Thứ Hai, 14/10/2024 23:28 CH
Sức sống mới trên vùng cao Phú Hải:
Kỳ 1: Làng lâm nghiệp
Thứ Tư, 18/05/2016 14:00 CH

Người dân thôn Phú Hải phát chồi

Giữa những ngày tháng 5, tôi ngược đỉnh La Hiêng về thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Trên mảnh đất Phú Hải hôm nay, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay tích cực của một thôn cao nhất, xa nhất, khó đi nhất và cũng một thời nghèo khó nhất tỉnh. Điều gì đã giúp Phú Hải đổi thay đến như vậy?

 

Từ một thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhờ trồng rừng kinh tế, sống dựa vào lâm nghiệp, thời gian qua, đời sống của người dân ở thôn vùng cao Phú Hải đã đổi thay đáng kể. Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, buôn làng ngày càng trù phú, ấm no, ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng cũng được nâng cao…

 

TRỒNG RỪNG ĐỂ BẢO VỆ RỪNG

 

Tôi đến Phú Hải vào những ngày đầu tháng 5, khi mà người dân ở đây đang tất bật dọn phát thực bì, tạo đường băng cản lửa ở các cánh rừng trồng để ngăn ngừa tình trạng cháy rừng vào mùa khô. Biết tôi muốn tìm hiểu về việc trồng rừng của người dân ở đây, Trưởng thôn Phú Hải Sô Minh Thương đã nhiệt tình dùng xe máy đưa tôi vào tận khu vực Suối Cát, nơi những cánh rừng trồng keo lai của bà con được 4-5 tuổi. Trên đường đi, đập vào mắt tôi là những cánh rừng keo lai xanh mướt, bạt ngàn thẳng tắp.

 

Dừng chân tại rẫy keo của ông Sô Minh Hương, tôi bắt gặp ông và những người làm thuê đang tất bật dọn thực bì, phát chồi. Được hỏi về chuyện trồng rừng, ông phấn khởi nói: “Ở Phú Hải trước đây chỉ toàn đất trống đồi trọc bỏ hoang, người dân chỉ trỉa được ít bắp, sắn. Nay thì khác rồi. Nhờ Nhà nước đầu tư lo cho dân, chúng tôi mới được như thế này, chứ lúc trước biết hướng nào mà làm”.

 

Lời của ông Hương nói làm tôi nhớ lại những chuyến công tác trước đây lên Phú Hải. Do đặc điểm địa lý là thôn khó khăn nhất, xa nhất nên nơi đây không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như các nơi khác. Trước đây, người dân ở vùng đất này sống giữa bốn bề là núi, mở mắt ra là thấy núi, không rẫy canh tác, không đất chăn nuôi nên người dân chỉ biết bám vào rừng. Hàng ngày, dân làng ngoài trỉa bắp, sắn, thường mang gạo, cưa, rìu vào rừng lấy gỗ, lấy mật ong… mang về bán hoặc đổi gạo, cá khô, mắm muối với các thương lái dưới xuôi lên Phú Hải. “Lúc đó, rừng không chỉ bị tàn phá mà cuộc sống của bà con mình cứ đói nghèo miết, khổ miết”, già làng thôn Phú Hải Sô Phi góp chuyện bằng ký ức của những năm tháng vất vả.

 

Làm gì để người dân Phú Hải cải thiện cuộc sống, biết làm kinh tế, lại giữ được rừng luôn là những câu hỏi được các cấp ngành hữu quan từ tỉnh đến cơ sở đặt ra mỗi lần hội họp. Chính từ những bức bách đó, Sở NN-PTNT tỉnh đã vào cuộc, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống (gọi tắt là dự án Flitch), lồng ghép với Chương trình 135 cho người dân Phú Hải. Mục đích của dự án này là giảm tỉ lệ hộ nghèo đói, thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các hộ nghèo so với hộ trung bình ở những địa bàn phải sống dựa vào rừng. Qua đó tăng cường khả năng quản lý rừng và đất rừng trong vùng dự án, đặc biệt là năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng.

 

Theo lời của các cán bộ lâm nghiệp tỉnh, cuối năm 2006, dự án bắt đầu triển khai ở Phú Hải. Lúc đó, các đảng viên, già làng, trưởng thôn là những người tiên phong trong việc trồng rừng kinh tế. Với lợi thế đất đai sẵn có, Trưởng thôn Sô Minh Thương, Bí thư Chi bộ thôn Sô Thanh và già làng Sô Phi là những “đầu tàu” hăng hái tham gia vào dự án phát triển lâm nghiệp ở địa phương. Chính họ đã không quản ngại khó khăn, hàng ngày gùi từng cây keo giống, từng hạt phân đến rẫy của mình vừa để trồng rừng, vừa trình diễn cho bà con học cách làm theo.

 

Trưởng thôn Sô Minh Thương cho biết: “Ban đầu trồng rừng, tôi và những người dân ở đây gặp không ít khó khăn. Lúc đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm trồng rừng nên cây con chết nhiều lắm; mình vừa tiếc, vừa buồn. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều lớp tập huấn chuyển giao kinh nghiệm trồng rừng được mở ra, cây giống và phân bón được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ càng củng cố niềm tin, quyết tâm phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ rừng của người dân Phú Hải”.

 

Từ những thành công bước đầu trong việc trồng rừng kinh tế của các đảng viên, già làng, trưởng thôn, người dân Phú Hải đã bắt đầu tin tưởng vào dự án phát triển lâm nghiệp ở địa phương. Từ vài héc ta rừng ban đầu của vài hộ dân, đến nay người dân Phú Hải đã phủ một màu xanh bạt ngàn của keo lai trên diện tích 1.000ha rừng kinh tế. Trong đó, gần 50% diện tích này đã đến tuổi khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân sau 5-7 năm chăm sóc.

 

THOÁT NGHÈO TỪ RỪNG SẢN XUẤT

 

Từ một hộ nghèo ở thôn, những năm gần đây, vợ chồng Sô Minh Hương đã thoát nghèo nhờ vào việc trồng rừng. Ông Hương tâm sự: “Tôi bắt đầu trồng rừng từ năm 2006. Hồi đó khổ quá nên thấy mọi người trồng rừng mình cũng trồng theo. Ban đầu không có vốn nên cứ hết lứa cây này trồng xong thì tái đầu tư cho lứa cây sau. Sau hơn 10 năm bám rừng, nhà tôi đã bán cây được hai lần, thu về trên 150 triệu đồng. Lúc trước chưa trồng rừng, gia đình thu nhập bấp bênh dựa vào việc trồng sắn, bắp trên các triền đồi quanh nhà. Nay thì khác rồi, nhờ thu nhập từ việc trồng rừng, gia đình tôi đã khấm khá hơn, không khó khăn như trước đây nữa”.

 

Hiện gia đình ông Hương là một trong số ít hộ của thôn Phú Hải có diện tích trồng rừng kinh tế lên đến gần 40ha. Với 10ha rừng keo đang vào độ tuổi khai thác, bình quân 1ha rừng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi ròng từ 30-50 triệu đồng… Thoát nghèo, có vốn tích lũy, vợ chồng ông Hương đã sắm được tivi, xe máy, con cái được đầu tư, chăm lo học hành đến nơi, nơi chốn.

 

Ông Hương cho biết thêm: “Trước đây mình ở rừng nhưng không biết phát triển kinh tế. Nhờ cán bộ dưới xuôi lên hướng dẫn cho cách trồng rừng nên qua thực tế, mình hiểu chỉ có trồng rừng mới bảo vệ rừng tốt nhất. Khi trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả, người dân ở đây sẽ không còn đói khổ nữa. Mà không khổ nữa thì người dân sẽ không còn vào rừng chặt cây làm rẫy, bẫy thú để ăn; khi đó, môi trường sinh thái sẽ được cải thiện đáng kể”…

 

Chia sẻ thêm về lợi ích mà trồng rừng kinh tế mang lại cho dân, ông La O Thái hồ hởi: “Đất quê mình nhiều, nhưng lúc trước do không nghĩ ra cách làm nên cứ vô rừng phá, cây chặt mãi cũng hết, đói nghèo lại hoàn đói nghèo. Giờ trồng rừng, cứ 5-7 năm là bắt đầu khai thác. Như mới đây, tôi bán được 3ha keo 4-5 năm tuổi, thu về gần 160 triệu đồng. Nhưng đấy là tôi cần tiền để tái đầu tư nên bán cho đầu nậu, chứ bán cho công ty thì được nhiều tiền hơn. Còn nếu không vội, để cây lớn càng to bán càng có giá hơn”.

 

Theo tính toán của ông Sô Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hải, với 61 hộ, 282 nhân khẩu, bình quân mỗi hộ dân ở đây trồng được khoảng 16ha rừng cây keo lai, bạch đàn… Trong đó, hộ trồng nhiều nhất khoảng 30-50ha, hộ trồng ít nhất cũng được từ 2-5ha. Với năng suất keo khoảng 150-200 tấn/ha, giá bán 950 đồng/kg ván băm, 750.000 đồng/m3 gỗ to từ 30-90cm hoặc 1,2-1,3 triệu đồng/m3 gỗ thành phẩm thì người dân ở đây đã có trong tay vài chục triệu đồng trở lên. “Nếu như trước đây toàn xã có 61 hộ nghèo thì đến nay đã có 15 hộ thoát nghèo và sắp tới còn nhiều hộ sẽ “xin” ra khỏi diện hộ cận nghèo, hộ nghèo…”, ông Sô Thanh khẳng định.

 

Niềm vui sống được bằng nghề trồng rừng, bằng việc làm lâm nghiệp của người dân Phú Hải càng được củng cố khi mới đây, Công ty CP Lâm sản Toàn Cầu triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu bằng cây keo lai ở xã Phú Mỡ, trong đó thôn Phú Hải là chủ lực. Công ty đã cam kết đồng hành cùng người dân khi chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn và bao tiêu đầu ra cho cây keo lai. Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trồng rừng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Công ty CP Lâm sản Toàn Cầu), cho biết: “Ngoài diện tích Nhà nước cho thuê để trồng rừng, đối với những diện tích của đồng bào thôn Phú Hải đã trồng keo lai, chúng tôi sẽ tổ chức liên kết đầu tư, cũng như tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để bà con chăm sóc rừng có hiệu quả. Đến khi đủ tuổi khai thác, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm bằng giá thị trường”.

 

Từ một thôn miền núi nghèo khó, hàng năm, hầu hết người dân không đủ cơm ăn, đến nay nhờ trồng rừng, nhiều hộ dân Phú Hải đã vươn lên làm giàu, một số hộ mua được ô tô, xe cơ giới để phục vụ trồng rừng, từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc và nâng độ che phủ rừng là một kỳ tích đáng ghi nhận. Với những hiệu quả mà trồng rừng kinh tế mang lại, có thể khẳng định rằng, đồng bào Phú Hải đã dần tìm được hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Ông So Bếp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ

 

Kỳ cuối: Đổi thay từng ngày

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ẩm thực Việt vào từ điển Pháp
Chủ Nhật, 15/05/2016 16:52 CH
Bà Hving Hlum hết lòng vì âm nhạc dân tộc
Chủ Nhật, 15/05/2016 15:00 CH
Tản mạn Tokyo
Chủ Nhật, 15/05/2016 14:31 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek