Thứ Năm, 10/10/2024 08:19 SA
Xuân Giáp Ngọ nói chuyện ngựa trong tuồng
Thứ Tư, 05/02/2014 15:05 CH

Trong không khí đón tết mừng xuân Giáp Ngọ - 2014 với niềm tin và hy vọng “chú” ngựa thân thương đang được vinh danh trong 12 con giáp sẽ có những bước phi nước đại thành công ngoạn mục trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc vài nét về ngựa trong nghệ thuật tuồng.

xuan-giap-ngo-1.jpg
Phi nước đại. - Ảnh: Nghệ sĩ Nhân dân Đình Sanh

1- NGHỆ THUẬT TUỒNG

Khác với điện ảnh, sân khấu không cho phép đưa tất cả mọi vật dụng, phương tiện, cảnh quan... của đời thường lên sàn diễn. Mỗi loại hình sân khấu của dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, kịch hình thể...) đều có thế mạnh và những đặc trưng riêng, nhưng có điểm chung là tính cách điệu và ước lệ không thể thiếu.

Để sân khấu đạt kết quả cao nhất, chinh phục được nhiều người xem khi diễn tả một trận chiến giữa hai thế lực đối nghịch mà vũ khí và phương tiện phục vụ chiến đấu chỉ bằng đao kiếm, giáo mác và ngựa voi thì buộc phải xử lý bằng nghệ thuật cách điệu và ước lệ thật cao. Sân khấu tuồng đã làm được điều đó tốt nhất. Đây cũng chính là nét độc đáo để tuồng được tôn vinh là đàn anh của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Tuồng còn được gọi là Hát bộ - Hát bội, là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp của dân tộc được ra đời rất sớm... trong hoàn cảnh đất nước luôn phải đương đầu chống giặc ngoại xâm. Ngoài những chức năng, nhiệm vụ cần có, phải có như mọi loại hình sân khấu khác, tuồng có thế mạnh là biểu đạt chất bi - hùng - bi hùng kịch - chính kịch anh hùng ca hiệu quả nhất. Tuồng có khả năng chuyển tải được những tình huống kịch éo le, phức tạp và mất nhiều công sức mà nhiều loại hình sân khấu khác phải “ngả mũ chào... thua”.

Sẽ không quá lời khi nói rằng: Chỉ có sân khấu tuồng mới miêu tả đạt hiệu quả cao nhất về một trận thủy chiến giữa hai nhân vật đánh nhau quyết liệt trong môi trường phải bơi lội, ngụp lặn, dìm nhận nhau dưới nước. Càng không dễ gì để có được một chuỗi hành động tinh tế, công phu từ những động tác hình thể đến cải biến thái độ, tâm lý, tình cảm kết hợp với tiếng thét gào u uất, căm hận, tủi buồn hòa vào điệu hát bi ai nghe não lòng để khắc họa nỗi đau đến tận cùng của một nữ tướng tài hoa, xinh đẹp, trung thành, chân thật luôn khát vọng được làm người, được có tình yêu hạnh phúc lứa đôi nhưng chỉ vì một phút “nhẹ dạ cả tin” Hồ Nguyệt Cô đã trao ngọc quý cho kẻ lừa tình xảo trá gian manh để cuối cùng phải chuốc lấy một bi kịch biến mình từ người hóa cáo (!?).

Từ hoàn cảnh lịch sử ra đời đã nêu trên; từ quan sát thực tiễn cuộc sống cộng với tư duy sáng tạo và khổ luyện không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ sĩ tuồng đã tạo ra được một hệ thống vũ đạo, những trình thức biểu diễn cho sân khấu của mình đa dạng, sinh động, phong phú và độc đáo. Bởi lẽ đó, con ngựa đã “đi” vào nghệ thuật tuồng, gắn bó mật thiết với sân khấu tuồng như một tất yếu.

xuan-giap-ngo-2.jpg

Gò cương ngựa  - Ảnh: Nghệ sĩ Nhân dân Đình Sanh

2- NGỰA TRONG TUỒNG

Ngựa là loài động vật hiện diện trên khắp hành tinh, luôn gần gũi, gắn bó với con người từ trong lao động, chiến đấu và cả trong đời sống tâm linh. Ngựa là vật nuôi có công lao lớn nhất với con người trong nhiều lĩnh vực. Nó vừa là phương tiện đi lại tiện ích cho mọi tầng lớp trong xã hội; vừa là “cỗ máy” vận chuyển đa năng từ hàng hóa, quân lương, quân dụng, việc hỷ, việc tang và cả những cuộc vi hành của các bậc đế vương, tướng lĩnh. Trong lý số phương Đông, ngựa có mặt trong 12 con giáp (Tý - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi). Trước cửa ra vào của đình, đền linh thiêng, ta thấy ngựa có mặt trong dáng vẻ hiền hậu, khiêm nhường nhưng không mất đi tư thế của một “chiến binh” luôn sẵn sàng chờ lệnh xung trận. Ngựa còn là con vật có kỷ luật nhất; chung thủy với con người nhất. Và cũng là con vật biết đồng cảm, chia sẻ với “chủ” của mình, những buồn vui, hoạn nạn hơn hẳn nhiều động vật khác.

Nếu xưa kia Ngô Thừa Ân và La Quán Trung của Trung Quốc đã tạo ra được một bạch mã trung thành, tận tụy đưa Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh (Tây Du ký) và một ngựa Xích Thố giúp Quan Vân Trường tả xung hữu đột để phò Lưu Bị tranh giành “nghiệp bá” (Tam Quốc chí diễn nghĩa) thì từ ngàn xưa tổ tiên của nước Văn Lang chúng ta đã “bắt” sắt hóa ngựa thần cùng với Ông Gióng - người anh hùng huyền thoại của dân tộc tung hoành khắp cõi đánh tan lũ giặc Ân xâm lược. Sau đó, ngựa sắt lại đưa Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương bay về trời, thanh thản hòa vào vũ trụ bao la...

Ôi, còn gì đẹp hơn thế! Trên cả sự lãng mạn, đây là biểu tượng nhân văn cao cả, là bản sắc đặc biệt của dân tộc Việt - một dân tộc rất căm ghét chiến tranh, luôn khát vọng và quý trọng hòa bình!.

Ngựa được đưa vào sân khấu tuồng, từ tuồng đã khai thác một cách triệt để mọi khả năng, “tố chất” vốn có của nó để phục vụ cho mục đích của mình. Sân khấu không có ngựa thật của đời thường, người nghệ sĩ tuồng chỉ với một “cây roi cách điệu” trong tay (những mẩu vải được cột lại trong một đoạn song mây) và những động tác phối hợp giữa tay, chân, mắt, miệng sẽ cho khán giả biết được nhân vật kịch đang dắt ngựa, lên lưng ngựa và rong cương cho ngựa khởi hành, ngựa phi nước đại và phi nước kiệu; con ngựa họ đang xem là hiền hay dữ; người điều khiển nó đang trong trạng thái tâm lý ra sao, vui hay buồn, nhàn nhã rong chơi hay khẩn trương thần tốc; kẻ đang trên yên ngựa say hay tỉnh, chiến thắng hay thất trận, đang đi trên đường bằng phẳng hay đèo dốc cheo leo; người nữ tướng ấy đang phi ngựa bắn cung, còn kẻ chiến binh kia hăm hở giục “vó câu” xông lên giao đấu với kẻ thù.

Chưa hết. Bằng tài năng và lợi thế độc đáo của mình, các nghệ sĩ tuồng đã cho ngựa được tắm rửa, kỳ cọ, vỗ về, vuốt ve ngay trên sân khấu... Và người xem không khỏi hồi hộp, ngỡ ngàng và cảm phục khi thưởng thức một lớp diễn trước tình huống cả người lẫn ngựa lỡ sa vào một đầm lầy. Ở đây, người nghệ sĩ vừa là nhân vật chiến binh lại vừa là... ngựa, cả chiến binh và chiến mã đều phải vùng vẫy, vật vã để tìm cách thoát khỏi đầm lầy. Ở một vở diễn khác, nhân vật trong kịch là một người tử tế, nhưng vì để cứu nguy cho đồng đội đã buộc phải... bắt trộm ngựa giữa đêm khuya. Đây là một lớp diễn vô cùng khó khăn, phức tạp, người biểu diễn phải giới thiệu với khán giả về không gian, thời gian của kịch; đặc biệt phải chứng minh được sự khó khăn, vất vả, cam go lẫn tài năng mưu trí, kỹ xảo, kỹ năng của nhân vật để chinh phục được “chú” ngựa to, khỏe, có tốc độ phi thường nhưng cũng cực kỳ hung dữ, khó chấp nhận “hợp tác” với người không phải chủ của nó.

Với giới hạn của một bài viết, chúng tôi xin dừng lại ở đây, cầu mong sao nghệ thuật tuồng - vốn quý của dân tộc và con ngựa trong tuồng mãi mãi được đồng hành cùng khán giả; cầu mong các bạn trẻ sẽ có bước phi nước đại trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc!

PHẠM NGỌC SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek