Thứ Năm, 03/10/2024 03:36 SA
Những người đoạt giải truyện ngắn nói về ... truyện ngắn
Thứ Năm, 22/02/2007 07:26 SA

2006 là năm nhiều cây bút Phú Yên tiếp tục đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác truyện ngắn ở Trung ương và địa phương. Đó là những tác giả quen thuộc với đông đảo bạn đọc trong tỉnh như Đoàn Việt Hùng, Ngô Phan Lưu, Phương Trà, Lệ Thanh... Dù môi trường sáng tác khác nhau nhưng tất cả đều tâm niệm: Viết sao cho ngày càng tốt hơn, được người đọc chú ý hơn. Thế họ nghĩ gì về truyện ngắn và viết truyện ngắn? °Tác giả Đoàn Việt Hùng, đồng giải nhất cuộc thi truyện ngắn viết về nhà giáo năm 2006 của Bộ GD - ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục:

 

Tác giả Đoàn Việt Hùng, đồng giải nhất cuộc thi truyện ngắn viết về nhà giáo năm 2006 của Bộ GD-DDT và Nhà xuất bản Giáo dục: CHUYỆN GÌ CẢM THẤY ĐỘC GIẢ CHẤP NHẬN ĐƯỢC THÌ VIẾT

 

070217--DoanVH.jpg

Đoàn Việt Hùng

Năm qua, có lẽ giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Bộ GD – ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức mà Đoàn Việt Hùng dành được là “hoành tráng” nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: 30 triệu đồng! Ngó rủng rẻng như vậy nhưng đối với Đoàn Việt Hùng  thì “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Giải trạng nguyên này giúp anh trả được một phần tiền vay ngân hàng mấy năm nay để nuôi các con học đại học ở Sài Gòn, một phần tôn tạo lại nơi thờ tự cho ông bà cho đúng đạo hiếu con cháu. Truyện ngắn đoạt giải “Nơi không chỉ có phố núi” của anh là sự chắt lọc tinh tế qua quan sát đời sống giáo viên trong các khu tập thể trường học ở hai huyện Sơn Hoà, Sông Cầu sau cái đận bão lụt kinh hoàng năm 1993. Anh cho rằng, chính những năm làm phóng viên Đài Phát thanh Phú Yên, đi nhiều nơi, nghe thấy, ghi chép nhiều chuyện đời chuyện người đã cho mình vốn sống phong phú. Vì vậy, khi ngồi viết, chi tiết cứ tự nhiên tuôn chảy. Chỉ cần gắn kết trong một tình huống và làm bật nó lên theo một điểm nhấn, một chủ đề nào đó.

 

Không chỉ viết truyện ngắn, Đoàn Việt Hùng  đã hoàn thành hai tập truyện dài. Anh thổ lộ: “Thấy chuyện gì hay hay, mình thích mà cảm thấy độc giả chấp nhận được thì viết. Truyện ngắn, nói nôm na, là lát cắt những khoảnh khoắc của cuộc sống…”

 

Tác giả Phương Trà, giải nhất cuộc thi truyện ngắn 395 năm Phú Yên: CHĂM CHÚT ĐẾN TỪNG CON CHỮ

 

070217-Phuong-Tra.jpg

Phương Trà

Một người đàn ông lạ mặt tới xin ngủ nhờ nhà một cô gái. Trải qua bao nhiêu tình tiết bất ngờ pha chút ly kỳ nhưng hợp lý, kết thúc quan hệ tưởng rắc rối này  lại rất có hậu: hai người nên vợ nên chồng! Nấp sau mối quan hệ đó là những giằng kéo, nghi ngờ do dư âm thù địch sau chiến tranh vẫn còn. Nhưng cuối cùng, ý thức luôn hướng tới hoà giải, chung sống hoà bình và tình yêu thương  của con người đã xoá đi những định kiến, thù hằn, để cùng nhau nhìn về một tương lai tươi sáng. Đó  là những nội dung được thể hiện khá sinh động và chắc tay trong truyện ngắn “Rừng thao thức gió” của Phương Trà. Và chính truyện ngắn này đã đăng quang giải nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn chào mừng 395 năm Phú Yên do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức trong năm qua. Không những thế, dưới bút danh Lâm Vy, Phương Trà còn dành giải nhì cuộc thi này với truyện ngắn “Mùa gió nam”.

 

Bên cạnh công việc “bếp núc” bận rộn hàng ngày của một biên tập viên Báo Phú Yên, Phương Trà vẫn cố gắng dành thời gian đi đó đi đây để viết tin, phóng sự, bút ký và nhất là truyện ngắn – một thể loại mà cô ưa thích. Cô chăm chút cho từng truyện ngắn của mình, từ kết cấu cho đến những chi tiết, từ ngữ  tưởng như vụn vặt nhất. Và tác phẩm thường mang theo một thông điệp, một lời nhắn gởi mà người viết muốn chia sẻ để  nhận lại sự  đồng cảm của bạn đọc.

 

Tác giả Ngô Phan Lưu, giải ba cuộc thi truyện ngắn 395 năm Phú Yên: TRUYỆN NGẮN LÀ MỘT CÚ KNOCK – OUT!

 

070217-NgoPhanluu.jpg

Ngô Phan Lưu

Những ngày đầu xuân mới này, Ngô Phan Lưu vẫn đang mong ngóng  kết quả cuộc thi truyện ngắn 2006 của tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), sau khi  biết một đứa con tinh thần của mình đã  lọt vào vòng chung khảo cùng 10/1200 truyện ngắn gởi dự thi của các tác giả trong và ngoài nước! Từ 2000 đến 2006, anh đã nhận hơn 10 giải thưởng văn học của báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Tài Hoa Trẻ, Kiến thức Gia đình… Mới đây nhất là giải ba cuộc thi truyện ngắn 395 năm Phú Yên với tác phẩm “Vỗ cánh ngang trời” Theo quan niệm của Ngô Phan Lưu, truyện ngắn phải là một cú knock – out của cuộc sống! Anh lý giải: Trong thi đấu quyền Anh, knock – out là cú đấm quyết định chiến thắng của võ sĩ để đối phương chấp nhận thất bại. Viết truyện ngắn cũng tương tự như vậy (dù so sánh hơi khập khiễng). Nghĩa là ẩn sau ngôn từ, nhân vật, truyện phải bật ra một vấn đề, tư tưởng, cảm xúc gì đó… và  tạo dấu ấn nhất định trong tâm tưởng người đọc. Còn ngược lại, truyện sẽ nhạt hoét, tuy có đủ việc này việc   nọ nhưng xem xong rồi người ta sẽ quên ngay! Đọc truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, dễ nhận thấy đề tài quen thuộc của anh là những thay đổi, xáo động của cuộc sống nông thôn thời mở cửa, khi mà cơ chế thị trường đã len lỏi vào sau lũy tre làng với đủ đầy những vui buồn lá trái lá phải thường gặp hằng ngày. Khi được hỏi tại sao anh không viết tiểu thuyết, hay là khó quá chăng, Ngô Phan Lưu nói: Khó thì không hẳn nhưng rõ ràng phải đầu tư nhiều thời gian, công sức  lắm. Rồi anh cười hóm hỉnh: Năm nay mình dự định sẽ viết truyện vừa, khoảng 100 – 200 trang. Cũng là thử sức xem sao, biết đâu lại chẳng nảy ra nhiều chuyện thú vị. Mà người viết thấy vui, thấy lòng lúc nào cũng phơi phới thì sẽ có lợi cho bạn đọc hơn…

 

Tác giả Lệ Thanh, giải ba cuộc thi truyện ngắn 395 năm Phú Yên: VIẾT VỚI NIỀM ĐAM MÊ

 

070217-LeThanh.jpg

Lệ Thanh

Cho đến bây giờ, Lệ Thanh vẫn không rõ vì sao mình lại gắn bó với công việc viết truyện ngắn như một niềm vui không thể thiếu. Hiện “gia tài” của chị đã có khoảng 30 tác phẩm, đủ để in thành một tập khá đầy đặn. Từng công tác trong ngành lương thực, sau khi công ty giải thể, Lệ Thanh về công tác tại UBND xã Bình Ngọc (TP Tuy Hoà), làm biên tập viên, phóng viên kiêm... kỹ thuật viên của đài truyền thanh xã. Đài chỉ có hai người, cứ 4 giờ 30 sáng và 16 giờ hàng ngày, cô lụi cụi lo công việc, chưa bao giờ để “rớt” chương trình phát thanh. Hoàn thành công việc ở Đài phát thanh xã, cô còn cộng tác với nhiều báo, đài, đi bán bảo hiểm để lo thêm cho kinh tế gia đình. Cũng giống như Đoàn Việt Hùng, do đi cơ sở nhiều, nên nhà báo “xã” Lệ Thanh ngày càng dày dặn vốn sống, thuận lợi cho công việc viết văn. Khi tỉnh phát động cuộc thi truyện ngắn kỷ niệm 395 năm Phú Yên, cô muốn tham gia nhưng loay hoay không biết viết như thế nào. Tình cờ gặp nhau, nhà báo Xuân Hiếu gợi ý: Anh thấy cái làng rau hoa Bình Ngọc của em có nhiều điều hay đấy. Hay là viết về quê hương mình  đi? ...Thế rồi, truyện ngắn “Chuyện ở làng bên sông” được viết khá nhanh, gởi đi và nhận về ...giải ba! Lệ Thanh tâm sự: Trước đây, em đã từng đạt mấy giải truyện ngắn nhưng  không vui bằng lần này vì ít nhiều đã tạ ơn mảnh đất nơi mình sinh ra và trưởng thành.

 

Lệ Thanh thừa nhận học vấn, kiến văn của mình không nhiều như bao người khác, viết lách chỉ vì đam mê và cảm thấy rất vui sau khi hoàn thành một truyện ngắn nào đó. Thế thì hãy cứ cần mẫn viết. Rồi thời gian sẽ sàng lọc và trả lời...

 

THẠCH BI SƠN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Võ Lâm truyền kỳ
Thứ Sáu, 16/02/2007 09:04 SA
Còn ai đợi chờ phim Tết?
Thứ Sáu, 16/02/2007 08:14 SA
Mùa xuân đi lễ hội
Thứ Sáu, 16/02/2007 07:00 SA
Phim Tết trên VTV1
Thứ Năm, 15/02/2007 15:04 CH
Chương trình Tết trên VTV3
Thứ Năm, 15/02/2007 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek