Chủ Nhật, 13/10/2024 16:16 CH
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Giản dị và chân thành trong quan điểm sáng tác
Chủ Nhật, 22/09/2013 14:00 CH

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chị làm thơ và đã có nhiều thơ đăng báo từ đầu những năm 1960. Từ đó đến nay, tên tuổi của chị được nhiều thế hệ người yêu thơ biết đến như một cây bút thơ với nhiều thi phẩm nổi tiếng. Ngoài làm thơ, chị còn viết báo, truyện ngắn, truyện dài và thơ cho thiếu nhi, chân dung văn học, tản văn…

 

Thanh-Nhan130922.jpg

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - Nguồn: Internet

* Chào nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Đã nhớ tên tuổi và đã từng thuộc nhiều bài thơ như Hương thầm, Làm anh… của chị từ thời còn là học sinh, tuy nhiên, đến nay tôi mới được gặp chị. Có phải số đông bạn trẻ yêu thơ ở khắp cả nước, nhất là những người sống ở các tỉnh xa đã từng nói với chị điều tương tự như thế này?

 

- Cảm ơn bạn. Có lẽ đúng như vậy. Tôi mới mở facebook, được nhiều bạn trẻ và cả các bạn nhiều tuổi nói rằng các bạn đã đọc thơ của tôi từ lâu và rất nhớ, lại còn thuộc nhiều bài, nhiều câu thơ của Phạn Thị Thanh Nhàn nữa chứ. Ngoài ra, khi có dịp đến các vùng xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Tây Bắc hoặc vào các tỉnh thành phía Nam như Đà Lạt, Phú Yên, Khánh Hòa, ra các đảo xa như Phú Quốc, Côn Đảo…, tôi đều may mắn được các bạn trẻ hát tặng bài Hương thầm đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, thật cảm động và vinh dự. Tôi rất xúc động vì điều này.

 

* Được biết chị làm thơ từ thuở học trò và đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng của thế hệ nhà thơ Việt Nam thời chống Mỹ. Chị có thể chia sẻ với các bạn trẻ yêu văn chương vài kỷ niệm về buổi ban đầu này?

 

- Tôi may mắn có người bố rất hay đọc sách. Cụ cứ mang ở đâu về những cuốn đã rách nát như Nhị độ mai, Thủy hử, Tam quốc chí…, còn chị cả tôi lại có một nhóm bạn văn chương, chủ nhật nào cũng lên nhà tôi đọc thơ. Tôi thường nấp ở phòng trong nghe lén thơ của các anh các chị. Và đến nay tôi vẫn còn nhớ bài thơ toàn vần C anh Quế làm tặng cho Chi: “Cô Chi câu cá cạnh cầu/ Chăm chăm chờ cá cắn câu cong cần”… Các anh chị đều rất tài hoa, thông minh và lém lỉnh khiến tôi cũng mê nghe đàm đạo văn thơ, dù hồi đó tôi chỉ chừng lên 7, lên 8. Một may mắn nữa là cạnh nhà tôi có bà Kẹo, chuyên cho thuê sách. Cứ có tiền mẹ cho ăn quà là tôi ra thuê sách về đọc. Và tôi đã mải mê với những Dế mèn phiêu lưu ký, Bỉ vỏ, Túp lều bác Tôm, Đảo giấu vàng, Truyện phiêu lưu của Hấc Phin, Không gia đình, Những ngày thơ ấu… và rất nhiều truyện khác .

 

Hồi học cấp 2, tôi làm thơ về gia đình: “Mẹ tôi, tôi rất là yêu/ Vì người vất vả sớm chiều nuôi con”, “Em bé mà tôi quý nhất nhà/ Ấy là bé Khải mới lên ba”, “Cả nhà đều đã ngủ/ Có tiếng thở đều đều/Đồng hồ kêu tích, tắc/ Ôi, sao mà thân yêu”… Tôi còn đặt tên cho một anh phụ trách mà tôi rất yêu quý là “Cố Vấn” để làm thơ tặng anh mà không ai biết: “C.V rất mến yêu ơi!/ Gần mày, tao thấy như đời sáng lên”!

 

Những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi là phóng viên Báo Hà Nội Mới, được đi nhiều, viết nhiều. Tôi đã viết bài thơ Hương thầm khi em trai tôi cùng bạn bè của em lên đường ra trận. Em tôi đã hy sinh năm 1974, trước ngày chiến thắng ít lâu.

 

* Ngoài làm thơ, chị còn viết văn, viết truyện. Vậy “món” nào là sở trường?

 

- Tôi nghĩ, giản dị và chân thành là đặc điểm sáng tác của tôi, tức là sống sao viết vậy. Tôi không cố ý sáng tác mà chỉ viết khi muốn bày tỏ một nỗi niềm gì đó của bản thân - nỗi niềm đó có khi là tình yêu đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa mà ai trong chúng ta cũng có. Vậy thôi.

 

* Gần 60 năm cầm bút, điều gì đã thôi thúc chị giữ được tình yêu với văn chương bền chặt như vậy?

 

-Tôi nghĩ, tình yêu đầu tiên của tôi là sách. Và tình yêu cuối cùng của tôi, cũng là sách. Văn chương sẽ yêu quý tôi, nếu tôi yêu quý và trân trọng công việc sáng tác của mình. Văn chương và bạn đọc sẽ không phụ bạc tôi, nếu tôi cầm bút không vì danh lợi hay bổng lộc mà chỉ để bày tỏ tình yêu của mình với đất nước, thiên nhiên và con người một cách chân thành và giản dị. Tôi hy vọng như vậy.

 

* Chị đã từng nói vui với bạn đọc, chị “chỉ làm thơ khi thất tình”. Và trong thực tế, người đọc cảm nhận thơ chị có sự thất tình nhưng rất ý nhị, nữ tính, không ồn ào. Đó có phải là một thế mạnh để chị giữ lửa cho thơ mình?

 

- Tôi nghĩ, giản dị và chân thành là điều dễ được bạn đọc yêu mến nhất.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng là Phó tổng biên tập Báo Người Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHVHNT Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội nhiều khóa liền trước khi nghỉ hưu. Các tác phẩm tiêu biểu: Tháng giêng hai (thơ, 1969), Hương thầm (thơ, 1973), Chân dung người chiến thắng (thơ, 1977), Bông hoa không tặng (thơ, 1987), Nghiêng về anh (thơ, 1992), Xóm đê ngày ấy (truyện thiếu nhi, 1977), Tuổi trăng rằm (truyện thiếu nhi, 1982), Bỏ trốn (truyện thiếu nhi, 1995), Sự cực đoan đáng yêu (chân dung văn học - năm 2010), Tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn (2012)… Chị từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ với tác phẩm Hương thầm (1969), giải Acuộc thi viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1995 với tác phẩm Bỏ trốn, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

 

Con đường – thơ PHAN THỊ THANH NHÀN

Nếu anh đi với người yêu

Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau

Hai ta không biết vì đâu

Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài

Nếu cùng người mới dạo chơi

Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu

(Thơ tình thời con gái - NXB Hội nhà văn, 1996)

 

ĐÀO TẤN TRỰC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek