Thứ Ba, 15/10/2024 11:34 SA
Bảo tồn nghề dệt vải thủ công truyền thống ở buôn Lê Diêm
Thứ Năm, 13/08/2015 14:00 CH

Mí Lép đang dệt vải - Ảnh: A.ĐÀO

Về buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh phụ nữ Ê Đê hàng ngày cần mẫn bên khung cửi dệt vải thổ cẩm. Đây vốn là một nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê tại địa phương. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một. Vì vậy, bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc này là vấn đề cần quan tâm.

 

Việc bảo tồn được nghề dệt có ý nghĩa rất quan trọng, trước tiên là lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc rất đáng quý của đồng bào Ê Đê; thứ hai là phục vụ cho đề án Xây dựng Buôn văn hóa du lịch cộng đồng. Du khách đến đây có thể tận mắt chứng kiến bà con dệt vải thủ công, may áo. Du khách sẽ biết được phong tục tập quán của người Ê Đê; các sản phẩm trang phục truyền thống do chính người dân nơi đây làm ra. Điều này góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phần nào giúp người dân địa phương có việc làm lúc nông rỗi, ổn định đời sống. (Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh)

LẮM CÔNG PHU

 

Từ sáng sớm, Mí Lép ở buôn Lê Diêm đã tất bật chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để hoàn thành những công đoạn còn lại dệt tấm khố, trang phục truyền thống của người đàn ông Ê Đê. Theo Mí Lép, để dệt được một tấm khố phải qua rất nhiều công đoạn, từ xử lý sợi vải, kéo sợi, ráp khung, chọn mẫu hoa văn. Thời gian để dệt tấm khố hết nửa tháng nếu không bị gián đoạn bởi những công việc khác và tất cả đều làm thủ công. Mí Lép cho biết thêm: “Khó nhất khi dệt một tấm thổ cẩm là công đoạn dệt hoa văn. Để hoa văn thật đẹp, người dệt phải đều tay, tập trung để hoa văn đồng nhất. Hoa văn càng đẹp, càng phức tạp thì càng khó dệt”.

 

Hiện nay, trước xu thế ngày càng phát triển của xã hội, nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông lấy sợi trên địa bàn huyện Sông Hinh cũng không còn nên người dân thay thế bằng các sợi len được bày bán ở chợ. Công đoạn xử lý sợi len cũng rất phức tạp. Đầu tiên, người ta bắt đầu tách sợi len kép ra thành sợi đơn; sau đó lấy gạo giã nát nấu lên như hồ quét đều lên sợi len rồi đem phơi khô; đến lúc dệt sẽ lại dùng một ít nước quét lên cho sợi không bị dính. Mỗi công đoạn đòi hỏi người dệt phải chịu khó, khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng với những người phụ nữ Ê Đê, cũng như Mí Viên, nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống vẫn được gia đình bảo tồn, truyền dạy từ đời này sang đời khác. Mí Viên chia sẻ: “Lúc trước tôi được mí (mẹ) của mình dạy cho, còn bây giờ tôi dạy lại cho hai con gái và chúng cũng đã dệt thành thạo, chỉ mong có thể lưu giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình”. Còn Mí Ly, con gái lớn của Mí Viên, vui vẻ cho biết: “Mỗi khi mí dệt tôi nhìn và học theo. Vì là nghề truyền thống nên tôi quyết tâm học để sau này có thể truyền lại cho con cháu hay những ai muốn học”.

 

Sản phẩm từ những tấm thổ cẩm của người Ê Đê rất đa dạng, phong phú như áo nam, áo nữ, ên, khố, mũ, túi đeo, khăn địu… với các họa tiết và màu sắc bắt mắt. Bên cạnh màu đen là nền chủ đạo thường thấy thì trang phục thổ cẩm của người Ê Đê còn có nền đỏ, tím, xanh tươi trẻ và phù hợp với từng lứa tuổi.

 

NỖ LỰC BẢO TỒN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 

Ông Ksor Y Phao, Phó buôn Lê Diêm, cho biết: Buôn Lê Diêm có 173 hộ, trong đó có khoảng 80 hộ có người biết dệt. Tuy số lượng hộ biết dệt nhiều nhưng không chỉ đối với buôn Lê Diêm mà ở các buôn khác trên địa bàn huyện Sông Hinh có nghề dệt thổ cẩm, người dân chủ yếu dệt tự phát trong hộ gia đình. Sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để sử dụng trong nhà, dùng để mặc trong các lễ cưới hỏi, lễ cúng, các lễ hội như cồng chiêng, arap... chứ chưa mang tính hàng hóa.

 

Với lợi thế nằm bên cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng, buôn Lê Diêm được chọn làm điểm Buôn văn hóa du lịch cộng đồng. Bên cạnh việc khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống khác thì khôi phục nghề dệt vải và may áo truyền thống rất được chính quyền huyện Sông Hinh chú trọng. Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh, sau một năm thực hiện kế hoạch xây dựng Buôn văn hóa du lịch cộng đồng tại buôn Lê Diêm, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với UBND thị trấn Hai Riêng, ban nhân dân, ban công tác mặt trận buôn Lê Diêm chọn 8 hộ gia đình để khôi phục nghề dệt vải thủ công, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện.

 

Bước đầu, bà con đã có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác xây dựng Buôn văn hóa du lịch cộng đồng. Các hộ được lựa chọn tự giác tham gia đầy đủ, có trách nhiệm cao. Các sản phẩm ban đầu đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, giữ được nguyên mẫu của đồng bào dân tộc Ê Đê và đều có nguyện vọng thực hiện tiếp trong thời gian tới. Số sản phẩm này phòng sẽ lưu giữ để giới thiệu với khách du lịch khi đến với Sông Hinh. Bên cạnh đó, Phòng VH-TT huyện cũng rất chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con và vận động các nghệ nhân, người lớn tuổi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

 

ANH ĐÀO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek