Thứ Bảy, 05/10/2024 02:28 SA
Nhà báo Trần Ngọc Dân - Phó Giám đốc PVTV, Phó trưởng ban tổ chức liên hoan dân ca Việt Nam 2007 - khu vực Nam Trung bộ:
Tìm kiếm, lưu giữ và phát huy giá trị những làn điệu dân ca cổ
Thứ Bảy, 03/03/2007 11:00 SA

Tối nay (3/3), tại Khu du lịch sinh thái và giải trí Thuận Thảo sẽ diễn ra Liên hoan Dân ca Việt Nam (LHDCVN) khu vực Nam Trung bộ. Nhà báo Trần Ngọc Dân, Phó Giám đốc PVTV, kiêm Phó Trưởng Ban tổ chức LHDCVN khu vực Nam Trung bộ, cho biết:

 

070303-chuan-bi.jpg
Đoàn nghệ nhân Ninh Thuận tập dượt trước khi bước vào liên hoan - Ảnh: Minh Ký

 

Trưởng Đoàn nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận Dương Tấn Đức:

 

Có thể nói, LH là cơ hội để tìm lại gốc của âm nhạc dân gian của mỗi dân tộc. Đến với LH lần này, 10 diễn viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các buôn làng của Ninh Thuận sẽ biểu diễn những làn điệu dân ca đặc trưng của đồng bào Rắclay như hát sử thi, múa lễ và hát lễ cúng thoát hồn của đồng bào Chăm. Tham dự LH, chúng tôi có cơ hội khai thác và tìm hiểu về vốn âm nhạc dân tộc.

 

Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Nam Huỳnh Ngọc Hải:

 

070303-cham.jpg

Tiết mục hát lễ Phôr Ta – Pung Salih của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận tham dự LHDC Nam Trung bộ 2007 – Ảnh: K.CHI

LHDCVN là dịp giao lưu, tìm hiểu các giá trị âm nhạc truyền thống của các tỉnh bạn, qua đó phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực. Đây là lần thứ hai Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Nam tham gia LH, góp vào ngày hội âm nhạc của khu vực những điệu hò khoan đối đáp, điệu lý hoa thơm, lý xăm của đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc Cadoong đang sinh sống trên địa bàn; đồng thời được nghe các làn điệu dân ca của từng vùng, nâng cao hiểu biết của mình về giá trị âm nhạc truyền thống.                            

 

HOÀNG LÊ (ghi)

- Mục đích của LHDCVN là tìm kiếm, phát hiện những làn điệu dân ca mang tính đặc trưng vùng miền, các tiết mục, các giọng hát dân ca đặc sắc để giới thiệu với khán giả cả nước. Các nghệ nhân khi tham gia trình diễn có thể sử dụng những nhạc cụ dân tộc phù hợp với làn điệu dân ca đó. Vì vậy, đây cũng được coi là một trong những hình thức bảo tồn âm nhạc truyền thống của các dân tộc trên cả nước nói chung và khu vực Nam Trung bộ nói riêng.

 

* LHDC lần này có những điểm mới gì so với lần đầu tiên?

 

- Năm 2005, VTV tổ chức LHDC lần thứ nhất được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm và chỉ thi hát đơn ca nên chương trình hơi đơn điệu. Lần này nghệ nhân của các địa phương, khu vực hát ở 3 thể loại đơn ca, song ca và tốp ca, mỗi đoàn không quá 10 diễn viên, nghệ nhân tham gia biểu diễn. BTC cũng quyết định chọn sân khấu ngoài trời thay vì trong các hội trường như lần trước, để có một không gian thoáng đãng, gần gũi và phù hợp với cái hồn của thể loại dân ca hơn.

 

* Khép lại LHDCVN 2005, vẫn chưa có một động thái gì để phát huy các giá trị của loại hình âm nhạc này. Vậy, sau LHDCVN 2007 thì sao, thưa ông?

 

- LHDCVN hướng tới những làn điệu dân ca cổ. Dân ca xuất phát từ trong đời sống của người dân ở các vùng miền, được gìn giữ, lưu truyền nhờ những người dân hát đối đáp trong các dịp lễ hội, tranh tài trong các cuộc vui, các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống. Dân ca có mặt trong đời sống hàng ngày, như những lời hát ru con, ru cháu ngọt ngào… Thông qua  LHDCVN, BTC sẽ có kế hoạch phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và các nghệ sĩ để triển khai kế hoạch gìn giữ và giới thiệu dân ca thường xuyên trên sóng truyền hình, đồng thời tìm cách bảo tồn và nâng cao, phát huy giá trị những làn điệu dân ca cổ, truyền lại cho thế hệ sau.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KIM CHI (thực hiện)

 

Phú Yên sẽ dự thi những tiết mục gì?

 

070303-Ho-ba-trao.jpg

Hò bá trạo của ngư dân Phú Yên sẽ có mặt ở LHDC lần này – Ảnh: M.KÝ

Đoàn chủ nhà Phú Yên sẽ đem đến LHDC lần này những “đặc sản” âm nhạc của cả 3 vùng núi, đồng bằng và vùng biển. Với hơn 20 diễn viên (nhiều hơn so với các đoàn bạn), chương trình của đoàn gồm: kể trích đoạn sử thi “Âm vang tiếng cồng chiêng”, nghệ nhân Ka Sô Liễng thể hiện sự độc đáo của di sản văn hoá phi vật thể. Tiết mục “Hò khoan” do hai diễn viên Vân Phi và Phụng Kết trình bày là một loại dân ca mang tính ngẫu hứng, thể hiện tài ứng biến của đôi nam nữ. Hò khoan thường gắn với công việc lao động thường nhật của người dân sống ở đồng bằng. Một tiết mục khác của đoàn Phú Yên là hò bá trạo, do đội bá trạo cuả xã An Chấn (huyện Tuy An) trình diễn. Hò bá trạo đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức lễ truyền thống của ngư dân vùng biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.

 

HOÀNG LÊ

Ông lão hát dân ca

 

070303-ong-lao.jpg

Ông Nguyễn Thành Sung (Đoàn Bình Định)

Ông Nguyễn Thành Sung (Đoàn nghệ thuật tỉnh Bình Định) năm nay 78 tuổi  nhưng đã có hơn 70 năm gắn bó với các làn điệu dân ca của quê hương mình. Khi còn bé, hằng ngày ông được nghe mọi người trong làng hát bài chòi. Dần dần, những làn điệu thân quen ấy đã ghi sâu vào tâm hồn của ông. Nhờ vào sự say mê cộng thêm năng khiếu và được chỉ dạy chu đáo, ông trở thành một trong những người hát dân ca cổ hay nhất của Bình Định hiện nay và được tham dự LHDC lần này.

 

Khi đất nước còn chiến tranh, không chỉ cầm súng chiến đấu, ông còn tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội. Bây giờ, dù đã về hưu, ông vẫn tích cực góp mặt trong các  hoạt động  nghệ thuật (đặc biệt là dân ca) của địa phương. Hai bài dân ca “Lý năm canh” và “Hò giã gạo” ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi lòng chung thủy trong tình yêu lứa đôi sẽ được ông trình bày tại Liên hoan lần này. Ông nói: “Tôi rất phấn khởi khi có cơ hội “nói lại” những tiếng nói của cha ông ta trước kia. Dân ca là liều thuốc bổ giúp tôi luôn vui, khỏe trong cuộc sống hàng ngày”.

 

Cô gái trẻ yêu những làn điệu cổ

 

070303-quyen.jpgSinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động văn hoá văn nghệ nên mới 5 tuổi, Trần Thị Nhật Quyên (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Khánh Hoà) đã tập hát các bài hát thiếu nhi, rồi vào đội văn nghệ của trường. Khi học lớp 4, em tập đàn bầu, tham gia các chương trình ca múa nhạc dân tộc và có thể vừa đàn vừa hát nhiều bài dân ca.

 

Thiếu nữ 19 tuổi này là diễn viên trẻ nhất của  LHDCVN khu vực Nam Trung bộ 2007. Nhật Quyên bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình lớn như thế này để hát các làn điệu dân ca cổ của quê mình. Em có thể học hỏi nhiều ở các cô, chú lớn tuổi về kỹ thuật luyến láy cũng như cách xử lý hơi khi hát các loại bài hát thuộc nhạc truyền thống”. Tôi hỏi: “Sao không chọn dòng nhạc nhẹ mà lại chọn một loại hình “kén” người nghe như vậy?”. Quyên cười: “Ngay từ bé, em đã được bố mẹ hướng theo con đường âm nhạc dân tộc. Em cũng thích nhạc trẻ, nhưng vẫn ưu tiên nhạc dân tộc hơn”.  Nhìn Nhật Quyên vừa đàn vừa hát bài “Hò ve vãn”, “Hò sông nước”, tiếng hát ngọt ngào trong tiếng đàn bầu nỉ non mới cảm nhận được tình yêu dân ca trong giọng ca trẻ này.

 

TRỌNG HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháp Nhạn trong thơ Nguyên tiêu 2007
Thứ Bảy, 03/03/2007 08:46 SA
Nghe lính hát
Thứ Sáu, 02/03/2007 07:04 SA
Mái bếp và khói lam chiều
Thứ Năm, 01/03/2007 07:18 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek