Thứ Hai, 25/11/2024 14:57 CH
Sinh viên viết báo
Thứ Hai, 08/07/2013 14:45 CH

Hiện nay, lực lượng sinh viên yêu thích báo chí, tham gia viết báo ngày càng hùng hậu. Nhiều bạn là cộng tác viên đắc lực cho một vài tờ báo và xem việc viết báo như một công việc làm thêm để tự nuôi sống bản thân, cũng là cách để có những trải nghiệm thú vị. Thông qua việc viết, các bạn có thêm vốn sống, hiểu và nhìn nhận các vấn đề xã hội sâu sắc hơn. Có hai bạn sinh viên quê Phú Yên đang học tại TP Hồ Chí Minh tham gia một cách sôi nổi vào đời sống báo chí.

 

CAO THỊ KIM THOA (SINH VIÊN NĂM 3, KHOA BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TP HỒ CHÍ MINH): Yêu báo từ kho sách báo của nội

 

Kim-Thoa.jpg

Từ nhỏ, Kim Thoa đã coi ông nội là thần tượng trong lĩnh vực thơ văn. Thoa đọc ngấu nghiến hết kho sách báo của nội. Em sớm bộc lộ năng khiếu báo chí, những năm học cấp 2 em đã có những sáng tác dễ thương nhờ cô giáo góp ý. Suốt quãng thời gian học phổ thông đầy mơ mộng, là thành viên nổi bật của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Phú Yên, Thoa có nhiều bài đăng ở báo địa phương và trung ương.

 

Bước chân vào giảng đường đại học, ngay từ năm đầu, Kim Thoa đã tham gia cộng tác cho tờ Mực Tím đến bây giờ. Chủ đề xoay quanh mà Thoa thường viết đó chính là phản ánh đời sống học trò.

 

“Em thường đi lại bằng xe máy, hồi đầu chưa có xe thì đi xe buýt hay đi chung xe với bạn. Thành phố rộng nên em gặp khó khăn khi tìm đến những địa chỉ lạ. Thường thì em sẽ tìm đường đi, địa điểm đến trước qua mạng hay bản đồ rồi vừa đi tới đâu hỏi tới đó thôi, may là lần nào cũng tìm được, dù hơi mất thời gian” - Thoa chia sẻ về cách thức đi tác nghiệp những ngày đầu chân ướt chân ráo ở TP Hồ Chí Minh.

 

Khi đi viết bài, các nhà báo chuyên nghiệp cứ đeo máy ảnh lên ngực, cưỡi xe máy vào thẳng cơ quan, trình thẻ phóng viên là có thể lấy tin dễ dàng, nhưng đối với phóng viên nghiệp dư, chưa có thẻ thì khó khăn không ít. Thoa cho hay, để phỏng vấn trong trường hợp không có thẻ, em thường phải ăn mặc cho chỉnh chu và lịch sự, trông có vẻ lớn một tí để người cung cấp tin tin tưởng, ăn nói cũng phải mạch lạc (chuẩn bị trước những câu hỏi sẽ hỏi), tốt nhất là nhờ một người trung gian đã quen biết từ trước giới thiệu.

 

Kỷ niệm vui buồn nghề báo của Thoa thì nhiều lắm, nhưng Thoa nhớ nhất là có một lần đi viết bài về một nhân vật đặc biệt, là một người tàn tật nhưng sống rất lạc quan. Chú có thể đánh đàn bằng răng và được ghi vào kỷ lục Guinness. Ngày hôm đó, chú đã kể câu chuyện về cuộc đời mình rất xúc động, hơn cả việc viết bài, chú ấy đã để lại cho Thoa một bài học lớn.

 

Với Cao Thị Kim Thoa, khoản nhuận bút từ những bài viết tuy không nhiều nhưng rất có ý nghĩa, nhờ nó em có thể tự trang trải thêm được phần nào cho cuộc sống sinh viên. Ngoài ra, nghề báo còn cho phép em có những chuyến đi xa, những trải nghiệm quý giá không phải ai cũng có. Được gặp nhiều người, nghe những câu chuyện đặc biệt, đó có lẽ là lý do để em chọn và sống với nghề này.

 

LÊ VĂN PHONG (SINH VIÊN NĂM NHẤT, TRƯỜNG CAO ĐẲNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH 2): Làm báo từ những khao khát trải nghiệm cuộc sống

 

Phong bắt đầu viết báo từ khi còn là cậu học trò lớp 11 ở trường THPT Ngô Gia Tự, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Ban đầu là những bài viết nhỏ, rồi những mẩu tin kèm ảnh và dần dần có được những bài báo lớn, đăng cả trang.

 

Le-Van-Phong.jpg

Hiện Phong là cộng tác viên cho báo Tuổi Trẻ. Phong có một thói quen rất “báo chí”: đi đường thấy chuyện gì có “vấn đề” là chụp hình, quay phim ngay. Em dần dần hình thành cho mình một thói quen quan sát, giống như bản năng vậy. Phát hiện đoạn đường Trường Chinh (thuộc quận Tân Bình và quận 12, TP Hồ Chí Minh) có nhiều tuyến xe buýt nhưng các trạm xe buýt thường không có mái che và ghế ngồi, Phong có một bài cho mục Ống kính bạn đọc trên Tuổi Trẻ: “Đội nắng chờ xe buýt”. Chộp được cảnh đầu cầu Chợ Cầu 2 (đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có biển thông báo với nội dung “Nghiêm cấm kinh doanh gia cầm sống trái phép dưới mọi hình thức”, tuy nhiên trên hành lang cầu luôn có gần chục người buôn bán gà, vịt sống, Phong có ngay bài phản ánh trên Tuổi Trẻ: “Vẫn bán gia cầm sống”.

 

Phong bật mí về kinh nghiệm khai thác thông tin: “Khi gặp nhân vật em không vào thẳng vấn đề phỏng vấn mà cần trò chuyện với họ về những thứ xung quanh như: việc học tập, cuộc sống, gia đình, công việc... Khi thấy thân mật, họ sẽ rất dễ nói hết ra những gì mình muốn biết bởi khi ấy không còn sự e ngại. Khi đến một nơi mới, trở ngại lớn nhất chính là chưa quen thuộc đường sá. Lúc mới vào TP Hồ Chí Minh, em cũng đã bỏ ra một tuần đi xe để nhớ đường, và hiện tại cũng biết kha khá những con đường chính tại TP Hồ Chí Minh, những khó khăn tiếp theo chính là chưa bắt nhịp cuộc sống xung quanh cũng như chưa có nguồn tin. Em tập viết những bài văn hóa - văn nghệ, như đi xem kịch, hoặc tham gia các CLB điện ảnh, và viết những bài phản ánh kiểu “mắt thấy, ghi lại”.

 

Hai điều kiện quan trọng hàng đầu của mỗi phóng viên là sự chăm chỉ và say mê nghề. Cách đây một năm, Phong có viết bài về một học sinh tự tử mà nguyên nhân là gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm. Lần đó nghe được thông tin, Phong vội đón xe buýt đến tận trường học và được nhà trường chia sẻ thông tin, tiếp đó tìm tới nhà của nhân vật, khổ sở đến mấy giờ em mới tìm được ngôi nhà nằm ẩn sâu trong núi. Nhưng lại tiếp tục gặp một khó khăn nữa là khi đến nhà, gia đình không đồng ý chia sẻ và thậm chí đòi dùng gậy đuổi đi, em phải đứng ngoài cửa thuyết phục hơn một giờ đồng hồ. Cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho Phong vào nhà. Lấy được thông tin, vội ra một điểm internet gần nhất viết bài để kịp gửi cho tòa soạn đăng số báo mới nhất. Một câu chuyện nữa, khi chụp hình viết bài về triều cường xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phong phải đến đó vào buổi chiều. Và để chụp được tấm hình bộ đội đắp đê chống lại triều cường, giữa trời mưa gió em phải chạy xe lúc 11g tối, khi về tới nhà cũng gần 1g sáng, lúc này đã thật sự thấm lạnh và thấm mệt. Hạnh phúc vỡ òa với Phong là những bức ảnh đó, sản phẩm lao động vất vả đó được báo Tuổi Trẻ sử dụng ngay vào số báo hôm sau.

 

Những ngày đầu năm 2013, Phong liên tục gặt hái nhiều “quả ngọt” từ đam mê nghề báo của mình: Clip “Hãy “lì xì” yêu thương”, trong cuộc thi Online cùng Tết Việt trên báo Tuổi Trẻ xuất hiện ngay chặng đầu của cuộc thi đã tạo được nhiều tiếng nói đồng cảm, sẻ chia từ bạn đọc với các nhân vật “lấy đi nhiều nước mắt độc giả” ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Tiếp đến, Phong đoạt giải 3 (10 triệu đồng) trong cuộc thi ảnh “Nhịp sống biển Đông 2013” cũng trên báo Tuổi Trẻ. Phong chia sẻ tình cảm của mình ở bức ảnh này: “Với mỗi người dân đất Việt, mỗi khi nhắc đến Trường Sa trong ai cũng có lòng cảm mến và trân trọng. Riêng em, tham gia cuộc thi mục đích trước hết để phản ánh cuộc sống của ngư dân, cái nghề được xem là cái nghề đi “đánh số” thử vận may với trời, bởi đặc thù nghề cá chỉ hoạt động hơn nửa năm, còn nửa năm đành phải nằm bờ. Ghi lại tấm ảnh “Ngày mùa trúng biển” với mong muốn mọi người thấu hiểu nỗi cực khổ của ngư dân, trong đó đan cài niềm vui trúng biển dẫu rằng đôi vai người rảo cá (khuân vác cá) phải è mình khiên cá nhưng đôi môi lại mỉm cười”. Một điều thú vị nữa là Phong có nguyện vọng đổi giải thưởng để lấy một chuyến đi trải nghiệm Trường Sa với mong muốn “hiểu hơn những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió, ngày đêm bám trụ bảo vệ Tổ quốc”.

 

Phong-vien-tac-nghiep.jpg

Phóng viên tác nghiệp - Ảnh: NGUYÊN LƯU

LỜI KẾT

 

Nghề báo dành cho tất cả mọi người. Nhưng nghề báo chỉ tôn vinh những ai yêu nó, dám sống và lăn lộn cùng với nó. Câu chuyện về hai bạn sinh viên tâm huyết với nghề báo và sống được bằng nghề báo như hai lát cắt đáng biểu dương, trân trọng trong đời sống báo chí sôi động hôm nay. Hai bạn cho ta soi lại mình và là thông điệp dành cho những cây bút trẻ ý thức được trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội, để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị cống hiến cho xã hội.

 

CAO VĨ NHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek