Chủ Nhật, 13/10/2024 16:14 CH
Triệu Lam Châu, người giữ hồn văn hóa Tày
Thứ Hai, 23/09/2013 14:33 CH

Là người con của quê hương Cao Bằng, nhà thơ dân tộc Tày Triệu Lam Châu vừa là nhà khoa học giảng dạy, vừa là một nhà thơ, một dịch giả, một người yêu tiếng Tày tha thiết. Ngoài một số tác phẩm văn học và các CD âm nhạc nổi tiếng, Triệu Lam Châu còn được nhiều người biết đến với sự kiện anh dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh ra tiếng Tày năm 2009.

 

Hiện nay, Triệu Lam Châu là người đầu tiên làm công việc đề xuất tiếng Tày mới hiện đại cho dân tộc mình với hy vọng làm cho tiếng Tày không mai một mà ngày càng phong phú hơn trong đời sống hiện đại.

NHIỀU NHÀ TRONG MỘT

TL-Chau130923.jpg
Nhà thơ Triệu Lam Châu
Khi được hỏi về việc làm khoa học nhưng lại mang trong tim dòng máu đam mê nghệ thuật, Triệu Lam Châu tâm sự: “Đời tôi có 3 niềm đam mê lớn: Làm thơ, sáng tác nhạc và dịch văn học. Tôi đã có một số tác phẩm được bạn bè quê nhà đón nhận, như: Mé già hỏi vợ cho con, Ánh sao rừng thu Nga, Hương cốm trên sông Nhêva, Vầng trăng Nà Pẳng, Ánh sao chiều trên núi Khau Mi-à, Gánh nước ban mai… Đó là “phần thưởng” quý cho tác giả”.

Gần 7 năm (1970-1976), Triệu Lam Châu học tại Trường đại học Mỏ địa chất ở Lêningrat, nền văn hóa Nga - Xô Viết đã “thấm” vào anh nên từ một kỹ sư địa chất, anh xem thơ như máu thịt, như một lẽ sống không thể thiếu trong cuộc đời mình. Trong số nhiều bài thơ của mình, anh tâm đắc nhất vẫn là những tác phẩm viết về nước Nga và quê hương Cao Bằng dấu yêu.

Đồng hành cùng sân thơ, Triệu Lam Châu cũng đã xuất bản hai CD nhạc gồm Cao Bằng yêu dấu Gánh nước ban mai. Anh tâm sự: “Gia đình tôi không có ai làm nghệ thuật. Song, từ nhỏ tôi rất thích ca hát và làm thơ. Hồi nhỏ đi chợ núi, thấy ông xẩm thổi sáo hay quá. Về nhà, tôi tự lên rừng tìm ống nứa, tự khoét lỗ làm sáo. Rồi tự mày mò thổi… sòn sòn đô sòn… Sau đó thổi được bài hát Tình ca Tây Bắc…” Thế rồi, năm đang học lớp 8 (1968) anh “sáng tác” ca khúc đầu tiên có tên Bài ca Khuổi Dà. Anh tập cho cả lớp hát, vui lắm. Rồi thời sinh viên… đến khi ra công tác, anh vẫn sáng tác ca khúc đều đều. Chỉ tội không có kinh phí để ra đĩa. Lương giáo viên chỉ đủ chi tiêu gia đình. Cũng may ngoài giảng dạy ở trường, anh còn được các công ty mời đi tham gia khảo sát và viết báo cáo địa chất công trình phục vụ cho xây dựng. Do vậy anh mới có kinh phí ra hai đĩa nhạc. Năm 2003, Triệu Lam Châu ra Hồ Gươm AUDIO ở Hà Nội làm đĩa Cao Bằng yêu dấu, anh kể có nhiều kỷ niệm với các nghệ sĩ ưu tú như: Trung Đức, Doãn Tần, Rơ Chăm Pheng, Tiến Hỷ và Vi Hoa. Trong bài hát của anh có nhiều địa danh tiếng Tày, các nghệ sĩ phải uốn lưỡi rất khó khăn và rất kiên trì mới hát đúng âm Tày.

Ngoài làm thơ, sáng tác nhạc, Triệu Lam Châu còn là một dịch giả nổi tiếng. Anh đã dịch một số tập thơ, tiểu thuyết từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Anh cũng đã từng làm một việc “không giống ai”, đó là dịch thơ Nga sang tiếng Tày. Năm 2009, Triệu Lam Châu đã “bạo gan” dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang thơ lục bát tiếng Việt và tiếng Tày, việc làm này được nhiều người ủng hộ, nhất là số đông giáo viên và học trò THPT dân tộc Tày tại quê hương Cao Bằng. Nhật ký trong tù đã được các nhà thơ lớn như Xuân Thủy, Khương Hữu Dụng, Hoàng Trung Thông, Nam Trân…. chung sức dịch chuẩn và hay từ năm 1960. Với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nguyện vọng muốn dịch Nhật ký trong tù theo thể thơ lục bát cho bà con Tày đọc nên sau một thời gian ấp ủ, quý 2 năm 2009, tác phẩm đã được NXB Văn hóa dân tộc ấn hành với tiêu đề Xeéc mai chang rườn xăng.

Tập thơ ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Cụ thể nhà thơ Tày Dương Sách ở xã Đức Long, Hòa An, Cao Bằng cho biết: “Câu lạc bộ thơ của xã đã tổ chức ngâm một số bài thơ lục bát tiếng Việt và lục bát tiếng Tày (trong tập Nhật ký trong tù) trong các đêm thơ xuân truyền thống vào các dịp đầu xuân”. Cô giáo Bế Thị Hồng ở Trường phổ thông cơ sở Bùi Thị Xuân, Đa Thông, Thông Nông, Cao Bằng tâm sự: “Các thầy cô giáo nơi đây rất tâm đắc bản dịch tiếng Tày tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác Hồ và đề nghị dịch giả gửi cho trường nhiều cuốn nữa”. Cô giáo Chu Thúy Cảnh ở Trường PTCS Ngũ Lão, Hòa An, Cao Bằng cũng tâm sự: “Một số cuốn thơ dịch tiếng Tày trong tập Nhật ký trong tù do dịch giả tặng, Đảng ủy các xã Ngũ Lão, Bình Long trân trọng đưa vào phòng lưu niệm của xã”. Có thể nói, giáo viên và học sinh người Tày khi nghiên cứu Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đều có ước muốn được đọc thơ Bác Hồ bằng tiếng Tày, tiếng mẹ đẻ của họ. Đó là một nhu cầu khách quan. Vì đọc và thưởng thức thơ bằng tiếng mẹ đẻ, thì bao giờ cũng thấm thía và cảm thấy thiêng liêng hơn bao giờ hết. 

 

Việc dịch thơ Bác Hồ ra tiếng Tày là tăng thêm diện phủ sóng của những giá trị cao quý thiêng liêng của thơ Hồ Chí Minh trong tâm hồn bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của đất nước ta. Nhờ có Triệu Lam Châu, thơ Hồ Chí Minh chinh phục thêm những miền đất mới trong tâm hồn đồng bào dân tộc thiểu số.

LẶNG LẼ ĐỀ XUẤT TIẾNG TÀY MỚI HIỆN ĐẠI

Dù nghỉ hưu nhưng lúc nào Triệu Lam Châu cũng bận suốt ngày đêm. Hỏi ra mới biết anh đang miệt mài làm công việc đề xuất tiếng Tày mới hiện đại cho dân tộc mình. Theo anh, có nhiều động lực thúc đẩy anh hăm hở với công việc khó nhọc này: Trước hết, anh hoàn toàn không muốn tiếng Tày của cha ông mình và của chính mình bị “diệt vong” trong một tương lai gần. Từ đó, anh khao khát và nhận thấy cần phải có từ Tày mới vừa để bổ sung vào vốn tiếng Tày vừa để diễn đạt các mặt hiện thực mới của cuộc sống hiện đại. Hơn nữa được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc chu đáo, được học hành tử tế, cho nên nếu mình không góp sức phát triển tiếng Tày mới hiện đại thì có lỗi với tổ tiên, với dân tộc Tày mình. Và anh tự thấy mình phải xả thân hết mình, vì niềm hạnh phúc duy nhất thiêng liêng ấy đối với văn hóa Tày bình dị miền núi quê hương.

Phương châm của Triệu Lam Châu trong quá trình đề xuất từ Tày mới hiện đại là chỉ dựa vào sự phát triển nội tại của tiếng Tày, mà đề xuất ra từ mới. Không mượn thêm tiếng Hán, không mượn thêm tiếng Việt mà chỉ chấp nhận những từ cha ông đã từng mượn từ trước. Theo anh, những từ gốc của bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy thôi, đó chỉ là quy ước ban đầu được cả cộng đồng của một dân tộc chấp nhận, rồi được dùng phổ biến. Ta không thể giải thích được vì sao phải gọi như thế? Thí dụ từ sông (tiếng Việt) nghĩa là t’ả (tiếng Tày). Ta không giải thích nổi cùng một sự vật, tại sao người Kinh gọi là sông mà người Tày lại gọi là t’ả. Đó là quy ước riêng của mỗi dân tộc mà thôi. Ta không thể nói từ sông hay hơn hay từ t’ả hay hơn. Cứ cho là như nhau đi. Từ gốc, Triệu Lam Châu gọi là từ hạt, nó chưa có giá trị thẩm mỹ. Còn từ thứ sinh, là từ sinh từ những từ gốc, sinh ra từ từ hạt - gọi là từ mầm. Từ mầm bắt đầu có giá trị thẩm mỹ hẳn lên ngay. Thí dụ: từ trời xanh, được sinh ra từ hai từ hạt quy ước là trời và xanh. Trời xanh gợi lên trong lòng ta một giá trị thẩm mỹ ở cấp độ cao hơn từ hạt ban đầu rất nhiều. Từ thứ sinh, từ mầm, có giá trị thẩm mỹ và ta giải thích được vì sao nó hay. “Từ những phát hiện này, nó đã chỉ đạo tôi: Chỉ đề xuất sáng tạo từ Tày thứ sinh (từ mầm) mới. Không thể đề xuất từ Tày gốc nữa...”, Triệu Lam Châu cho biết.

Đến tháng 8/2013 này, anh đã đề xuất được 2.000 từ Tày mới, mà công việc này chỉ mới được khởi công từ năm 2009. Triệu Lam Châu dự kiến sẽ làm khoảng 10.000 từ Tày mới hoàn toàn. Hai năm nay, trong quá trình đề xuất từ Tày mới hiện đại, anh nhận được sự cổ vũ động viên và thán phục của nhiều bạn bè trí thức. Điều này giúp Triệu Lam Châu có thêm động lực để công việc sớm hoàn thành tốt nhanh hơn.

 Triệu Lam Châu sinh 27/6/1952 tại xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Tày. Năm 1976, anh tốt nghiệp Đại học Mỏ Lêningrát, về Việt Nam giảng dạy tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên), đến tháng 5/2012 về hưu. Là một giảng viên nhưng Triệu Lam Châu là một người yêu văn học, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh có nhiều tập thơ nổi tiếng như: Trăng sáng trên non (1998), Ngọn lửa rừng (1999), Giọt khèn (2001), Thầm hát trên đồi (2004); thơ dịch: Nửa phần sự thật (2000), Đêm trắng (2002), Thơ dân gian Tacta (2007), Nhật ký trong tù (thơ dịch lục bát tiếng Việt và tiếng Tày, 2009); tiểu thuyết dịch: Nàng dâu (1987), Lửa tình đã cạn (1988), Đi tìm hạnh phúc (1994), Mối tình người góa phụ (1999), Túp lều lá bên sông (1997); truyện dịch: Hoa nở muộn mằn (1988), Người đàn bà tôi thương (1989); CD nhạc: Cao Bằng yêu dấu (tuyển 10 ca khúc, 2003), CD Gánh nước ban mai (tuyển 8 ca khúc, 2006). Cùng với các sáng tác và các giải thưởng anh đã đạt được như: giải nhất Cuộc thi dịch văn học Hội Nhà văn Việt Nam (1994). Giải nhì (không có giải nhất) thơ các năm 2000, 2001, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Giải nhất thơ về tình hữu nghị Việt - Nga 2000 của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Giải thưởng thơ các năm 2004, 2007, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Giải ba về âm nhạc năm 2007 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng văn học tỉnh Phú Yên.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek