Thứ Năm, 10/10/2024 10:30 SA
Nhà báo Lưu Quang Định: Không có báo lớn, báo nhỏ
Thứ Tư, 05/02/2014 07:10 SA

Không nối nghiệp người cha tài hoa Lưu Quang Thuận và người anh lừng danh Lưu Quang Vũ song nhà báo Lưu Quang Định cũng chẳng thể tách mình khỏi mối duyên cầm bút. Từng làm Tổng Thư ký tòa soạn Báo Lao Động, hiện là Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay, nhà báo kỳ cựu này thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của ông về nghề và về người anh tài hoa bạc mệnh.

HÃY LÀM VIỆC CHUYÊN NGHIỆP VÀ TÂM HUYẾT

Nha-bao-Dinh.jpg

Nhà báo Lưu Quang Định - Ảnh: MINH NGUYỆT

* Khi một ngày mới bắt đầu, ngoài báo nhà, ông còn đọc những tờ báo nào khác?

- Tôi thường đọc các nhật báo khác như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Thể thao & Văn hóa.

* Theo ông, người đọc tìm thấy điều gì từ những tờ báo có lượng phát hành lớn ở Việt Nam hiện nay?

- Thứ nhất là thông tin, mặc dù có báo điện tử song thông tin trên báo giấy vẫn có ưu thế riêng với những phân tích sâu hơn. Và có lẽ do thói quen của một người nhiều năm làm báo giấy, tôi thích đọc báo giấy, vừa thu thập thông tin vừa xem các đồng nghiệp “đối thủ” của mình làm nghề như thế nào, mình thua kém những gì…

* Có những ý kiến chia báo chí thành 2 loại: chính thống và không chính thống, lại có ý kiến phân biệt báo lớn và báo nhỏ, riêng tôi nghĩ rằng chỉ có những tờ báo chuyên nghiệp hoặc chưa chuyên nghiệp mà thôi. Là một nhà báo kỳ cựu với nhiều trải nghiệm, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi vẫn thường nói với các phóng viên, các đồng nghiệp rằng: Không có tờ báo lớn và cũng không có tờ báo nhỏ, chỉ có chúng ta có nhỏ hay không mà thôi. Một tờ báo có thể vị thế không bằng tờ này tờ khác, lượng phát hành và nguồn thu quảng cáo có thể không cao bằng họ, nhưng nếu cố gắng hết sức, làm việc rất chuyên nghiệp và đầy tâm huyết thì chúng ta vẫn có thể làm được những tác phẩm lớn.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC RẤT QUAN TRỌNG

* Tình trạng “chảy máu chất xám” hầu như ở đâu cũng có, các cơ quan báo chí cũng vậy. Những nhà báo giỏi thường bị hút về các tờ báo chuyên nghiệp, và họ góp phần làm cho tờ báo ấy càng chuyên nghiệp hơn, được người đọc quan tâm nhiều hơn. Trong khi đó, những tờ báo chưa mạnh lại bị “chảy máu chất xám” nên càng ít sức hút. Phải chăng thu nhập chính là nguyên nhân của sự ra đi này, thưa ông?

- Tôi nghĩ thu nhập là yếu tố rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Việc các nhà báo giỏi ra đi, bên cạnh yếu tố thu nhập thì còn nhiều yếu tố khác, ví dụ như môi trường làm việc: Nơi đó phóng viên có được tôn trọng không, quan điểm của tờ báo đó có làm cho phóng viên thích không, và cả sự quan tâm, đối xử với nhau nữa. Tôi nghĩ chuyện “đến” và “đi” cũng hết sức bình thường. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp rằng bất cứ ai muốn ra đi thì tôi, với tư cách tổng biên tập, bao giờ cũng đồng ý. Một số tờ báo tìm cách giữ người của họ, còn Báo Nông thôn Ngày nay thì khác. Nhưng lãnh đạo tờ báo phải xem lại mình: Chúng ta đối xử với phóng viên như thế nào, đã quan tâm đến phóng viên chưa, tạo điều kiện để họ phát triển và đời sống của họ được bảo đảm chưa?… Chứ còn để đến lúc họ muốn ra đi rồi thì mình không níu kéo.

* Hiện nay, cũng như nhiều báo mạng, một số tờ báo in chuyên khai thác những thông tin nóng, có tính “va chạm” nhiều, cả những chuyện giật gân để câu khách và bị coi là báo “lá cải”. Ông nói gì về điều đó?

