Thứ Hai, 25/11/2024 12:31 CH
Trần Phi Tơ: Học Toán rồi trở thành… dịch giả
Thứ Năm, 11/07/2013 14:00 CH

Học Toán nhưng yêu thích các tác phẩm văn học nước ngoài, hơn 10 năm qua, ông Trần Phi Tơ - Phó chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Phú Yên lặng lẽ đưa văn hóa và vẻ đẹp của những vùng đất xa xôi đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

 

Tran-Phi-To-130711.jpg

Dịch giả Trần Phi Tơ - Ảnh: Y.LAN

Tốt nghiệp khoa Toán Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh nhưng rồi ông Trần Phi Tơ lại gắn bó với công tác phi chính phủ nước ngoài ở Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Phú Yên. Để thuận lợi hơn trong công việc và không bằng lòng với chứng chỉ C, năm 1998, ông quyết định lấy bằng đại học thứ hai, chuyên ngành Biên dịch - Phiên dịch tiếng Anh, Trường đại học Đà Nẵng. Sau đó, ông còn được bồi dưỡng thêm về biên dịch với các giáo sư người nước ngoài. Khả năng sử dụng ngoại ngữ đã mang đến cho ông nhiều thuận lợi không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn có thể thỏa mãn niềm đam mê dịch các tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Anh sang tiếng Việt.

 

Năm 2000, lần đầu tiên Trần Phi Tơ dịch tác phẩm văn học nước ngoài. Đó là một truyện ngắn thuộc dòng văn học cổ điển, đăng trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Được hỏi một cách đường đột, ông không nhớ tên truyện ngắn này nhưng vẫn nhớ cảm giác vui thích khi tác phẩm dịch đầu tay của mình xuất hiện trên tạp chí. Từ đó đến nay, dịch giả sinh năm 1959 này đã dịch hơn 100 truyện ngắn được viết bằng tiếng Anh sang tiếng Việt, đăng ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương.

 

Năm 2011, ông ra mắt tập truyện dịch Bản báo cáo riêng gồm 15 truyện ngắn.

 

* Dịch một tác phẩm văn học không đơn thuần là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà người dịch phải am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và nhiều vấn đề khác. Theo ông, để dịch thành công một tác phẩm văn học nước ngoài, điều gì là quan trong nhất đối với dịch giả?

 

- Đúng như cô nói, muốn dịch một tác phẩm văn học thì phải hiểu phong tục, tập quán nơi “quê hương” tác phẩm đó và chuyển sang tiếng Việt một cách phù hợp. Chương trình đào tạo cử nhân tiếng Anh có hai chuyên đề là Văn học Mỹ và Văn học Anh, nói về văn hóa, con người ở hai quốc gia này. Sau khi làm việc tại Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Phú Yên, năm 2002, tôi đi học bồi dưỡng 6 tháng tại Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, do các giáo sư người nước ngoài giảng dạy nên có thêm kiến thức và kỹ năng.

 

* Nhà văn nào khiến ông yêu thích nhất và dịch tác phẩm của họ nhiều nhất?

 

- Ở dòng văn học cổ điển, tôi thích nhất là O.Henry, tác giả Chiếc lá cuối cùng được đưa vào chương trình văn học ở bậc THPT. Tất nhiên tôi còn thích nhiều tác giả khác. Song bây giờ tôi không dịch văn học cổ điển mà chuyển sang dịch các tác phẩm văn học hiện đại. Những tác phẩm đó gần gũi với người đọc bây giờ.

 

Các tác phẩm văn học cổ điển được viết theo trình tự, bài bản, còn các tác phẩm văn học hiện đại được viết không theo trình tự nào và phóng khoáng hơn nhiều.

 

* Tôi thấy ông dịch nhiều tác phẩm của Jack London. Ông thích nhà văn này?

 

- Jack London là cây bút hàng đầu của văn học Mỹ. Ông ấy rất thành công trong việc khai thác nội tâm nhân vật; tác phẩm đi vào lòng người và mang tính nhân văn cao.

 

* Đặc biệt là những tác phẩm lấy bối cảnh vùng Bắc địa mênh mông tuyết trắng, như Tiếng gọi nơi hoang dã, Nhóm lửa…

 

- Đúng vậy. Mặc dù những tác phẩm đó ra đời đã rất lâu, có nhiều người dịch, nội dung thì giống nhau nhưng cách thể hiện từ ngữ có khác nhau. Tôi cũng sử dụng một số từ ngữ riêng khi đưa các tác phẩm của Jack London đến với độc giả Việt Nam.

 

* Người ta nói dịch giả là người sáng tạo lần thứ hai tác phẩm. Ông nghĩ sao về điều đó?

 

- (Cười). Tôi nghĩ công việc của người dịch tác phẩm văn học là làm sao tìm những từ ngữ phù hợp để chuyển một tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, để độc giả Việt Nam cảm thấy phù hợp. Điều này khá là khó khăn. Có khi suy nghĩ đến vài ngày, suy nghĩ cả những lúc đi trên đường nhưng chưa tìm ra. Có khi câu trả lời chợt đến.

 

* Ông có dự định gì sau khi ra mắt Bản báo cáo riêng?

 

- Tôi dự tính năm tới sẽ xin xuất bản tập truyện dịch thứ hai, dịch những truyện ngắn viết bằng tiếng Anh của một số nhà văn. Tên truyện thì tôi vẫn chưa đặt.

 

* Xin cảm ơn ông.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghề… rong ruổi
Thứ Ba, 09/07/2013 11:00 SA
Xem phim đen trắng, nghĩ đến phim màu
Thứ Ba, 09/07/2013 08:25 SA
Để Báo Phú Yên hay hơn
Thứ Hai, 08/07/2013 17:00 CH
Sinh viên viết báo
Thứ Hai, 08/07/2013 14:45 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek