Thứ Năm, 03/10/2024 07:31 SA
Âm vang cồng chiêng Hà Rai
Chủ Nhật, 18/02/2007 13:39 CH

Qua bao mùa nương rẫy, tiếng cồng chiêng ở Hà Rai đã vượt qua những ngọn núi Hòn Dù, Hòn Trung để đến với “thế giới bên ngoài”. Đôi chân của các chàng trai, cô gái Chăm H’Roi đặt lên khắp mọi miền đất nước giới thiệu nét đẹp bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

 

070218-cong-chieng1.jpg

Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Về Hà Rai (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) vào một ngày mưa, con đường đất dẻo quánh như níu chân chúng tôi vượt qua những ngọn đồi. Thằng bé Chơ Vinh đen nhẻm, tròn lẳn như trái bắp trên nương, ngồi trên bậc thềm nhà thoáng quay ra nhìn khách, rồi lại tiếp tục chăm chú nhìn ông già Thứ chỉnh tiếng cho chiêng. Già So Minh Thứ bảo: “Thằng cháu của già đấy! Nó mới 8 tuổi, nhưng mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng, chân nó không chịu đứng yên trong nhà. Nó giống cha lắm!”. Anh So Minh Cư (cha của Chơ Vinh) vừa gặt lúa trên rẫy về, nghe nói vậy liền nhẻo miệng cười: “Hầu như lễ hội hay những buổi sinh hoạt cộng đồng nào của buôn làng, mình đều tham gia. Mọi người quây quần bên nhau đánh cồng chiêng, ca hát, nhảy múa. Vui lắm!”.

 

Bây giờ thì niềm vui của anh So Minh Cư cũng như những anh em trong đội cồng chiêng, đội múa xoang Hà Rai như được nhân đôi. Họ không chỉ chơi cồng chiêng ở buôn làng, mà còn giới thiệu nét đẹp văn hoá của dân tộc mình ra “thế giới bên ngoài”. Đôi chân vốn quen với nương rẫy, với những cánh rừng Hòn Dù, Hòn Trung, với những con suối Đá Mài, suối La Hiên của các chàng trai, cô gái Chăm H’Roi đặt lên khắp mọi miền đất nước từ TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang đến thủ đô Hà Nội… Những con người ở chốn thị thành bị mê hoặc bởi những thanh âm thâm trầm, huyền bí mang hơi thở của một miền không gian hoang sơ với những cách rừng trùng điệp, hùng vĩ - nơi có những con người mộc mạc, chân chất như cỏ cây, mưa nắng.

 

Bà Phan Thị Thu Thảo, Phó phòng Văn hoá thông tin huyện Đồng Xuân phấn khởi: “Những năm gần đây, ngành văn hoá thông tin Phú Yên đã không còn lo lắng nhiều trong việc giới thiệu nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trong liên hoan văn hoá các dân tộc khu vực hay toàn quốc khi đã có một đội cồng chiêng, đội múa xoang như của Hà Rai. Sở dĩ chúng tôi chọn Hà Rai vì những nghệ nhân ở buôn làng này biết duy trì, gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hoá của dân tộc như: trang phục, những bộ cồng chiêng, lễ hội… Tiếng cồng chiêng Hà Rai được vang xa khắp nơi là nhờ những con người biết yêu quí, trân trọng vốn văn hoá quý ấy”.

 

Mỗi lần đi tham dự trình diễn như thế, bao giờ cũng có đủ sáu cô gái trong đội múa xoang và mười hai nam trong đội cồng chiêng, gồm cồng ba, chiêng năm, hai trống đôi và hai lục lạc, xập xẽng. Đây là cấu trúc độc đáo của dàn cồng chiêng người dân tộc thiểu số. Năm chiếc chiêng chơi giai điệu, ba chiếc cồng chơi phần đệm, hai chiếc trống âm bổng, âm trầm như hỏi chuyện, đối đáp nhau. Chiêng đi giai điệu thong thả, nhịp nhàng, khoan thai. Cồng giữ phần nhịp, tiết tấu rộn ràng, sôi nổi cùng với klenh klep (xập xẽng) và krênh nênh (lục lạc). Để trình diễn tốt những điều này không thể thiếu vai trò một người đứng tuổi có kinh nghiệm. Anh So Điền Thanh, một thành viên trong đội cồng chiêng cho biết: “Già làng So Minh Thứ và trưởng buôn Mang Thông là thầy dạy cho thanh niên trong buôn biết chơi, biết mê, biết quý cồng chiêng. Họ như người cha, người chú dạy cho con cháu mình không bao giờ bỏ tập tục, bỏ nét đẹp văn hoá truyền thống. Mình cũng sẽ truyền lại con cháu mình sau này như vậy”. Với người Chăm H’Roi, cồng chiêng không phải chỉ là nhạc cụ để giải trí tiêu khiển mà được xem như một vật thiêng của buôn làng. Âm thanh của cồng chiêng là tiếng nói của con người gửi đến thần linh và chỉ có âm thanh ấy mới mời gọi được Giàng đến với mọi người. Nó dùng để cầu mưa mở đường cho một mùa gieo trỉa, gọi thần lúa, thần sông về với buôn làng trong những ngày lễ hội.

 

Chúng tôi may mắn có lần được tham dự Tết mừng lúa ở Hà Rai. Khi mặt trời còn rơi vãi chút ánh nắng vắt trên những triền núi thì tiếng chiêng đã thúc giục đôi chân của già trẻ, gái trong buôn đến với lễ hội. Những ánh mắt e thẹn của con trai, con gái gặp nhau. Tiếng cười nói, chào hỏi lao xao lẫn trong những âm thanh rộn rã. Men rượu cần đặc sánh cả nhà rông. Càng về khuya, những vòng tròn nam nữ trong điệu múa xoang uyển chuyển, nhịp nhàng quanh ánh lửa bập bùng sáng tối như được nới rộng ra. Ở đó, không còn sự hiện hữu của thời gian, không gian mà chỉ còn những bước chân như ngược dòng thời gian hướng về nguồn cội.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek