Thứ Năm, 10/10/2024 10:28 SA
Nhạc sĩ Trương Quang Lực:
Viết cho thiếu nhi dễ mà khó!
Thứ Hai, 03/02/2014 19:00 CH

Tiếp xúc với nhạc sĩ Trương Quang Lục, người ta rất dễ cảm tình bởi cách nói chuyện gần gũi và hóm hỉnh. Tác giả Vàm Cỏ Đông đã ngoài 80 nhưng còn khá nhanh nhẹn, ông vẫn tiếp tục tham gia các kỳ Liên hoan Búp sen hồng các nhà thiếu nhi khu vực phía Nam diễn ra hằng năm. Cuối năm, nhạc sĩ đã dành cho Báo Phú Yên một cuộc gặp gỡ, chuyện trò khá thú vị.

 

TQL5.jpg

Ảnh: HOÀNG NGỌC

Trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ người Quảng Ngãi đã có một số bài hát phổ biến như Chuyến tàu trăng, Đố cờ, Hoa bên suối. Sau ông tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam và học Đại học Bách khoa, tốt nghiệp về làm kỹ sư hóa chất ở Phú Thọ và tiếp tục viết nhạc. Nhiều ca khúc ông sáng tác trong thời kỳ này được công chúng yêu thích: Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè, Vàm Cỏ Đông, Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường… và một số bài hát thiếu nhi như Xia cá mè, Em yêu đàn gà xinh xinh… Sau khi thống nhất đất nước ông vào TP Hồ Chí Minh công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, tiếp tục sáng tác.

 

* Thưa nhạc sĩ, gắn bó với Báo Sài Gòn Giải Phóng từ thời gian đầu và biết tường tận về lần “ra mắt” ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao trên báo xuân Sài Gòn Giải Phóng năm 1976, ông nghĩ sao khi nhiều người bảo đây là tuyệt phẩm cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa?

 

- Tôi biết nhạc sĩ Văn Cao từ khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Khi đó tôi 24 tuổi, trẻ nhất hội, còn nhạc sĩ Văn Cao hơn tôi 10 tuổi. 34 tuổi chưa phải là già nhưng thành tích của nhạc sĩ Văn Cao quá dày, đã có nhiều sáng tác nổi tiếng kể cả Quốc ca. Cho nên, đứng bên cạnh ông thì tôi không tránh khỏi cảm giác hơi sợ. Tuy nhiên, nhạc sĩ rất bình dân, chan hòa.

 

Khi vào công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, mấy anh em đi đặt nhạc sĩ Văn Cao viết bài Mùa xuân đầu tiên kể tôi nghe về sự ra đời bài hát này. Tôi thấy rất hay nên tường thuật lại trên báo. Thời gian này tôi mới tiếp xúc nhiều hơn với nhạc sĩ Văn Cao, nghe ông kể những chi tiết nhiều người không biết về các tác phẩm như Thiên Thai, Tiếng quân ca, Suối mơ… Một nhạc sĩ viết hàng chục, hàng trăm bài cũng có bài hay, bài dở. Theo tôi, Mùa xuân đầu tiên so với những bài khác của nhạc sĩ Văn Cao như Sông Lô, Thiên thai, Suối mơ… thì dưới tầm.

 

* Nhắc đến nhạc sĩ Trương Quang Lục, người yêu nhạc lại nhớ ngay đến Chuyến tàu trăng, Hoa sen Tháp Mười..., đặc biệt là ca khúc Vàm Cỏ Đông nổi tiếng, do ông phổ thơ Hoài Vũ. Thưa nhạc sĩ, bài thơ này đã đến với ông như thế nào?

 

- Sau khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời, có phong trào nhạc sĩ đi về cơ sở sáng tác. Huy Tâm về vùng mỏ, Bùi Hiển lên sống ở nông thôn Thái Nguyên, Đỗ Minh (Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam) lên núi, còn tôi tự nguyện đi nhà máy Superphosphate Lâm Thao (Phú Thọ). Chính thời gian này tôi mới sáng tác những bài được quần chúng biết đến, nên nhiều khi tôi nghĩ nếu không có trải nghiệm ở nhà máy thì liệu có Vàm Cỏ Đông hay không.

 

Vàm Cỏ Đông ra đời có thể nói là sự may mắn, cũng có thể nói là tình cảm chân thật của 1 người miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày ấy, những địa danh từ vĩ tuyến 17 trở vào đối với chúng tôi đều là quê hương, không có sự phân biệt. Khi nghe được bài thơ của Hoài Vũ (đồng hương Quảng Ngãi) trên đài tôi thấy quá hay. Vàm Cỏ Đông có lẽ là bài tôi viết nhanh nhất, trong khoảng 1 giờ đồng hồ thôi.

 

Khi Vàm Cỏ Đông ra đời thì Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được rất nhiều thư yêu cầu từ khắp nơi, cả ngoài chiến trường xa. Riêng cá nhân tôi cũng nhận được một số thư của những người ở ven sông Vàm Cỏ Đông gửi ra, họ bảo đã nghe những bài đó khi chiến trường tạm yên tiếng súng. Sau có lần đi Tây Ninh (sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Tây Ninh và Long An), ghé Huyện ủy Dương Minh Châu, anh phó bí thư huyện ủy còn trẻ khi biết tôi là tác giả đã hát cho tôi nghe bài Vàm Cỏ Đông.

 

Giọng hát có chỗ sai, phô nhưng tôi rất xúc động, vì anh ấy chính là người du kích trong bài hát: Có anh du kích dũng cảm kiên cường/ Lẩn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông. Anh cho biết giữa 2 trận đánh, mở đài tình cờ nghe được và hát theo rồi thuộc.

 

* Không chỉ thành công với các ca khúc dành cho người lớn, ông còn viết cho thiếu nhi và bao năm qua, em nhỏ nào cũng thuộc làu bài hát Trái đất này là của chúng mình. Điều gì giúp ông tìm được cảm xúc trong trẻo để viết cho thiếu nhi những ca khúc thật hay, thưa nhạc sĩ?

 

- Thật ra ngay từ khi đặt bút sáng tác thì tôi đã viết về thiếu nhi. Sau khi Trái đất này là của chúng mình ra đời tôi thấy thiếu nhi hưởng ứng, nên tập trung lĩnh vực này. Nên mới có chuyện Ban tổ chức Liên hoan Búp sen hồng mời tôi tham dự, có 19 kỳ liên hoan thì tôi tham gia 18 lần.

 

Từ Búp sen hồng đầu tiên, tôi nhận thấy đây là sân chơi bổ ích, lý thú cho trẻ em nên đã viết 1 bài và tác phẩm đó được xem như bài khai mạc truyền thống. Khi viết, tôi nghĩ làm sao để các em tự hào mình là những búp sen hồng, những bông hoa đẹp của đất nước, mỗi lần về dự liên hoan là 1 lần trở về quê hương, trong bài hát có câu: “Bạn từ miền Đông hay từ miền Tây, bạn từ miền Nam hay thành phố Bác?... Bạn về nơi đây như về quê hương, bạn về nơi đây như về tổ ấm. Trong từng tia mắt nhìn ấm áp tình yêu thương, trong dòng lưu bút này tình bạn như suối nguồn…”. Tôi cố gắng đưa vào bài hát những kỷ niệm của tuổi học trò.

 

Bài Trái đất này là của chúng mình có xuất xứ khá đặc biệt. Năm 1979, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức cuộc vận động giới nhạc sĩ toàn thế giới sáng tác cho trẻ em về chủ đề hòa bình. Tôi hưởng ứng và phổ bài thơ của Đình Hải, là biên tập viên thơ văn của Nhà xuất bản Kim Đồng. Anh Đình Hải hưởng ứng cuộc thi này và được giải sáng tác. Cuộc thi tổ chức theo hình thức thi ca từ trước và thi âm nhạc sau. Thi ca từ thì có gần 400 bài tham dự nhưng chỉ 2 bài được chọn và cho đăng trên báo, yêu cầu các nhạc sĩ phổ theo. Vì vậy, đúng ra có hàng nghìn bài Trái đất này là của chúng mình chứ không phải mỗi bài của tôi, nhưng tôi may mắn lọt vào vòng cuối. Bây giờ tìm kiếm trên mạng thì sẽ thấy vài nước hát bài Trái đất này là của chúng mình, có cả người lớn lẫn trẻ em biểu diễn. Có lần, bang Yukon, Canada tổ chức đại hội các dân tộc và muốn chọn 1 bài hát chung cho tất cả các dân tộc tham gia. Trái đất này là của chúng mình nhờ có câu “Vàng, trắng, đen tuy khác màu da” - không phân biệt chủng tộc - nên được chọn. Trước khi diễn họ cử 1 Việt kiều về xin phép tôi và sau đó cảm ơn khá trang trọng.

 

Một chi tiết đáng nhớ nữa liên quan đến bài hát này là trong 1 diễn văn phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có câu, đại loại: Trên thế giới có rất nhiều dân tộc, có rất nhiều màu da, nhưng màu da nào cũng quý cũng thơm… đã được hội nghị vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Anh em xem truyền hình thấy vậy nên đùa bảo tôi phải đòi Thủ tướng trả tiền bản quyền. (Cười)

 

Tôi viết khoảng 450 ca khúc và hơn 2/3 trong số đó viết về thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi dễ mà khó. Dễ là bài hát ngắn gọn và không phức tạp, khó là phải hợp với ngôn ngữ và tâm sinh lý trẻ em. Nhiều sáng tác của tôi được các em nhanh chóng chấp nhận, nhưng cũng có những bài cứ lửng lơ rồi chìm vào lãng quên…

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc nhạc sĩ và gia đình năm mới sức khỏe và tiếp tục có những sáng tác thành công!

 

TQL1.jpg
TQL2.jpg
TQL3.jpg
TQL4.jpg

Ảnh: HOÀNG NGỌC

KHÁNH UYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mùa xuân trên cổ vật
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH
Ngựa trong nghệ thuật tạo hình
Thứ Hai, 03/02/2014 00:00 SA
“Gia đình tài tử” nơi phố núi
Chủ Nhật, 02/02/2014 19:00 CH
Người săn giải thưởng
Chủ Nhật, 02/02/2014 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek