Thứ Bảy, 12/10/2024 10:15 SA
Xoài Đá Trắng và ngựa “Thiện Lương đề” Phú Yên trong sử sách
Thứ Sáu, 31/01/2014 07:10 SA

XOÀI ĐÁ TRẮNG

Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận quần thể 20 cây xoài ở chùa Đá Trắng (Từ Quang Tự) là cây di sản Việt Nam. Rất nhiều tờ báo đề cập đến sự kiện này và ca ngợi đây là “xoài tiến” dâng lên các vua triều Nguyễn, là sản vật “cấp quốc gia” có mặt trong các yến tiệc cung đình.

xoai140129.jpg

Xoài Đá Trắng - Ảnh: D.T.XUÂN

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” (quyển 120 tập VIII trang 128 - 143 Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 1993) đề cập “Phẩm vật ở các địa phương”. Quy định lệ chung và việc cung tiến phẩm vật ở các địa phương trong cả nước gồm: Quả xoài (Đá Trắng) của tỉnh Phú Yên; Gạo mới và hoa quả ở hạt Thừa Thiên; Quả dừa của hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường; Quả chanh của tỉnh Bình Định và Quảng Nam; Quả bong bong của Quảng Nam; Cam đường của tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương; Quả vải ở Hà Nội; Mắm rươi ở tỉnh Ninh Bình và Nam Định; Trái Salê ở tỉnh Cao Bằng; Trái Tuyết lê ở tỉnh Tuyên Quang. Các sản vật: Dưa hấu, bột huỳnh tinh, thịt cửu khổng khô (một giống sống ở biển như con sò nhưng lớn hơn, vỏ dùng làm thuốc, trong vỏ có 9 cái lỗ nên gọi là cửu khổng); tương đậu, rượu dâu ở tỉnh Quảng Bình.

Năm 1836, vua Minh Mạng (năm thứ 17) xuống dụ: Phàm các địa phương theo lệ kính dùng sản vật địa phẩm, trừ ra thứ nào quan địa phương tự mua biếu, để tỏ lòng thành, còn phàm mua của dân thì phải trả tiền.

Nhà vua quy định giá tiền các sản vật, trừ xoài Đá Trắng của Phú Yên.

Xoài Đá Trắng Phú Yên không được quy định giá bởi sản vật này kính dâng lễ hương về mùa hạ ở các miếu và lễ cơm mới, mỗi lễ từ 100 đến 200 quả xoài; ngày sinh nhật (23/4), ngày giỗ (23/5) ở điện Hiếu Tự, ngày sinh nhật ở điện Long An (11/5), tết Đoan Ngọ, tết Thánh Thọ mỗi lễ 600 quả xoài.

Minh Mạng năm thứ 16, xuống dụ: “Tiết Đoan Dương (tết Đoan Ngọ) năm nay, cử tỉnh Phú Yên giải đi đường bộ 1.000 quả xoài, lại đệ cả lễ cơm mới 1.000 quả. Lễ dâng sản vật mới đã định lệ vận chuyển bằng đường thủy. Nay đương thời tiết nóng nực, tỉnh Phú Yên không nghĩ đến sức của dân, lại cho đệ đi bằng đường bộ, chỉ làm khó nhọc cho các trạm vận chuyển, đem đến nơi so với năm ngoái lại chậm quá một ngày, đến giờ làm lễ, thứ quả ấy không kịp dâng lên. Làm việc như thế rất là không hợp. Lần này, hãy theo nhẹ mà xử, quan Hộ phủ tỉnh ấy chuẩn phạt lương bổng 3 tháng, để răn bảo. Sau đây, hàng năm phàm kính gặp lễ mừng vạn thọ, nếu quả xoài đã chín già thì cũng chuẩn bị cho tải đi đường bộ lấy 600 quả làm hạn, nếu thứ quả ấy còn xanh tươi thì đến tiết Đoan Dương cũng theo lệ đệ dâng 600 quả, không phải bổ sung cống thứ khác.

Vua Thiệu Trị năm đầu (1840) lệ định: Hàng năm nhân lễ mừng Vạn Thọ, tỉnh Phú Yên phải đệ dâng 600 quả xoài nhân ngày sinh nhật nhà vua và các lễ giỗ ở điện Hiếu Tự.

Vua Tự Đức năm đầu (1847) lệ tỉnh Phú Yên đệ 600 quả xoài mừng sinh nhật nhà vua ở điện Long An.

NGỰA PHÚ YÊN

Sử sách nói rất nhiều về ngựa Phú Yên như nữ tướng Bùi Thị Xuân “luyện voi, luyện ngựa” ở “cánh đồng Cô Hầu” thời Tây Sơn khởi nghiệp.

Phú Yên lừng danh với đoàn “mã tải” vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường Tây Nguyên thời kháng chiến chống Pháp gắn với chiến sĩ thi đua toàn quốc Nguyễn Thị Cam…

Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ “(quyển 175 tập X từ trang 487 - 557) quy định về “Mã chính” (chính sách về sử dụng ngựa) giao trách nhiệm cho Viện Thượng Tứ giữ việc tổng quản đàn ngựa của nhà vua (giống như xe công hiện nay).

Gia Long năm thứ 13 (1814) ban chỉ cho mua các hạng ngựa để bổ vào đội phụng thị. Minh Mạng năm thứ 8 (1827) ban chỉ mua ở Phú Yên 25 con ngựa, cốt được cao lớn, khỏe mạnh, nếu trong đó có con nào chạy giỏi, mà tính lại thuần thục, sung làm ngựa dùng được, nếu sắc trắng thì thưởng cho bạc 100 lạng, còn các sắc khác đều thưởng 80 lạng… để sung vào Viện Thượng tứ.

Minh Mạng năm thứ 10 (1829) nhà vua ban sắc: “Bình Định, Phú Yên hai hạt, vốn sinh sản nhiều ngựa, việc chăn nuôi tất có tay thạo. Cho Bộ Binh chọn mỗi hạt một vài người vào kinh, đợi lệnh cho sung vào nuôi ngựa công”.

Minh Mạng năm thứ 12 (1831), nhà vua ban chỉ: cho đi các trấn Nam, Ngãi, Bình, Phú Yên, Khánh Hòa tìm mua ngựa tốt bất kể giá cao thấp, cốt được cao lớn, béo tốt, khỏe mạnh, chạy giỏi, để lựa chọn vào các tàu ngựa của nhà vua.

Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) vua Thiệu Trị phê chuẩn: “Tỉnh Phú Yên có dâng một con ngựa đực sắc đen (ngựa ô), xét ra có thể cho vào tàu ngựa của nhà vua và cho gọi tên là Thiện lương đề, giao cho Viện Thượng tứ diễn tập, cốt được mười phần thuần thục, đề phòng xe Vua dùng đến. Còn người dâng tiến là Lê Khiên Quang làm Hộ phủ tỉnh Phú Yên, thưởng cho 10 đồng ngân tiền phí long bằng bạc.

Ngựa Phú Yên được vua Thiệu Trị phong cho danh hiệu “Thiện Lương đề” đã góp phần làm vang danh đàn ngựa Phú Yên trong lịch sử.

Th.s PHAN THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mùa xuân trên cổ vật
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH
Viết cho thiếu nhi dễ mà khó!
Thứ Hai, 03/02/2014 19:00 CH
Ngựa trong nghệ thuật tạo hình
Thứ Hai, 03/02/2014 00:00 SA
“Gia đình tài tử” nơi phố núi
Chủ Nhật, 02/02/2014 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek