Thứ Bảy, 05/10/2024 02:28 SA
Nguyễn Trường Tộ và khát vọng về một mùa xuân cho đất nước
Thứ Ba, 13/03/2007 07:02 SA

“Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu thị bách niên cơ”(1)

 

Tạm dịch:

 

Một bước sẩy chân ngàn đời ân hận

Quay đầu nhìn lại cơ nghiệp trăm năm (đã qua)

 

070312-to.jpgChỉ vẻn vẹn hai câu thơ, nhưng đó là tất cả tâm sự u uẩn của một kẻ sĩ cô đơn trước khi vĩnh biệt cuộc đời. Phải đặt mình trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời Tự Đức, mới thấm thía nỗi đau của Nguyễn Trường Tộ, con người suốt đời tự nguyện đi tìm cho đất nước một mùa xuân.

 

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) không phải là một nhà cách mạng, hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng tất cả những bản điều trần của ông gởi cho triều đình nhà Nguyễn, vẫn ấm nồng hơi thở của thời đại, khi cả nước đang tuyên chiến với đói nghèo và lạc hậu. Tất cả những cải tổ mà chúng ta đang thực hiện trên khắp các lĩnh vực, kỳ lạ thay có thể tìm thấy tinh thần cơ bản ấy trong những tấu sớ mà ông đã gởi cho vua Tự Đức trong suốt 10 năm từ 1861 đến 1871. Có thể nói: Tế cấp luận, Giáo môn luận, Thiên hạ phân hợp đại thế luận... là những tư tưởng đi trước thời đại của Nguyễn Trường Tộ. Và phải chăng, đó cũng chính là tấn bi kịch kẻ sĩ của ông ?

 

Với tất cả tình yêu nước nồng nàn và vốn kiến thức uyên thâm, với tầm nhìn của một nhà chiến lược, ngay từ giữa thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ đã đặt vấn đề đưa đất nước hoà nhập với trào lưu tiến bộ của nhân loại, trên cơ sở xem giáo dục-khoa học-kỹ thuật như là một động lực của sự phát triển. Bây giờ thì không ai còn nghi ngờ gì nữa, nhưng bấy giờ điều đó hoàn toàn xa lạ với một nền học thuật “chi hồ giả dã”. (2)

 

Qua những bản điều trần của mình, Nguyễn Trường Tộ đã cung cấp cho triều đình nhà Nguyễn một chiến lược toàn diện và có hệ thống. Toàn diện và hệ thống đến từng giải pháp cụ thể như: thành lập trường, cử học sinh du học, buộc các võ quan từ ngũ trưởng trở lên phải đi học để biết chữ, đưa tri thức khoa học vào sản xuất nông nghiệp, hướng khai thác đến xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, thành lập Viện tế bần để nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, xây dựng quỹ “dưỡng liêm” để ngăn chặn tình trạng tham nhũngv.v...

 

Nguyễn Trường Tộ đứng cao hơn giới trí thức của thời đại ông, hay nói theo ngôn ngữ hiện nay, ông là người nhận thức được quy luật. Song trước hết, ông có một thái độ công dân chân chính trong một xã hội chưa hề xuất hiện khái niệm công dân thể hiện qua những bản điều trần cháy bỏng hoài bão canh tân đất nước. Đọc Thiên hạ đại thế luận (1863), người đời sau không khỏi ái ngại khi ông nói thẳng với triều đình nhà Nguyễn: “Hiện nay tình hình trong nước rối loạn, trời thì sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ (...) . Trong triều đình, quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau (...) . Ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn hút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước. Việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ hận đời ghét kẻ gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thảo dã, chính là lúc Thắng Quảng thừa cơ nổi dậy...”. (3)

 

Hơn ai hết, Nguyễn Trường Tộ thừa biết cái giá phải trả cho hành động dũng cảm, trung thực đó. Nhìn lại lịch sử, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi triều đình nhà Nguyễn đã bỏ qua Nguyễn Trường Tộ như bỏ qua một cơ hội canh tân đất nước. Với những tư liệu hiện có, sẽ là bất công khi cho rằng Tự Đức không muốn đổi mới. Nhưng cái chính là ông vua này không vượt qua được những giới hạn vốn là sản phẩm của các triều đại phong kiến, trong đó có triều đại của ông. Tự Đức không thể tự mình thoát ra khỏi cái hàng rào của hệ thống hủ nho, những kẻ vì quyền lợi hẹp hòi của riêng mình, đã sử dụng các mối quan hệ xã hội của Nguyễn Trường Tộ để dựng lên một cái rào chắn, được nguỵ trang bằng những lý do chính trị. Thế là Nguyễn Trường Tộ vĩnh viễn đứng bên này khát vọng của đời mình, khát vọng về một mùa xuân cho đất nước.

 

Nguyễn Trường Tộ chết lúc 41 tuổi, nhưng ông vẫn tiếp tục sống mãnh liệt trong khát vọng mùa xuân của biết bao thế hệ. Và giờ đây, sau hằng trăm năm, chúng ta có đủ cơ sở  để tin rằng Nguyễn Trường Tộ đã không còn đơn độc.

    

NGUYỄN  THANH  XUÂN

 

__________

 

(1): Theo Nguyễn Trường Cửu trong “Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ”

(2): Ý nói một nền học thuật từ chương, vô bổ

(3): Dẫn theo Trương Bá Cần trong cuốn “Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo”_ NXB TP. HCM 1988

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek