng
Con ráo riết chạy theo bao điều vô nghĩa
Những tháng năm đời má cạn dần…
(“Thưa má của con”)
Nhà thơ Ngô Thế Oanh viết rằng: “Cùng với thời gian, thơ Thanh Quế
càng về sau càng đạt đến sự cô đọng thấm lòng của một sự chiêm nghiệm sâu sắc… Tất cả mang cái đẹp của sự lắng lại và chiều rộng không chỉ giới hạn trong câu chữ”. Sự cô đọng ấy, chiều rộng ấy thể hiện rõ nhất ở phần 3, trong đó có bài thơ rất ngắn:
Cuộc đời
Ôm hôn đứa con béo tròn
Hắt hủi
Bầy con gầy trơ xương
(“Cuộc đời, 2013)
hay:
Chúng ta
Ngày càng xa lánh mọi người
Xa lánh xã hội
Để ép mình dẹp lại
Nằm gọn trong ví tiền
(“Con người đương đại”, 2013)
Nhà thơ Văn Công Hùng đã cảm nhận về thơ Thanh Quế: “Thơ ông thường ngắn, rất ngắn nhưng dung lượng rất lớn. Ông không câu nệ chữ, không câu nệ vần mà chú trọng tứ và ý tưởng lấp lánh sau những hàng chữ. Và vì thế mà nó có khả năng công phá”.
Đó cũng là cảm nhận của nhiều người yêu thơ Thanh Quế, khi nâng niu những đứa con tinh thần của ông.
YÊN LAN