Có lẽ tôi là một trong số những người gắn bó lâu năm nhất với Công ty CP In - Thương mại Phú Yên. Bắt đầu từ những năm 90, khi một số bạn bè nhờ thiết kế bìa sách và cho đến tận bây giờ, hàng năm vẫn in giấy mời offset 4 màu và thiết kế tấm pano kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là chưa kể gần 10 năm in Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên và mỗi năm in hơn chục đầu sách văn học - nghệ thuật từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh.
Để hoàn thành một ấn phẩm, thường phải qua 3 công đoạn: Chế bản, rồi in ấn và gia công sau in, nhưng bình thường thì khách hàng chỉ tiếp xúc với nhà in ở công đoạn thứ nhất là chế bản thông qua cán bộ kỹ thuật thiết kế đồ họa để tạo ra khuôn in, và theo tôi, đây là công đoạn quan trọng nhất để có một ấn phẩm đẹp. Còn các công đoạn sau đó như in ấn, gia công tờ in thành sách, báo, biểu bảng…, khách hàng hầu như không biết gì, chỉ đến hẹn là nhận ấn phẩm về phát hành, sử dụng. Bởi vậy mà cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi rất quen thân với anh chị em cán bộ, nhân viên ở phân xưởng Chế bản - In thuộc Phòng Kỹ thuật sản xuất của Công ty CP In - Thương mại Phú Yên.
Thời kỳ đầu, khi nhận lời thiết kế bìa sách cho bạn bè văn nghệ, tôi chọn font chữ trên máy tính, chọn tranh ảnh phù hợp với nội dung cuốn sách rồi mở phần mềm thiết kế đồ họa Corel ra tự mình trình bày, sau đó mang xuống nhà in giao cho Phòng Kỹ thuật sản xuất. Có lần, tôi hỏi ý kiến của Phạm Ngọc Xuân là người thiết kế chính của công ty, chàng trai khiêm nhường mỉm cười không nói gì, nhưng vẫn xem xét rất kỹ bản thiết kế của tôi, rồi đột nhiên bật lên: “Font chữ anh chọn mảnh quá, trông “yếu” lắm - nói rồi cậu mở ngay một loạt font chữ khác “mạnh” hơn, tiếp: “Anh xem có font nào đẹp hơn không?”. Dĩ nhiên là bộ font chữ của công ty nhiều hơn trên máy của tôi, và chúng tôi nhanh chóng tìm được font chữ ưng ý. Kể từ đó, khi trình bày bất cứ ấn phẩm nào, tôi không ngồi nhà “rị mọ” một mình nữa mà chỉ cần chọn font chữ, tranh ảnh, phác thảo bố cục của ấn phẩm rồi xuống ngồi làm với Xuân.
Với tay nghề thành thạo, Xuân nhanh chóng nắm bắt được ý tưởng của tôi và chỉ cần vài cú nhấp chuột là bản thiết kế đã hiện ra đúng như tôi hình dung trong đầu. Tuy nhiên, có những lần chúng tôi thay đổi màu nền, font chữ hàng chục lần mà cả hai anh em vẫn chưa ưng ý vì khổ nỗi, cả tôi và Xuân đều là những kẻ quá cầu toàn trong công việc. Xuân liền in ra một bản màu, đưa tôi và bảo: “Anh mang về nghiên cứu nữa đi, em cũng sẽ nghĩ tiếp”. Khi tôi ra đến cửa, cậu còn dặn với theo: “Anh nhớ kiểm tra lại nội dung nữa đấy”. Quả thật, có thể đặt trọn niềm tin vào những con người như vậy!
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với công ty chính là vào thời kỳ tôi được giao thiết kế và trình bày tập sách “Địa chí Phú Yên” và một số tuyển tập khác đóng bìa cứng như “Tuyển tập tác phẩm văn học Phú Yên thế kỷ XX”, “Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng ở Phú Yên”… Mọi người đều biết, “Địa chí Phú Yên” là công trình khoa học đồ sộ với hàng trăm đề mục, hàng trăm bức ảnh, biểu bảng, đồ thị, hàng ngàn trang in… Chính vì vậy mà phải dùng đến hàng chục font chữ với những kích thước, màu sắc khác nhau. Đó là chưa nói, công trình khoa học này là của hàng chục tác giả, mỗi tác giả phụ trách mỗi phần, họ tự trình bày, chọn font chữ theo ý mình, khi tập hợp lại phải thống nhất theo một quy chuẩn. Chỉ riêng việc chọn font chữ và màu sắc cho tiêu đề, đề mục lớn nhỏ, nội dung, chú thích…, hai anh em phải mất cả ngày. Đó là chưa nói đến việc thiết kế bìa, xử lý hàng trăm bức ảnh… cũng ròng rã cả tuần. Một số nội dung thiếu ảnh phải kêu gọi các hội viên nhiếp ảnh đi chụp thêm… Sau cuốn sách này, có thể nói, tôi và Xuân như một cặp bài trùng, hiểu nhau đến mức chỉ cần nghe qua hơi thở hay ánh mắt.
Khi tôi được điều động về Hội Văn nghệ, để phù hợp với xu thế chung của các Hội Văn nghệ trong cả nước, chúng tôi phải thay đổi kích thước tờ tạp chí, và cùng với nó là măng-sét (manchette). Thực ra việc chọn kiểu chữ cho măng-sét không khó, nhưng không thể bê nguyên xi kiểu dáng có sẵn trong máy tính ra để dùng, mà còn phải điều chỉnh kích thước, cao thấp, độ dày thân chữ, chân chữ, mảng bóng, đường viền, khoảng cách giữa các chữ cái, giữa các từ cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp, chưa nói đến chuyện màu sắc, bố cục chung trên tờ bìa.
Tôi nhớ, tôi và Xuân đã ngồi với nhau một buổi, thay đổi hàng chục phương án, nhưng mới chỉ đạt ở dạng phác thảo. Xuân lại in ra cho tôi vài bản màu về “nghiên cứu” tiếp. Có lần, nhận tạp chí về rồi, nhưng khi đọc lại mới phát hiện ra một lỗi mà không thể in thêm tờ đính chính rồi dán vô mà phải in lại cả trang đó.
Tôi gặp Giám đốc Nguyễn Đình Thoại, đề nghị in lại trang đó. Anh bảo: “Có hai cách, một là in lại rồi cắt dán tờ đó, hai là in lại cả tay sách 16 trang rồi tháo hết ra đóng lại, xén lại. Cách thứ nhất thì người đọc biết ngay, còn cách thứ hai rất khó phát hiện vì khi xén lại, kích thước chỉ nhỏ hơn 1-2mm, nhưng bọn tôi sẽ vất vả hơn”. Tôi nhìn Thoại cười khì, anh cũng đáp lại bằng một nụ cười rất dễ thương rồi nói nhanh: “Anh cho chở hết đến đây, để kịp sửa rồi phát hành”. Và rồi công ty cũng chẳng lấy thêm một đồng để sửa lỗi của chúng tôi. Nếu ai có bộ sưu tập tạp chí Văn Nghệ sẽ thấy trong số đó có một cuốn nhỏ hơn vài milimet.
Vợ chồng tôi với vợ chồng Nguyễn Đình Thoại và nữ họa sĩ Đặng Thị Thọ chơi thân với nhau kể từ khi tôi về Hội Văn nghệ qua công việc in ấn và qua các cuộc triển lãm mỹ thuật mà Đặng Thị Thọ thường xuyên có tranh tham gia. Thỉnh thoảng tôi cũng hỏi thăm về công việc của công ty, Thoại khoe trúng thầu lô sách giáo khoa, tôi không rành lắm về chuyện kinh doanh nhưng thấy cán bộ nhân viên công ty có việc làm quanh năm suốt tháng, thấy cuối năm đều mổ heo liên hoan tưng bừng lại còn phát cho mỗi người một gói quà về ăn tết nữa. Và khi công ty cổ phần hóa với 100% vốn điều lệ tư nhân, người ta vẫn tín nhiệm giữ Thoại làm giám đốc, và quan trọng hơn là bộ máy lãnh đạo các phòng ban, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty hầu như không có biến động gì. Trước và sau cổ phần hóa, tôi vẫn thường xuyên đến công ty làm việc, và tôi vẫn bắt gặp những con người ấy với nét mặt rạng rỡ, tin yêu, với niềm đam mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao để những khách hàng khó tính như tôi vẫn tiếp tục gửi gắm niềm tin qua từng ấn phẩm.
ĐÀO MINH HIỆP