Hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại,” vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm đưa Truyện Kiều đến gần hơn với công chúng trẻ.
Trong nhịp sống hiện đại, Truyện Kiều đã được (và cần được) “diễn dịch” ra các loại hình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và cả công nghệ giải trí theo cách nào - để sức lan tỏa của nó không tự giới hạn ở 3.254 câu thơ?
Thực tế tại Việt Nam, Kiều đã bước vào nghệ thuật dân gian từ cả trăm năm trước với các dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ. Tiếp đó, đầu thế kỷ XX, hàng loạt họa sĩ hàng đầu của Việt Nam như: Bùi Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung... cũng từng vẽ minh họa hoặc có sáng tác lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Cũng trong thời điểm này, các vở cải lương lấy tích Kiều - Hoạn Thư đánh ghen cũng xuất hiện. Còn trong nghệ thuật ca trù, nhiều đào nương vẫn thường xuyên vận thơ Kiều để nói chuyện nhân tình thế thái.
Thậm chí, ở những loại hình nghệ thuật hiện đại hơn, Truyện Kiều cũng từng bước xuất hiện. Điển hình, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã dành khá nhiều thời gian sáng tác bộ Kiều ca đồ sộ trong những năm cuối đời. Hoặc vào năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã tổ chức biểu diễn hợp xướng kỷ lục về Truyện Kiều với 3 chương (dài 75 phút) và dàn hợp xướng hơn 100 người để thể hiện.
“Với giá trị vĩ đại và sự gần gũi với đời sống văn hóa Việt, không có gì ngạc nhiên khi Truyện Kiều luôn là cảm hứng cho rất nhiều sáng tạo của chúng ta”, GS Phong Lê (Phó chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam), chia sẻ.
Không chỉ dừng ở nghệ thuật, tại Biên Hòa (Đồng Nai), ông Phạm Văn Khoát yêu Truyện Kiều và cụ Nguyễn Tiên Điền tới mức tự xây dựng một “Vườn Kiều” rộng 3.000m2. Tại Vườn Kiều này, ông Khoát dựng tượng nhân vật, công trình, trồng cây (Quan Âm các, lầu Ngưng Bích), xây cả đền thờ Nguyễn Du để những người yêu Truyện Kiều cùng tìm đến trong ngày giỗ tác giả.
Theo các ý kiến tại hội thảo, việc “diễn dịch” Truyện Kiều ra các loại hình khác nên được quan tâm hơn trong thời gian tới. Bởi, trong thời điểm hiện tại, dù không thể thay thế cho Truyện Kiều “chính thức”, những sáng tạo theo kiểu “phụ trợ” như vậy lại có những thế mạnh riêng trong việc thu hút sự quan tâm của khán giả đại chúng.
Bởi vậy, thạc sĩ Lư Thị Thanh Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra một ý tưởng độc đáo tại hội thảo: xây dựng một công viên giải trí dựa trên Truyện Kiều. Cơ bản, đây là một quần thể bao gồm không gian trưng bày hiện vật (tư liệu, phim), không gian ngoài trời mô phỏng Truyện Kiều (tranh, tượng thiết kế theo các chi tiết quan trọng của tác phẩm), không gian nghệ thuật (biểu diễn Truyện Kiều dưới dạng sân khấu, âm nhạc, trò chơi dân gian. Khi ấy, “công viên Truyện Kiều” vừa là nơi thu hút và phát triển du lịch địa phương, vừa có giá trị đặc biệt để quảng bá Truyện Kiều của Nguyễn Du tới mọi du khách trong và ngoài nước.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)