- Nói chung tôi không thích từ “lá cải”. Làm báo, suy cho cùng là đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Những người làm báo phải nghĩ cách thu hút bạn đọc và đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Nếu chúng ta làm một tờ báo “cao đạo” nhưng không ai đọc thì cũng chẳng để làm gì.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng gần đây báo chí cũng góp phần làm cho thị hiếu của xã hội ngày càng đi xuống. Đôi khi, báo chí khai thác quá mức cần thiết những điều mà bạn đọc thích, điều đó cũng không nên. Hiện nay, làng báo gặp những vấn đề rất khó khăn, phải cân bằng như thế nào để thu hút bạn đọc nhưng cũng không chạy theo thị hiếu tầm thường, để không phát ngượng vì những bài báo của mình. Đó là cuộc đấu tranh trong mỗi tòa soạn, mỗi ban biên tập và mỗi phóng viên.

Phong-vien-tac-nghiep-2.jpg

Phóng viên tác nghiệp - Ảnh: MINH CHÂU

TÌNH YÊU DÀNH CHO SÂN KHẤU VẪN CÒN ĐÓ

* Trong tháng 8 vừa qua, nhiều hoạt động được tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà viết kịch - nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Đặc biệt, Đêm kịch Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức thu hút rất đông khán giả, cho thấy tình cảm mà công chúng dành cho nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông nhớ nhất điều gì ở người anh lừng danh của mình?

- Điều tôi nhớ nhất là anh ấy đã làm việc hết mình. Trong vòng 2-3 năm cuối của cuộc đời, anh ấy viết mấy chục vở kịch, viết như lên đồng. Cùng một lúc, anh ấy viết 7, 8 kịch bản khác nhau và được các đoàn chờ đón. Nhiều người không hiểu tại sao anh ấy có khả năng lao động đáng kinh ngạc như thế. Có người bảo hay là anh ấy biết rằng trời sẽ không cho mình lâu nên đã vắt kiệt sức mình trong một thời gian ngắn và cho ra đời nhiều tác phẩm lớn.

* Ông có xem Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt… mà Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại và biểu diễn trong những Đêm kịch Lưu Quang Vũ?

- Có chứ. Vừa rồi Hội Nghệ sĩ sân khấu và các đoàn tổ chức Festival kịch Lưu Quang Vũ, biểu diễn 14 đến 15 vở khác nhau với nhiều thể loại: kịch nói, chèo, cải lương, ca kịch Huế, kịch hình thể… Mọi người ngỡ ngàng vì đã 25 trôi qua kể từ ngày anh Vũ chị Quỳnh qua đời, song những gì anh Vũ đề cập, tâm huyết và khán giả cách đây hơn 25 năm tâm huyết, thì đến bây giờ vẫn chưa lạc hậu. Điều ngạc nhiên nữa là khán giả đến xem rất đông, không như hình ảnh thường thấy ở các sân khấu phía Bắc. Nhiều vở diễn, khán giả phải đứng hoặc mang cả ghế đến xem. Theo tôi, đấy vừa là niềm vui, vì tình yêu dành cho sân khấu, cho nghệ thuật vẫn còn đó, song cũng là một điều buồn bởi sau ngần ấy năm vẫn chưa có những vở diễn chinh phục người xem như thế, chưa có một tác giả nói đúng những vấn đề của xã hội và được người ta tin yêu như thế.

Những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu nói rằng khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại, đến nay vẫn chưa có ai khỏa lấp được.

* Thưa ông, điều gì đã đưa em trai của Lưu Quang Vũ trở thành nhà báo chứ không phải là nhà viết kịch như người anh tài ba và ông cụ thân sinh?

- Lúc bé, tôi rất thích làm diễn viên, đạo diễn; lớn lên tôi thích viết văn làm thơ. Tuy nhiên thích là một chuyện. Có lẽ trong một gia đình dòng họ, không nhiều người có được khả năng thiên phú. Tôi làm báo thì cũng là nghề viết lách. Tuy không làm văn nghệ nhưng tôi rất yêu văn nghệ, yêu cái đẹp.

* Xin cảm ơn ông!  

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lạc Cầm Mác Tuyên
Thứ Tư, 05/02/2014 19:00 CH
Mùa xuân trên cổ vật
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH
Viết cho thiếu nhi dễ mà khó!
Thứ Hai, 03/02/2014 19:00 CH
Ngựa trong nghệ thuật tạo hình
Thứ Hai, 03/02/2014 00:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek