Chủ Nhật, 13/10/2024 16:17 CH
Sức sống từ những làn điệu dân ca
Thứ Hai, 23/09/2013 14:47 CH

Quê hương núi Nhạn sông Đà là nơi có những làn điệu dân ca trữ tình, đằm thắm. Nơi đây còn là địa phương làm tốt việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo này bằng nhiều hình thức đáng trân trọng.

 

Hat-dan-ca-moi.jpg

Các cụ già ở TX Sông Cầu tái hiện lại điệu hò giã gạo trên sân khấu - Ảnh: LÊ MAI

Phú Yên có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với nhiều điệu lý, câu hát ru, hò vè. Nhiều bài hát, câu hò hiện đại ngày nay như những bức tranh quê đậm đà bản sắc được dệt nên từ những làn điệu dân ca…

Có lẽ có nhiều người biết những lời ru đậm chất dân gian:“Một mai ai chớ bỏ ai/Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim” hay “Chiều chiều mây phủ đá Bia/Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng/Mất chồng như nậu mất trâu/Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm”… Nhưng theo thời gian, những thế hệ cháu con, không ai dám chắc có còn nhớ hay đã quên. Ngày nay, tìm đến những cụ ông, cụ bà để nghe lại những câu hát cổ xưa đã không còn dễ. Mới đây, tại Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2013 khu vực Nam Trung Bộ tại Phú Yên, những làn điệu dân ca cổ được thể hiện bởi các nghệ nhân. Họ hát bằng tình yêu dân ca sâu đậm, với lời hát, giọng ca mộc mạc. Ý thức gìn giữ và bảo tồn vốn quý của dân tộc được thể hiện khá rõ tại đây. Một số làn điệu dân ca đặc sắc được phát hiện. Đó là những làn điệu chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, truyền dạy con cháu làm người có ích.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2013 khu vực Nam Trung Bộ tại Phú Yên nhận xét: “Đây là sân chơi dân ca nguyên thể do bà con trình bày chứ không phải những người ca hát chuyên nghiệp. Tiêu chí này không chỉ có ý nghĩa trở về cội nguồn nghệ thuật dân tộc mà hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để những người lao động chân lấm tay bùn tự mình đứng lên sân khấu giới thiệu, trình bày vốn ca nhạc đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Như vậy chúng ta đã thực hiện một bước quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc trong sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật”.

Tại liên hoan, nhiều người khá bất ngờ bởi diễn viên tham gia có em chỉ mới 13 tuổi. Dân ca nguyên thể đã có sự kế thừa như thế. Song phải thừa nhận rằng cái vốn cổ quý hiếm ấy đang mai một dần. Cái nguyên thể của dân ca là vốn quý, tuy nhiên món ngon chưa được chế biến cho phù hợp thì thật khó mà thưởng thức. Sẽ còn đó sự vĩnh hằng chỉ khi dân ca được hóa thân, ẩn tựa trong những loại hình nghệ thuật thịnh hành hiện nay.

Để góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ năm 2006, Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã thành lập các câu lạc bộ Đàn, hát dân ca - Nẫu ca, tuồng, bài chòi. Tại các địa phương, nhiều hoạt động có ý nghĩa cũng được tổ chức như Câu lạc bộ Tuồng 10/5 ở huyện Phú Hòa, các lớp dạy đàn, hát dân ca miễn phí ở huyện Đông Hòa, hay nhiều điểm tổ chức hát, chơi bài chòi trong tỉnh… Sở VH-TT-DL Phú Yên cũng từng mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, bài chòi cho cán bộ văn hóa cơ sở trong toàn tỉnh. Tất cả nhằm nỗ lực quảng bá và lưu giữ giá trị những làn điệu dân ca quê mình. Ông Nguyễn Bình Thảng ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa là một người tâm huyết trong việc giữ gìn vốn liếng dân ca khu V. Qua việc dạy hát cho lứa tuổi thiếu nhi của thầy Bình Thảng những nét đẹp của lối hát dân ca, bài chòi ở Phú Yên đang được gìn giữ. Ông bày tỏ: “Càng ngày các cháu càng hát tốt những làn điệu dân ca, bài chòi khu V. Đây là một niềm vui khó tả đối với tôi. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu làm sao để ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn các em đến với dân ca, bài chòi. Mong rằng các em không những biết hát và hát tốt thể loại bài chòi khu V mà còn biết trân trọng nâng niu gìn giữ vốn quý mà ông cha mình để lại”.

Tín hiệu vui khi có thêm nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca bài chòi đã được thành lập khắp nơi, thu hút thêm nhiều người yêu mộ dân ca. Riêng Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, việc dàn dựng cho ra đời những tác phẩm, chương trình đậm chất dân gian là một định hướng lớn. Phát triển từ những làn điệu dân ca, những bài hát như “Yêu lắm quê mình”, “Câu hò làng biển”, hay múa “Trăng tháp Nhạn, “Bức tranh quê”… đang rất hấp dẫn công chúng. Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển cho biết: “Những tiết mục muốn người xem thích, đòi hỏi phải đậm đặc chất dân gian. Vì vậy chúng tôi dựa theo các chất liệu dân gian để phát triển ra các tiết mục mới, phù hợp với thời đại. Vốn nghệ thuật dân gian nguyên gốc có giai điệu bình bình, tròn trịa quá. Vì vậy bây giờ cái hay thì mình giữ, còn cái nào cần thì mình phải gắn cái xù xì, góc cạnh, để cho nó mới, nâng cao nó lên, thổi hồn vào nó để trở thành tác phẩm nghệ thuật mới, phù hợp với người xem hiện nay”.

Hiện nay, Phú Yên đang rộng cửa để đón khách quốc tế đến đầu tư, hợp tác làm ăn và giao lưu văn hóa, du lịch. Chắc chắn những vị khách nước ngoài sẽ rất thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương, nhất là các tác phẩm mang âm hưởng dân ca bài chòi. Chương trình nghệ thuật được biểu diễn vào tối thứ bảy hàng tuần gần đây trên Tháp Nhạn, TP Tuy Hòa là một minh chứng. Sức sống từ những làn điệu dân ca sẽ là một phần không thể thiếu để tỉnh nhà vươn xa.

KIM CHI

(Đài PT-TH Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek