“Chắp cánh ước mơ” là tên gọi 3 cuộc triển lãm vào các năm 2011, 2012 và 2013 dành cho các em khuyết tật của Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập (HTPTHN) Phú Yên. Người đã dành quỹ thời gian quý giá của mình tham gia làm giáo viên hướng dẫn tình nguyện các em 4 năm qua, tạo ra những tác phẩm đẹp cho những cuộc triển lãm là họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng.
NGƯỜI THẦY TẬN TÂM CỦA TRẺ KHUYẾT TẬT
Lúc sinh thời, họa sĩ Lê Đức Thắng được nghe kể về chương trình vẽ do một tổ chức phi chính phủ đang triển khai dành cho các em khuyết tật ở Trung tâm HTPTHN Phú Yên. Và ngay khi tổ chức này ngưng chương trình hoạt động ở Trung tâm HTPTHN Phú Yên vào năm 2011, anh đã hợp tác với Công ty Mỹ thuật - Thương mại và Du lịch Nhân Việt thực hiện chương trình dạy vẽ cho các em với ý tưởng hoàn toàn mới. Cũng trong năm đó, tổ chức Y tế Hà Lan - Việt Nam nhận thấy chương trình hội họa này mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho các em nên đã quyết định tài trợ kinh phí mua dụng cụ vẽ tranh và tổ chức những chuyến đi học thực tế ngoài trời.
Ban đầu dạy các em, họa sĩ Lê Đức Thắng gặp một số khó khăn về ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng với sự kiên trì, lòng nhiệt huyết, gần gũi chia sẻ của họa sĩ Thắng, những giờ học bắt đầu trở nên sôi động và hào hứng, luôn được các em mong đợi và đón chờ. Họa sĩ đã soạn lại những bài học từ cơ bản đến nâng cao để các em nắm bắt kiến thức về mỹ thuật. Họa sĩ Lê Đức Thắng từng nói: “Tạo hóa đã lấy đi của các em khả năng nghe, nói nhưng các em cảm thụ màu sắc và thể hiện màu sắc rất nhạy”. Các em đã không phụ lòng thầy khi vẽ những tác phẩm có bố cục và màu sắc hài hòa, hình họa và ý tưởng độc đáo. Tác phẩm của các em có hơi thở cuộc sống và chứa đầy tình cảm với những câu chuyện được kể về làng quê, gia đình và bạn bè. “Các em thực sự sống và thở trong thế giới của chính mình - thế giới không âm thanh nhưng đầy sắc màu”, đó là lời nhận xét của cô Trần Thị Tuyết Dương, Phó giám đốc Trung tâm HTPTHN Phú Yên, cũng là giáo viên phụ trách ngôn ngữ ký hiệu cùng làm việc với họa sĩ Thắng 4 năm qua trong chương trình mỹ thuật.
Dưới sự bảo trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cùng với sự tham gia của Báo Phú Yên, Trung tâm HTPTHN Phú Yên và Công ty Mỹ thuật - Thương mại và Du lịch Nhân Việt đã mở 3 cuộc triển lãm mang tên “Chắp cánh ước mơ” dành cho các em khuyết tật vào các năm 2011, 2012 và 2013. Những cuộc triển lãm này đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông trong tỉnh, đài truyền hình khu vực, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và những người yêu thích hội họa. Phát biểu tại cuộc triển lãm đầu tiên năm 2011, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt chia sẻ: “Thật xúc động khi xem tranh của các em! Các em đã gửi gắm những tâm tư tình cảm vào tranh. Màu sắc tươi vui và trong sáng thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống của các em”. Còn Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc, trong bài phát biểu tại triển lãm năm 2013, nhận xét: “Triển lãm “Chắp cánh ước mơ” thật sự đã chắp cánh cho mơ ước hội họa của các em, giúp các em vượt qua mặc cảm khuyết tật của chính mình”.
Một lượng không nhỏ tình nguyện viên và người nước ngoài đang làm việc tại Phú Yên cũng đến dự các triển lãm nói trên. Hầu hết họ đều đánh giá cao tính nghệ thuật trong tác phẩm của các em và mua tranh ủng hộ. Ông Micheal Schnoor, tình nguyện viên người Úc, xúc động đến rơi lệ khi đứng chụp hình chung với em Nguyễn Thị Điều - tác giả của tác phẩm mà ông chọn mua. Ông Micheal Schnoor chia sẻ: “Dù tôi không thể giao tiếp được với các em nhưng tác phẩm hội họa của các em đã chạm được vào trái tim tôi”.
Vượt ngoài khuôn khổ cuộc triển lãm, tranh của các em đã được bán ra nước ngoài, đến những người yêu hội họa và có tấm lòng dành cho trẻ khuyết tật. Toàn bộ số tiền bán tranh trưng bày trong các cuộc triển lãm được chuyển trực tiếp về Trung tâm HTPTHN Phú Yên để sử dụng vào các chương trình dinh dưỡng và hoạt động vui chơi cho các em.
ĐAM MÊ DẠY TRẺ VỀ TRANH KHẮC
Trong 4 năm gắn bó với chương trình vẽ, họa sĩ Lê Đức Thắng đã cho các em thử nghiệm sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau và phát hiện ra các em thật sự có những đôi tay khéo léo, thích ứng với dòng tranh khắc gỗ. May sao, đây cũng là thế mạnh của hoạ sĩ Lê Đức Thắng. Một năm, cả thầy và trò cùng nhau phát thảo, in trên gỗ và khắc thành tranh. Thời gian đầu triển khai chương trình này, một số thầy cô trong Trung tâm HTPTHN Phú Yên lo ngại các em không làm được.
Nhưng họa sĩ Thắng vẫn kiên trì dạy bởi theo anh, các em khuyết tật câm điếc có sự tập trung cao độ vì không bị chi phối bởi âm thanh. Tranh khắc gỗ nhất định sẽ phù hợp với các em.
Và kết quả thật đáng ngạc nhiên khi tác phẩm khắc gỗ của các em dần ra đời với những nét khắc không kém phần chuyên nghiệp. Triển lãm năm 2013, dòng tranh khắc gỗ của các em được mọi người đánh giá cao về chất lượng và mỹ thuật. Cô Tayuka (quốc tịch Nhật Bản) đã mua rất nhiều tranh khắc gỗ gửi làm quà cho bạn bè và gia đình ở một số nơi trên thế giới, nhận xét: “Tranh của các em rất ấn tượng. Đó là những món quà có giá trị về nghệ thuật và nhân bản”. Cô Ivy Durslag thì nói: “Tranh khắc gỗ của các em gần giống với tranh dân gian Việt Nam mà tôi đã đọc trên một số sách báo. Nhưng tranh của các em có nét ngây thơ, trong trẻo vì các em có cái nhìn hồn nhiên về cuộc sống”.
Sau thành công của cuộc triển lãm này, họa sĩ Lê Đức Thắng luôn nung nấu ý tưởng cho các em làm tranh khắc gỗ về phong cảnh Phú Yên. Trước là để quảng bá quê hương, bán dưới dạng sản phẩm du lịch, sau là bồi dưỡng cho các em tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương. Anh cũng đôi lần mơ ước xây dựng một xưởng mỹ nghệ để các em thực hành chuyên sâu về dòng tranh khắc và các sản phẩm khác nhau trên nền tảng tranh khắc. Anh từng chia sẻ rằng hy vọng một mạnh thường quân nào đó sẽ đầu tư vì làm được một phân xưởng như thế, tốn không ít tiền…
Hơn ai hết, họa sĩ Lê Đức Thắng luôn là người trăn trở về việc tìm đầu ra cho tác phẩm hội họa của các em khuyết tật ở Trung tâm HTPTHN Phú Yên. Anh cũng mong sao có một cơ sở mỹ nghệ tiếp tục nhận các em sau khi tốt nghiệp hết cấp 1 ở Trung tâm HTPTHN Phú Yên vào đào tạo nghề chuyên sâu để các em có nghề nghiệp ổn định. Anh cũng không ít lần mơ ước về một khu trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ gắn liền với du lịch do chính các em làm và bán sản phẩm của mình. Vì vậy, họa sĩ Lê Đức Thắng đã vui mừng thật sự và chờ đợi để góp sức mình khi khu dịch vụ ăn uống và gian hàng trưng bày tranh của các em ở Trung tâm HTPTHN Phú Yên sẽ sớm được hoàn thành (chương trình này do tổ chức Y tế Hà Lan - Việt Nam vận động quyên góp năm 2014). Anh từng xúc động chia sẻ: “Vậy là các em đã có một khu trưng bày những sản phẩm do chính các em làm ra. Trong năm học tới, tôi sẽ tìm một số chất liệu cho các em thử nghiệm làm hàng mỹ nghệ để trưng bày thêm và nếu đạt chất lượng, các em có thể bán các sản phẩm đến khách du lịch và cộng đồng địa phương”.
Thế nhưng, những mơ ước và dự định đầy tâm huyết của họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng dành cho các em đã phải dừng lại vì anh đã mãi mãi ra đi sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh. Em Nguyễn Ngọc Thọ, cựu học sinh của Trung tâm HTPTHN Phú Yên, không giấu được vẻ đau buồn khi nhớ về thầy Lê Đức Thắng. Em nói: “Em sẽ luôn nhớ thầy và những giờ học với thầy. Thầy Lê Đức Thắng luôn tận tâm chỉ dạy, khơi dậy và chắp cánh ước mơ hội họa cho chúng em!” .
(Tưởng nhớ nhà báo, họa sĩ Lê Đức Thắng)
HẠNH NGUYÊN