Thứ Ba, 15/10/2024 11:37 SA
Phóng sự Tôi kéo xe và Việc làng - hai bức tranh tả thực sống động
Thứ Ba, 11/08/2015 08:44 SA

Để viết phóng sự “Tôi kéo xe”, nhà văn - nhà báo Tam Lang đã nhiều lần nhập vai (ảnh minh họa)

Tam Lang và Ngô Tất Tố là hai tác giả phóng sự tiêu biểu cho hai mảng đề tài thành thị và nông thôn. Tam Lang chuyên viết về đời sống của những người dân nghèo thành thị, những cái bịp bợm, xấu xa, lưu manh, tha hóa… nơi thị thành. Ngô Tất Tố có tài đi sâu phát hiện, khám phá những hủ tục, lệ làng vô lý sau lũy tre làng.

 

Thế giới của người nghèo được phơi ra từ cuộc sống vật chất cho đến tinh thần. Dưới ngòi bút hiện thực của Tam Lang, ta thấy những con người này không còn gì để mất! Họ phải bán tâm hồn mình theo thói đời bẩn thỉu, vào những trò cờ bạc, mại dâm, hút xách, trộm cướp… Ở họ chỉ còn lại tấm thân bất cần đời với nỗi ám ảnh cơm áo mưu sinh. Tam Lang cho người đọc thấy rõ kiếp sống khốn khổ của những phu xe - kiếp ngựa người. Nghề kéo xe - cái nghề mạt hạng đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Tác giả cho thấy sự vất vả, nhọc nhằn của phu xe kéo, những “kỹ nghệ” của nghề, những thú vui trụy lạc và con đường biến chất, tha hóa của họ. Xã hội đã đẩy cuộc đời họ vào vũng bùn, lầm đường lạc lối đen tối nhất. Đó là sự suy đồi về lối sống, băng hoại về đạo đức - mối hiểm họa của cả xã hội. Như vậy, Tam Lang đã nói cho mọi người biết nỗi thống khổ của một hạng người. “Ở Hà Nội có tới ngàn rưỡi người chỉ vì bát gạo mà làm cái nghề kéo người. Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như dúng nước. Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì! - Năm ba xu, một hào, một cuốc. Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với ít nước hàng. Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn! Nhưng sống nào đã được yên?(Tôi kéo xe - Phóng sự Việt Nam 1932-1945, tập 1).

 

Đúng vậy, trong xã hội đáng khinh ấy, ngoài đồng tiền, không còn gì hơn thế! Nhân, đức, lễ, nghĩa… không còn nghĩa lý gì. Thực trạng xã hội ấy đi vào trang viết của Tam Lang thật sinh động. Nhà văn - nhà báo này tập trung nêu bật những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi, bức xúc, tìm ra nguyên nhân và đề nghị hướng giải quyết, cải tạo nghề kéo xe. Với Tôi kéo xe, một xã hội thành thị được lột tả qua cây bút mở đầu phóng sự Tam Lang.

 

Bìa nguyên bản “Phóng sự Việc làng” in thành sáchnăm 1941 - Nguồn: Internet

Với Việc làng của Ngô Tất Tố, chúng ta thấy hiện lên tất cả cái xấu xa, thối nát ở nông thôn. Ngay ngoài bìa quyển phóng sự Việc làng, với dòng chữ “Phép vua thua lệ làng”, tác giả cho thấy Việc làng chính là nói về lệ làng của người dân Việt Nam xứ Bắc. Đây quả là một tập phóng sự rất đầy đủ về lệ làng. Có thể nói, những “việc làng” hay “lệ làng” mà tác giả đề cập vô cùng phức tạp, phong phú nhưng chung quy lại đấy là miếng ăn. Bất kỳ là việc buồn, việc vui… đều phải ăn cả. “Quyển phóng sự cho ta thấy những cảnh khổ não, nhục nhằn, những tai nạn khủng khiếp, những việc thương tâm gây nên bởi miếng ăn, phơi bày ra ở trước mắt. Đọc Việc làng, người ta có cái cảm tưởng rõ rệt là dân quê nước ta lúc nào cũng đói, lúc nào cũng thèm ăn, thèm uống” (Vũ Ngọc Phan). Quả vậy, tác giả lột tả hết “cái quê” của nông thôn Việt Nam. Dưới ngòi bút của nhà nho, cuộc sống sau lũy tre xanh không thơ mộng, đẹp đẽ như thường thấy mà tăm tối, cơ cực bao trùm lên số phận người nông dân tội nghiệp.

 

Trong Việc làng, Ngô Tất Tố tái hiện bức tranh toàn cảnh của nông thôn miền Bắc với sự ngổn ngang, bộn bề, mục ruỗng, ấu trĩ. Hơn hết, đó là tiếng kêu cứu về nỗi thống khổ của người dân quê bởi những lề thói, hủ tục lạc hậu… do chế độ phong kiến, thực dân đang lợi dụng hoành hành. Vì vậy, các hủ tục ở nông thôn Việt Nam là một tai họa đối với nông dân.

 

Với cái nhìn tiến bộ, thông qua việc miêu tả các hủ tục, Ngô Tất Tố vẽ lên được cuộc sống khốn khổ, lạc hậu của người nông dân và âm mưu của bọn cường hào địa chủ lợi dụng hủ tục để áp bức, bóc lột nông dân. Tác giả vạch ra cho ta thấy nguyên nhân của việc các hủ tục ở nông thôn được duy trì từ đời này sang đời khác. Dưới chế độ thực dân phong kiến, nguyên nhân của những tệ nạn, hủ tục đó là thói háo danh và sự dốt nát của nông dân. Hơn nữa, chính bọn địa chủ, cường hào là kẻ đại diện trực tiếp tiếp tay cho chế độ thực dân phong kiến ở nông thôn.

 

Thâm nhập và gắn bó với người dân, Tam Lang đã thành công khi viết về cuộc sống đời thường, đặc biệt là đời sống cơ cực và mệt mỏi ở chốn thị thành. Ngô Tất Tố là nhà nho nghiêng về những lễ giáo. Những hủ tục, lệ làng tường tận đến từng chi tiết đi vào trang viết của ông hết sức đa dạng. Hai cây bút khám phá, khai thác hai mảng đề tài thành thị và nông thôn riêng biệt, nhưng trong cùng một hoàn cảnh xã hội, một giai đoạn (1932-1945). Sự đan xen đó bổ sung, hoàn thiện bức tranh toàn cảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Đó là một xã hội áp bức, bất công, quyền lực và đồng tiền là sức mạnh vạn năng làm băng hoại đạo đức xã hội, làm thay đổi lương tâm con người. Từ thực trạng ấy, từ thái độ, trách nhiệm và tấm lòng của người cầm bút, các tác giả đã lên án, phê phán, tố cáo tội ác của kẻ có tiền, có quyền, áp bức bóc lột người dân vô tội vạ. Đồng thời các nhà văn - nhà báo thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với nạn nhân của chế độ xã hội, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp cải tạo dù còn rất mờ nhạt. Có thể nói, dưới ngòi bút sắc nhọn của Tam Lang và Ngô Tất Tố, từng mảng đời sống cứ hiện dần lên trên từng trang viết hợp thành một bức tranh rộng lớn, phong phú và đậm nét của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

 

TRẦN THỊ HỒNG UYÊN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek