Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển lễ hội trên một cách bền vững.
Lễ hội truyền thống giàu bản sắc
Theo lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên, Phú Yên có đường bờ biển dài gần 200km. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Từ xa xưa khi khoa học còn lạc hậu, không biết bao ngư dân và những con thuyền đã bị nhấn chìm dưới đáy đại dương. Ngư dân rất tin tưởng vào sức mạnh vô hình, siêu nhiên cầu mong che chở, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi khi lênh đênh trên biển xanh. Cá Ông chính là vật thiêng, thần Nam hải mà ngư dân luôn hướng niềm tin che chở và mang lại may mắn cho ngư dân ven biển.
Vào khoảng thế kỷ XIX, khi cư dân tập trung đông đúc dọc bờ biển Phú Yên, nhiều lăng Ông đã được xây dựng. Cùng với đó, nghi thức Lễ hội cầu ngư dần hình thành và phát triển. Lễ hội cầu ngư là sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của người dân ven biển gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông. Ở Phú Yên, lễ hội cầu ngư thường được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm.
Mặc dù có vài khác biệt nhưng nhìn chung, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên được tổ chức thông qua ban trị sự lạch. Ban trị sự lập kế hoạch, báo cáo chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện. Trước ngày diễn ra lễ hội, ban trị sự tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các gia đình đi biển để bàn về quy mô tổ chức lễ hội trong năm. Năm nào ngư dân được mùa tôm cá, lễ hội được tổ chức lớn và ngược lại. Lễ hội cầu ngư hầu như bao giờ cũng có các nghi thức cúng tế, hát tuồng và trò chơi dân gian.
Lễ hội cầu ngư gồm 3 bộ phận thực hiện chính. Bộ phận tế lễ gồm: Hành văn, hành nghi, chánh tế, bồi tế, đông hiến, tây hiến, hương đăng, 4 học trò lễ, tả chinh, hữu cổ; bộ phận luyện tập đội chèo bá trạo và đội múa siêu; bộ phận ngư dân đóng góp kinh phí…
Trình tự thực hành nghi lễ bao gồm 7 nghi thức cơ bản. Trước tiên là Lễ rước sắc. Lễ này được thực hiện ở các lăng Ông được các triều đình phong kiến ban tặng sắc phong thần. Tiếp đến là Lễ rước bà Thiên Y A Na, Thành hoàng bổn cảnh, âm hồn, cô hồn. Lễ này cũng sẽ thực hiện ở các nơi có miếu thờ. Tiếp sau đó là Lễ nghinh Ông Nam hải. Lễ này có nơi tổ chức ở miếu thờ, có nơi tổ chức ở cửa biển. Tiếp sau đó là màn Chèo hầu bá trạo. Đội chèo sẽ trình diễn hầu thần sau đó trình diễn phục vụ bà con. Tiếp đến là Lễ thỉnh sanh. Lễ này thực hiện công tác dâng cúng lễ vật. Tiếp đến là Lễ tế thần Nam hải. Đây là lễ quan trọng nhất trong hoạt động cầu ngư. Trong lễ này, bộ phận hành lễ sẽ đọc bài chúc văn có nội dung ca ngợi công đức của thần Nam Hải, cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên, người người ra khơi quay trở về bình an với tôm cá đầy thuyền…
Ông Nguyễn Văn Chẻo, người cao niên thuộc Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), cho biết: “Tuy mỗi địa phương tổ chức Lễ hội cầu ngư có chút ít khác biệt nhưng đa phần các lễ hội đều giữ được nét cổ truyền. Nghi lễ, trang phục, nội dung bài văn, tuồng tích… được ngư dân lưu truyền qua bao đời.
Để lễ hội được phát triển bền vững
Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Lễ hội giúp ngư dân Phú Yên vượt qua các thách thức, hiểm nguy, góp phần mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho cư dân vùng ven biển trên địa bàn tỉnh. Lễ hội là hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt với nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời và được giữ gìn trong môi trường này. Lễ hội có vai trò lớn trong việc tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị gắn kết cộng đồng. Lễ hội cũng thể hiện sự giao thoa văn hóa với các địa phương lân cận. Hơn nữa, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên còn là không gian lưu trữ xác thực các bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ ngư dân.
Hiện nay, nhiều nghệ nhân nắm giữ các nghi thức thực hành của Lễ hội cầu ngư đã cao tuổi. Yêu cầu về việc truyền nghề là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Ông Hồ Ngợi, người có hơn 40 năm tham gia Lễ hội cầu ngư với vai trò chủ tế, chia sẻ: “Các cấp chính quyền cần phải hỗ trợ các câu lạc bộ, tổ chức, cá nhân để truyền thụ cho lớp thế hệ kế cận một cách đầy đủ nhất các kỹ năng, nghi thức, luật tục. Trong đó, chính quyền cần quan tâm tôn vinh nghệ nhân”.
Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL, Di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên cần có các biện pháp bảo vệ và phát huy một cách hiệu quả trong sự phát triển bền vững. Trước tiên là công tác tăng cường sự quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tiếp đến, ngành Văn hóa chú trọng đến các công tác: Sưu tầm tư liệu di sản thuộc về lễ hội; truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống; nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa; tôn vinh nghệ nhân và nâng cấp Lễ hội cầu ngư phục vụ phát triển du lịch. |
DIỆU ANH