Cái gốc của văn hóa con người là tiếp thu từ gia đình và truyền thống văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình tỏa ra trong môi trường sống và được ví như không khí sống của từng gia đình. Đó là việc ứng xử giữa những thành viên gia đình và với những người xung quanh.
Theo kết quả điều tra về công tác gia đình những năm gần đây ở Phú Yên, cấu trúc gia đình của tỉnh đang tồn tại dưới hai loại hình chủ yếu: Gia đình hạt nhân (hai thế hệ) là loại hình gia đình phổ biến nhất, chiếm tỉlệ trên 82%; còn lại là gia đình ba thế hệ và số ít gia đình bốn thế hệ.
Hiện trạng sinh hoạt của các gia đình, nhất là ở thành phố có những dạng khác nhau. Có những gia đình ông bà, cha mẹ con cháu sum vầy, sống hòa thuận. Nhưng cũng có không ít gia đình phải chịu hoàn cảnh phân ly, vợ thui thủi một mình nuôi con do chồng công tác xa. Có những gia đình chung sống cả ba thế hệ, vợ chồng trẻ thường đi làm vắng, việc trông nom con trẻ và săn sóc gia đình thường phải nhờ vào ông bà, cha mẹ...
Dù ở dạng gia đình kiểu nào thì trong cuộc sống xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, êm đẹp và có văn hóa thì vai trò, trách nhiệm của những bậc làm cha, mẹ trong chăm lo, giáo dục con cái cũng mang ý nghĩa quyết định. Bởi đặc trưng của cuộc sống gia đình là hết sức thật, hết sức tự nhiên, không cần phải giấu giếm trong mối quan hệ. Yếu tố pháp lý, đạo đức, tâm lý, tình cảm hòa quyện với nhau trong sinh hoạt khiến mọi ứng xử trong gia đình trở nên mềm mại, uyển chuyển và thuyết phục. Ở đó chỉ có tình máu mủ ruột rà, thương yêu, khuyên bảo lẫn nhau để cùng hạnh phúc.
Chính vì lẽ đó, chăm chút, bảo vệ sự yên vui của gia đình là nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình mà những người làm cha, làm mẹ mang trách nhiệm nặng nề nhất. Trong gia đình truyền thống, trước tiên mọi người tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ và nhất là không làm mất đi cái riêng chân chính của nhau. Đó là nền tảng để bảo đảm sự hòa thuận và hạnh phúc.
Giữ hay không giữ văn hóa gia đình truyền thống nguyên dạng theo kiểu tam đại, tứ đại đồng đường? Với chuẩn mực “làm con giữ tròn chữ hiếu”, “kính trên nhường dưới”, “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa, về trình”…, trong kiểu gia đình này, lớp trẻ nhận thấy mình bị bó buộc về tự do cá nhân, ít quyền dân chủ, đôi khi quyền tự quyết bị ngăn trở, cấm đoán. Ở đó, tính năng động sáng tạo của tuổi trẻ sẽ bị hạn chế do tính cẩn trọng, bảo thủ của tuổi già.
Xây dựng gia đình theo kiểu hiện đại chỉ có hai thế hệ cha mẹ và con, mô hình này hiện đang được số đông lớp trẻ lựa chọn. Ông bà thường giao cho cha mẹ nuôi dưỡng. Con cái chăm sóc ông bà, cha mẹ theo kiểu “trợ cấp”. Nguy cơ này tạo ra cảnh người già lâm vào tình trạng neo đơn, ít được chăm sóc chu đáo. Chức năng giáo dục từ gia đình truyền thống bị suy giảm.
Xây dựng gia đình kiểu hiện đại, giàu có, ít con, hạnh phúc trên cơ sở gia đình truyền thống, có sự giúp đỡ, hỗtrợ giữa các thế hệ, bảo lưu có chọn lọc gia đình truyền thống. Đây là kiểu gia đình có xu thế phù hợp nhất, tạo nên gia đình vừa tiên tiến, vừa hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đây cũng chính là mô hình gia đình văn hóa mà chúng ta đang phấn đấu, xây dựng và đạt nhiều thành tựu rất đáng phấn khởi.
Quan tâm đến việc xây dựng gia đình là nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm, nhu cầu ổn định, nhu cầu nương tựa để con người vượt qua những chặng đường đời. Hạn hẹp dần số lượng những gia đình phân ly, tan vỡ do hoàn cảnh và điều kiện sống. Đây là một trong những vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong tiến trình xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
MẠNH MINH TÂM