Thứ Năm, 10/10/2024 10:19 SA
Mùa xuân trên cổ vật
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH

Mùa xuân không chỉ là khởi đầu của một năm mới mà còn là hình ảnh của bao ước vọng tốt đẹp. Vì thế mà hình ảnh mùa xuân được ghi lại khá nhiều trên đồ thủ công mỹ nghệ từ xưa tới nay, trong đó có cổ vật.

 

mua-xuan-tren-co-vat-1.jpg

Phong cảnh chùa Thiên Mụ trên một tủ gỗ.

Đối với triều Nguyễn (1802-1945), mùa xuân còn là buổi bình minh của một dòng họ, một triều đại, cảnh thái bình thịnh trị, nên hình ảnh mùa xuân còn lưu lại rất nhiều, nhất là trên đồ gỗ và đồ sứ cổ.

 

Trong trang trí nội thất xưa, dù là chốn hoàng cung hay nhà dân, đồ gỗ, đồ sứ là những thứ không thể thiếu. Vì vậy mà đến nay chúng ta còn giữ được những bức hoành phi cổ liên quan đến mùa xuân như Mãn Đường Xuân, Mai Phát Hoa...

 

Khác với người Trung Quốc xem mai, tùng, cúc là biểu trưng của mùa đông (Tuế hàn tam hữu: Ba người bạn của mùa đông giá rét), người Việt Nam xem mai là hình ảnh của mùa xuân, đứng đầu trong tứ thời: mai, sen, cúc, trúc và cũng đứng đầu trong tứ quý: mai, lan, cúc, trúc. Chính vì thế mà hình ảnh hoa mai được người thợ thủ công xưa trang trí rất nhiều trên các cổ vật như tam, ngũ, đèn thờ, khay, kỷ trà... với đồ án thường thấy là mai thọ (hoa mai và chữ “thọ”).

 

mua-xuan-tren-co-vat-2.jpg

Cận cảnh đồ án Mai hạc.

Đối với cổ vật dưới triều Nguyễn, hình ảnh mùa xuân trên cổ vật vô cùng phong phú với muôn loài thảo mộc, cầm thú, văn tự trong các đồ án trang trí. Năm 1813, đại thi hào Nguyễn Du được phong Cần chánh điện học sĩ và phụng mệnh vua Gia Long làm chánh sứ sang nhà Thanh. Trên đường về, ông ghé thăm một lò chế tác đồ sứ nổi tiếng lúc bấy giờ là lò Cảnh Đức Trấn. Biết ông văn hay chữ tốt, những người thợ thủ công xưa đã mời ông viết lên bộ đồ trà Mai Hạc 2 câu thơ Nôm: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Từ đó, đề tài này còn rất phổ biến trên nhiều đồ sứ khác như tô, chén uống trà... Gốc mai trong đồ án này được cách điệu như một chữ “nữ”, tượng trưng cho phái đẹp, trên tảng đá bên cội mai già là một chú hạc tượng trưng cho người quân tử. Người Trung Hoa còn có 2 câu chữ Hán trên đồ án trang trí này: “Hàn mai xuân tín đáo/ Tiên hạc tháo qui đầu”.

 

Một hình ảnh mùa xuân khác rất phổ biến trên đồ sứ cổ là đồ án mai thọ. Trong đồ án này, một cội mai già, cành hoa vươn cả không gian trang trí, thân mai là hai chữ “thọ” viết theo lối đại triện. Mai ở đây là cốt cách, là phẩm hạnh, là vẻ đẹp trường cửu, bất diệt. Đi cùng đồ án này thường có 2 câu đối: “Thiên hạ vô song phẩm/ Nhân gian đệ nhất chi (trong thiên hạ, phẩm chất hoa mai là vô song/ Trong cuộc đời, duy nhất đẹp chỉ có thể là một cành mai).

 

mua-xuan-tren-co-vat-3.jpg

Hình ảnh mùa xuân trên gốm Quảng Đức Phú Yên.

Hình ảnh hoa mai với mùa xuân phương Nam thường thấy qua mô típ trang trí biểu tượng về thời gian như tứ thời xuân, hạ, thu, đông với mai, sen, cúc, trúc thường xuất hiện trên đồ sứ do vua Khải Định ký kiểu năm Tân Dậu 1921, chuẩn bị lễ tứ tuần đại khánh của ông vào năm 1924. Hoa trong đồ án này là mai của mùa xuân tràn đầy nhựa sống, là sen của mùa hè rực rỡ, là cúc của mùa thu trang nghiêm, trầm tưởng, và khóm trúc trong mùa đông hoang lạnh nhưng kiêu sa.

 

Hoa lan không phải là hình ảnh của mùa xuân nhưng lại không thiếu trong các đồ án về mùa xuân trên cổ vật, đó là đồ án mai lan. Một nhánh mai gầy guộc, kiêu hãnh vươn cao mang vẻ đẹp quý phái bên cạnh một đóa lan mềm mại với vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ là hình ảnh dễ thấy trên nhiều đĩa trà. Bên cạnh phong cảnh mùa xuân với mai, lan là những câu thơ minh họa bằng chữ Hán, chữ Nôm: “Khả liễn xuân thiên vũ/ Vị khán lĩnh Nam chi” (Hãy nên khép cánh xuân thiên lại/ Để ngắm cành mai xứ Lĩnh Nam) hoặc: Thúy sắc du xuân noãn/ Kiên tâm nại tuế hàn...

 

Nhờ cổ vật mà ngày nay chúng ta cảm nhận được bóng dáng mùa xuân của ngày xưa. Nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TP Hồ Chí Minh cho biết: Quá trình tìm hiểu đồ sứ Việt Nam do triều Nguyễn đặt làm ở Trung Hoa từ thế kỷ XVIII về sau cho thấy, thời vua Lê chúa Trịnh ở Thăng Long có một hiệu đề rất đặc biệt là Khánh Xuân Thị Tả. Trong các hiệu đề Nội Phủ như Nội Phủ Thị Trung, Nội Phủ Thị Đông, Nội Phủ Thị Nam, Nội Phủ Thị Bắc... thì đặc biệt Thị Tả lại đề là Khánh Xuân. Khánh Xuân có nghĩa là mừng xuân, đây là một hiệu đề đặc biệt trên đồ sứ của kinh đô Thăng Long thời Lê Trịnh. Trang trí đề tài rồng, lân tượng trưng cho cảnh thái bình thịnh trị bấy giờ cũng rất phổ biến. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn thường lấy phong cảnh đất nước, nhất là vùng Thuận Quảng làm đề tài trang trí trên đồ sứ ký kiểu.

 

mua-xuan-tren-co-vat-4.jpg

Đồ án Nguyệt mai trên đĩa trà.

Qua 143 năm trị vì, các vua triều Nguyễn đã 20 lần cử sứ đoàn sang Trung Hoa đặt làm đồ sứ ký kiểu về dùng trong nội phủ. Tuy làm ở những lò ngự chế Trung Hoa nhưng từ kiểu dáng, men màu, đề tài trang trí đều theo đơn đặt hàng của triều Nguyễn, ghi dấu những sự kiện quan trọng của Việt Nam, nhất là hình ảnh mùa xuân phương Nam. Đồ sứ ký kiểu hiệu Tự Đức Tân Mùi là một ví dụ. Mùa xuân, thơ văn nói về mùa xuân trở thành đề tài không thể thiếu trên đồ sứ nói chung và đồ sứ ký kiểu nói riêng. Qua cảnh non nước thái bình thịnh trị, thiên nhiên hùng vĩ tràn đầy sức xuân, người xưa không chỉ ngợi ca mà còn nhắn gửi con cháu biết cùng nhau giữ gìn để mùa xuân mãi vĩnh hằng.

 

Bên cạnh những hình ảnh về mùa xuân, những con vật trong 12 con giáp cũng là chủ đề trang trí rất phổ biến trên cổ vật. Ví như cảnh mục đồng chăn dắt những con trâu béo mập trong khung cảnh chiều về với 2 câu thơ: Xuân du phương địa/ Đồng vịnh ca qui (Mùa xuân rong chơi ở những vùng cỏ hoa thơm ngát. Mục đồng ca hát trên đường về nhà sau một ngày chăn trâu). Đúng là cảnh thái bình thịnh vượng, an lạc vui tươi trên một đĩa trà xuân du phương địa.

 

Hay như năm Ngọ chúng ta thường thấy trên các loại độc bình, đồng âm với “bình” trong chữ an bình; hoặc yên ngựa đồng âm với “yên” (hoặc an). Do đó, hình ảnh “bình” và “yên ngựa” biểu ý cho sự “bình yên”. “Bình” và “yên ngựa” thường hay phối hợp với gậy “như ý” để biểu thị cho câu chúc “Bình yên như ý”.

 

Xin kết thúc bài viết này bằng hai câu cuối của một bài thơ rất nổi tiếng ca ngợi vẻ đẹp hoa mai trong một đêm trăng, đó là bài Nguyệt mai trang trí toàn bằng chữ theo lối thi trung hữu họa trên một đĩa trà cổ có men lam hồi. Quả là người xưa rất ưu ái, rất hiểu về hoa mai và mùa xuân nên xúc cảm mới dâng trào lúc thư nhàn nồng nàn thi hứng để cho ra đời một bài thơ hay, một đồ án đẹp cho hậu thế chiêm nghiệm:

 

“Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt

Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai xuân”

Ta yêu hoa mai và yêu trăng

Một nhành mai, một vầng trăng Nguyên tiêu là hai vẻ đẹp của mùa xuân.

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngựa trong nghệ thuật tạo hình
Thứ Hai, 03/02/2014 00:00 SA
Sống lại ông đồ xưa
Thứ Bảy, 01/02/2014 19:00 CH
Hát giữa Trường Sa
Thứ Bảy, 01/02/2014 11:00 SA
Phẩm chất doanh nhân
Thứ Sáu, 31/01/2014 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek