Thứ Sáu, 04/10/2024 14:35 CH
Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Nên khiêm nhường để tiến xa hơn"
Thứ Tư, 25/04/2007 13:25 CH

“Thơ là tiếng nói của tình cảm, đến năm 50 tuổi tôi vẫn tin là  như thế. Nhưng đến ngoài 60 tuổi tôi lại thấy rằng nói như vậy đúng nhưng không đủ… Gần đây tôi nghĩ thơ là những kinh nghiệm sống và được thu nhận bằng kênh của tình cảm…” Nhà thơ của “Anh đứng trên cầu đợi em” bắt đầu câu chuyện như thế.

 

070425- VQP noi chuyen.jpg

"Tôi chỉ nói chuyện về thơ của mình khi có độc giả thật sự yêu cầu"

Đặt cốc trà còn nghi ngút khói, ông hồi tưởng lại con đường đến với thơ: “Ngày tôi học cấp hai tôi may mắn được học thầy Nguyễn Xuân Huy là một giáo viên dạy văn rất hay. Có thể nói, thầy là người đầu tiên truyền cảm hứng văn thơ vào tôi. Đó là những ngày mà tôi không thể nào quên, cho đến năm tôi lên cấp ba thì có thầy Nguyễn Tường Phượng, Đình Phong, Đoàn Nồng và thầy Đoái Xuân Minh, Bạch Năng Thi. Có thể nói các thầy đã là cầu nối để tôi đến với thơ ca. Vì từ những bài giảng của thầy mà tôi học được cái mạch lạc khi viết văn, làm thơ sau này”.

 

CẢM PHỤC LỚP ĐÀN ANH...

 

Xuân Diệu, từng là Chủ tịch Hội đồng thơ, với cương vị của ông bây giờ, ông có đánh giá gì về thơ của nhà thơ lớn đó, thưa ông?

 

Tôi cảm phục Xuân Diệu, ông đã lao động cật lực, ông chưa bao giờ tự cho mình nghỉ ngơi, nếu không làm thơ thì ông dịch không dịch thì ông đọc. Về quan điểm thơ của Xuân Diệu chân chân chân thật thật thật. Chân thật đã đủ cho thơ chưa?

 

Vậy quan niệm của ông về thơ?

 

Một bài thơ hay, nó cho mình kinh nghiệm sống, ở hai khía cạnh, để có thể trả lời hai câu hỏi này. Một là, cuộc sống mà bài thơ phản ánh là như thế nào, cuộc đời lúc đó tốt hay xấu, tốt ở mức độ nào, xấu ở mức độ nào?

 

Tức là nó phản ánh cuộc đời. Và thứ hai là: Trong cuộc đời như thế, tôi nên sống như thế nào là phải. Chửi bới, đập phá cuộc đời, hay là tôi nên thích ứng với nó? Trả lời được hai câu hỏi ấy là tôi có được kinh nghiệm.

 

Tôi cho đó là loại thơ đáng đọc. Còn hay đến mức độ nào nó lại phụ thộc vào yếu tố thứ ba nữa là nó được thể hiện ở mức cảm xúc như thế nào.

 

Đã có ý kiến cho rằng “có loại thơ chủ trương loại trừ tình cảm”, ông nghĩ thế nào về ý kiến  này?

Tôi nhớ có lần anh Việt Phương nói: "Thơ của chúng ta có một nhược điểm là sa vào vũng bùn tình cảm quá lâu".

 

Hồi đó tôi cứ thấy ngờ ngợ mãi, không hiểu...

 

Nhưng gần đây tôi thấy thơ hậu hiện đại chủ trương là trong thơ không được đưa vào tình cảm. Tuy tôi không tin.

 

Theo tôi thì, thơ là những kinh nghiệm sống được truyền qua tình cảm. Tôi thấy tình cảm nó là cái phương tiện cần để người ta thấm vào ý tưởng của thơ.

 

Thế nên khi anh Việt Phương nói rằng, thơ ta có nhược điểm là sa  lầy vào tình cảm quá lâu, chắc là muốn nói tính Trí tuệ, tính Tư tưởng còn thấp so với thơ nhân loại. Thơ tình cảm kể chuyện thì hay giãi bầy, hay kể chuyện.

 

"TÔI VUI VÌ... ĐỢI"

 

Người ta biết đến ông với rất nhiều bài thơ hay, nhưng có lẽ "Đợi" vẫn là bài được nhắc đến nhiều nhất. Vậy thưa ông, "Đợi" ra đời trong hoàn cảnh nào?

 

Tôi nhận nhiều câu hỏi như thế. Tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì mình có một bài thơ "Đợi" được nhiều người biết đến. Buồn vì tôi còn rất nhiều bài thơ hay nhưng độc giả lại biết mỗi “Đợi” thôi là sao!? (Cười).

Đó là sản phẩm của hai nguồn. Một nguồn của riêng mình và một nguồn của đất nước. 21 năm trời bị chia cắt. Đợi là cả một phạm trù thời gian, thời gian làm biến đổi mọi thứ: nước chảy, mặt trời lặn, mọc nhưng trái tim người chờ đợi thì không được phép biến đổi. Cái trái tim không biến đổi ấy ngâm trong dòng chảy của thời gian biến đổi? 

Bài thơ nó cân lại cái bi kịch của con người đó là nỗi lòng của bao nhiêu người bị mất mát, bài thơ nó là tổng hợp của các yếu tố như vậy.

 

“Đợi” có phải là sáng tác tâm đắc nhất  trong cuộc đời làm thơ của ông không?

 

Tâm đắc thì hơi khó vì mỗi tác phẩm nó đều có cái riêng của nó.

 

Ông là người nói chuyện thơ xếp vào hạng “top” ở Việt Nam bây giờ, nhưng hình như ông chưa bao giờ nói về thơ của mình?

 

Đúng thế, tôi ít nói về thơ của mình tôi thường nói về thơ của các bậc đàn anh, bạn bè, trừ khi họ yêu cầu thì tôi mới nói thơ tôi.  

 

ẤN TƯỢNG NHẤT: CHẾ LAN VIÊN!

 

Xin được nói thẳng, người ta thường bảo nhà thơ nhà văn ít phục nhau lắm, vậy với ông nhà thơ nào để lại ấn tượng nhiều nhất?

 

Chế Lan Viên! Cái phương pháp luận, phương pháp làm thơ, phương pháp tư duy thì tôi phải nói nhiều đến Chế Lan Viên.

 

Đợi - Thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG

 

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Ðợi em. Em đến ? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

Anh đứng trên cầu đợi em
Ðứng một ngày đất lạ thành quen
Ðứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em!

Còn tác phong sống của một người thi sĩ trước cuộc đời thì tôi suy nghĩ nhiều đến anh Xuân Diệu. Xuân Diệu là người hay nói chuyện đời lắm.

 

Với các nhà thơ nữ cùng thời thì sao?

 

Trước đây ấy mà, tôi với anh Bằng Việt và chị Xuân Quỳnh là một nhóm chơi với nhau, khi ấy chúng tôi đều 24-25 tuổi. 10 năm chơi với nhau khá thân.  Sau này lớn lên rồi mỗi người có một cái lo toan riêng. Anh Bằng Việt anh ấy có thể đọc thơ Nga, và qua tiếng Nga anh ấy tiếp cận với thơ thế giới. Anh ấy là người khá uyên bác. Chị Xuân Quỳnh là người rất bản năng.

 

Như ông nói Xuân Quỳnh rất bản năng vậy ông đánh giá thế nào về thơ Xuân Quỳnh?

 

Cái mạnh của Xuân Quỳnh chính là cứ bản năng mà trí tuệ, trí tuệ bằng tứ.

 

Xuân Quỳnh giỏi cấu tứ. Tức là tả một cái hiện thực nào đấy, để khái quát lên. Thí dụ như Hồ Xuân Hương chẳng hạn. Hồ Xuân Hương tả cái bánh trôi, đó là tả cái hiện thực; “bánh trôi” là cái tứ để nói cái thân phận người phụ nữ “Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Thơ Xuân Quỳnh là như vậy, nói việc này để đúng ở việc khác.

 

Cấu tứ của Xuân Quỳnh có đặc điểm là, dựa trên chất liệu của đời sống hàng ngày.

 

Có những người cũng có cấu tứ rất hay, gọi là tứ tư biện. Thí dụ như thế này, chẳng hạn: Có người đã dùng tứ, “Con chim vô tình đánh rơi cái hạt cây vào đất. Thế rồi đất phải xé rách mình ra để cho cái hạt cây nảy mầm, đất chịu nung nóng mình trong mùa khô hạn, đất lại chịu dày xéo trong mùa lụt lội…để cái cây phát triển lên…Thôi đừng hỏi là cái vì sao cái cây này lớn lên, con chim thì đã bay đi xa rồi…” Đấy là tứ tự biện. Nó khô.

 

Xuân Quỳnh thì khác. Chị cấu tứ đơn giãn lắm. Đơn giãn thế này thôi: "Sao không cài khuy áo lại anh/Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét..."

 

CÁC NHÀ THƠ TRẺ HỌ THÍCH GÂY CHÚ Ý

 

070425- Vu Quan Phuong.jpg

Nhà thơ Vũ Quần Phương một lần đến Roma - Italia

Quan điểm của ông như thế nào trước thực trạng có một số nhà thơ trẻ hiện nay thường cố tình bóp nặn câu chữ của mình cho nó khác đi, làm cho nó trái khoáy, mù mờ khó hiểu theo cái kiểu “đem tiếng Việt ra mà hành hạ” như một vài ý kiến nhận xét của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình gần đây?

 

Đây chẳng qua chỉ là sự bất lực mà thôi. Như vậy thì khổ lắm chứ có sung sướng gì đâu.

 

Đại ý thế này: Tôi muốn người ta nhìn tôi, nhưng không ai chịu nhìn. Thế  thì, một là tôi phải hét toáng lên, hai là tôi phải làm một cái gì đó khác thường, để buộc người ta chú ý. Chẳng hạn, trong đời sống hàng ngày "Bàn tay 6 ngón, lợn 5 chân" thì mới gây sự chú ý cho người khác được chứ. Cái cách gây sự chú ý ấy có thể gọi đó là một sự nôn nóng nổi tiếng.

 

Đó là một thực tế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, gần đây, một số những người trẻ có thể viết được một vài bài thơ, một truyện ngắn hay, rồi đôi khi "hoắng" lên, nghĩ mình đã là ông này bà nọ, rồi "nhảy tót" lên văn đàn. Ý kiến của ông về chuyện này như thế nào?

 

"Hoắng" lên là bệnh của những người trẻ. Trẻ thì thường hay "hoắng", có lẽ là ai cũng từng bị cái "bệnh hoắng" đó, tôi cũng đã từng bị.

 

Thế nên, tôi không phê phán ai cả, mà tôi thông cảm cho cái sự "hoắng" ấy. Nhưng cái tệ bây giờ là rất nhiều người lớn tuổi lại tạo điều kiện cho người ta "hoắng" thêm lên.

 

Mấy ông này tôi tạm gọi là loại “Xui trẻ ăn cứt gà”. (cười). Trước mắt anh, anh để cho nó "hoắng" lên thì  nó tưởng anh như là đồng tình với nó, nó sướng. Nhưng về lâu dài, thành ra anh đã hại nó. Nếu là con cháu anh, chắc anh không để nó "hoắng" lên đâu, mà anh sẽ dạy nó, bảo nó biết khiêm nhường để mà tiến xa hơn.

 

Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!

 

Theo Lê Thanh –VTC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ ơn Quốc Tổ Hùng Vương
Thứ Năm, 26/04/2007 14:00 CH
Có một lễ Giỗ Tổ ở Phú Yên
Thứ Năm, 26/04/2007 07:00 SA
Gia vị trong phong cách ẩm thực Việt Nam
Chủ Nhật, 22/04/2007 15:56 CH
Ai lên sàn giao dịch bản quyền?
Thứ Bảy, 21/04/2007 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek