Thứ Năm, 10/10/2024 08:26 SA
Tiếng hát ngày xuân trong khói lửa chiến tranh
Thứ Tư, 05/02/2014 15:00 CH

Ðể phục vụ kháng chiến, phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân vùng căn cứ cách mạng, trong những năm 60 của thế kỷ XX các đoàn văn công của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Phú Yên lần lượt ra đời. Từ những chiếc nôi nghệ thuật này, các thế hệ nghệ sĩ của Phú Yên đã tiếp nối nhau lên đường, bằng trái tim và bằng tài năng khối óc của mình làm nên những chiến công xuất sắc trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần làm nên chiến thắng 1/4 giải phóng tỉnh nhà và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

tieng-hat-ngay-xuan.jpg

Ông Bùi Thanh Tuấn kể chuyện truyền thống cho học sinh Trường THCS Lê Lợi  (TP Tuy Hòa) - Ảnh: MINH KÝ

“CÂY NHÀ, LÁ VƯỜN”

Năm 1959, sau khi Nghị quyết 15 của Đảng ra đời, Tỉnh ủy Phú Yên giao cho Ban Tuyên huấn tích cực xây dựng đoàn văn công, với phương châm “có ít làm ít, tích thiểu thành đa, cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn, có đất có dân là có văn nghệ; tiếng hát át tiếng bom”.

Khoảng tháng 6/1961, người đầu tiên biết sáng tác và hô bài chòi về cơ quan Tuyên huấn Tỉnh ủy là anh Long ở xã Hòa Tân (Tuy Hòa 1). Tháng 7/1961, hai người còn rất trẻ, có ngoại hình và chất giọng tương đối là cô Liên và cô Nghiệm từ Chí Thán (huyện Sơn Hòa) lên cứ. Lãnh đạo ban phân công anh Long tập cho hai cô này hát để sinh hoạt trong cơ quan và chuẩn bị việc thành lập đoàn văn công. Tiếp sau đó, cán bộ của ta vận động và đưa đội hát Tuồng của ông Chín Đạm (Nguyễn Trọng Kim) và bà Ơi ở Phú Nhiêu (xã Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa), cùng một số anh chị em khác là những người có năng khiếu văn nghệ ở các địa phương như anh Khiêm, anh Tất Đạt, Tám Cản, cô Nhạn, cô Nguyệt, cô Lan… lên cứ. Khoảng tháng 3/1962 tại khu rừng thuộc làng Ma Giá (giáp ranh giữa Phú Yên với Đắk Lắk), Tỉnh ủy quyết định thành lập Đoàn văn công Giải phóng (sau này là Đoàn văn công Tỉnh ủy) Phú Yên với khoảng trên 10 người, do ông Trương Bá Sám (Tư Hóc) ở bộ phận Ly - Tô chuyển sang làm chính trị viên; ông Nguyễn Phi Long làm trưởng đoàn (đồng đội quen gọi là Bầu Long và có câu ca dao rất vui “Trên đời em chẳng sợ ai; sợ trong Tư Hóc, sợ ngoài Bầu Long”. Trong là trong Đảng, ngoài là ngoài Đảng, Bầu Long lúc ấy chưa là đảng viên), ông Nguyễn Trọng Kim làm phó đoàn.

Năm 1969, anh Nguyễn Cao Cường, cựu sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu Trường Nghệ thuật Sân khấu, cán bộ của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội xung phong vào Nam chiến đấu ở chiến trường Phú Yên được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn văn công Tỉnh đội Phú Yên. Ông Bùi Thanh Tuấn (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Tuy Hòa), một trong những “con chim đầu đàn” của Đoàn văn công Tỉnh đội Phú Yên, có mặt từ lúc đoàn vừa thành lập, góp mặt ở nhiều tiết mục, vở diễn, vừa có thể hát đơn ca, song ca, song tấu, đóng kịch vừa có thể đàn nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhớ lại: “Khi ấy tôi là lính của Tiểu đoàn 85 Tỉnh đội Phú Yên. Phát hiện tôi biết đàn, hát bài chòi nên anh Cường đã chọn vào đoàn cùng với một số anh, chị, em khác như: Vũ Hoài, Minh Ngọc, Lê Xuân Nghĩa… Từ lực lượng ban đầu chỉ vài người biết văn nghệ và một vài cây đàn cò, măng đô lin, ghi ta thùng… Đoàn văn công Tỉnh đội từng bước trưởng thành, nhiều lần được các đồng chí Sáu Râu (Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên), Chín Cao (Nguyễn Duy Luân - Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội)… khen ngợi”.

“TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM”

Trong những năm tháng của khói lửa chiến tranh ác liệt nhưng các đoàn văn công của Tỉnh ủy, Tỉnh đội vẫn duy trì biểu diễn đều đặn. Tuy chỉ là những diễn viên được phát hiện, bồi dưỡng từ phong trào nhưng những tiết mục biểu diễn của các đoàn văn công là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, là ngọn gió tạo đà tung bay của những lá cờ chiến thắng sau mỗi trận đánh. Văn công theo chân bộ đội đi đánh giặc. Văn công cùng bộ đội về làng hát mừng chiến thắng, mừng Đảng, mừng xuân… Đặc biệt, trước và sau mỗi trận đánh lớn của bộ đội; trong các kỳ đại hội, hội nghị, các lớp chỉnh huấn… đều không thể thiếu lời ca tiếng hát, điệu múa của anh chị em văn công. Đến đâu cần là tất cả các nghệ sĩ cùng hòa mình, khẩn trương dựng sân khấu phục vụ bộ đội. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, tiếng hát vẫn át tiếng bom; những điệu múa, tiếng đàn vẫn tung cánh, vút bay lên, trải dài trên khắp chiến trường, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bộ đội. Ngược lại, chính lòng quyết tâm của bộ đội trong những trận đánh, lại trang bị thêm niềm đam mê nghệ thuật, làm cho tâm hồn của các nghệ sĩ phong phú hơn, mãnh liệt hơn qua những câu ca dung dị, mộc mạc do chính các nghệ sĩ sáng tác trên đường ra trận. Những làn điệu bài chòi đã đi vào “hang cùng ngõ hẻm” để phục vụ, động viên bộ đội và nhân dân đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, lôi cuốn nhiều ngụy quân, ngụy quyền về với cách mạng, với nhân dân. Những vở kịch dân ca bài chòi như: “Chiếc ảnh đánh rơi” (của Vũ Trung Uyên), “Chốt thép” (của Cao Cường)… và những ca khúc theo làn điệu bài chòi: “Đêm hành quân nhớ về quê mẹ”, “Gương người chiến sĩ công binh” (của Vũ Trung Uyên); “Tấm gương người trợ lý”, “Lê Kim Hùng” (của Lê Hữu Phước); “Gương chị Loan” (của Bùi Văn Thông); “Ngô Trọng Tía” (của Cao Cường)… đến nay vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên diễn viên Đoàn văn công Tỉnh ủy, trong chiến tranh có hai cách diễn: trực tiếp và gián tiếp. Diễn trực tiếp là biểu diễn trên sân khấu (có khi chỉ là trên mặt đất) có khán giả xem. Còn diễn gián tiếp là hát qua hệ thống tăng âm, như sóng phát thanh. Biểu diễn bên mâm pháo là hình ảnh đẹp nhất khi diễn viên vừa biểu diễn xong lại tiếp đạn cho các pháo thủ khi máy bay đến, rồi lại chăm sóc thương binh...

“ÐẢ ÐẢO THẰNG ÐẠI DIỆN!”

Một kỷ niệm trong những ngày gắn bó với ánh đèn sân khấu của Đoàn văn công Tỉnh đội trong kháng chiến chống Mỹ mà đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua, ông Bùi Thanh Tuấn vẫn không thể nào quên là khi biểu diễn vở kịch dân ca bài chòi Gia đình lại hợp (của Cao Cường) tại Hội trường Mùa Xuân (Sơn Định, Sơn Hòa). “Trong vở kịch ấy, tôi thủ vai Đại diện xã - một tên ngụy quyền ác ôn”, ông Tuấn nhớ lại. “Biết bà Bảy là phụ nữ góa chồng, có con trốn quân dịch, tên này đã mò đến nhà bà để “thả dê”, sàm sỡ, giở trò trăng hoa. Khi tôi đang diễn và hát (theo làn điệu Cổ bản): Bà Bảy! Vì tình cảm bà con trong nhà, nên hôm nay tôi mới sang qua gặp bà/ Vừa rồi có lệnh mật quốc gia/ Tăng cường bắt lính để mà đôn quân/ Đợt này đi được ở gần/ Đợt sau thì phải mang thân sang Lào/ Thằng Bốn con bà nó trốn được sao/ Đợt này, được tới, đợt nào lợi hơn/ Gì bằng con ở cạnh đồn/ Tình con nghĩa mẹ sớm hôm mặn nồng… Tôi nói vậy để bà suy nghĩ/ Hôm nào… he he he… tôi sẽ qua…. Trong lúc tôi đang nhập vai “dê” thì từ phía dưới hội trường có tiếng hô lớn: “Đả đảo thằng Đại diện! Đả đảo thằng Đại diện!”. Giật mình nhìn xuống, tôi thấy một chị đang “đằng đằng sát khí”, cố giằng khỏi những bàn tay níu giữ của mọi người xung quanh để lao lên sân khấu: “Đả đảo thằng Đại diện!”. “Giết chết nó đi!”… Một hồi sau chị mới bình tĩnh trở lại và tiếp tục theo dõi đến hết vở kịch. Sau khi kết thúc vở diễn, tôi mới biết đó là chị Lý (người thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, Tuy An) ở Ban Binh vận Tỉnh ủy. Lúc ngồi lại nói chuyện với nhau chị bảo: “Ở ngoài đời tao thấy mày cũng đẹp trai và hiền lành. Nhưng sao khi nãy mày đóng vai thằng Đại diện, nhìn cái bản mặt, cách hóa trang và hành động dê gái của mày tao thấy thật khó ưa. Nếu lúc nãy có súng trên tay chắc là “thằng Đại diện” chết với tao rồi!”.

THÚY HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek