Lâu lâu mới có dịp xem lại một bộ phim nhựa đen trắng trên truyền hình. Đó là Phương án 3 bông hồng của đạo diễn Văn Hòa - bộ phim về những nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn mưu trí, dũng cảm hoạt động trong lòng địch. Xem Phương án 3 bông hồng, chợt nghĩ đến sức hút của các tác phẩm điện ảnh một thời, ra đời khi đất nước còn bộn bề khó khăn nhưng chất lượng phim không vì thế mà giảm sút.
Poster phim “Phương án 3 bông hồng”
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ván bài lật ngửa. Biệt động Sài Gòn. Cánh đồng hoang… Những bộ phim nhựa kinh điển về chiến tranh, tình báo của điện ảnh Việt Nam đã làm say mê nhiều thế hệ khán giả. Nhiều người còn đợi đến dịp lễ lớn để có cơ hội xem lại những bộ phim này. Họ nhớ như in các nhân vật, họ thuộc lòng những diễn biến của phim, vậy mà vẫn thích thú mỗi khi xem lại. Rồi họ so sánh với những bộ phim nhựa màu, được sản xuất sau này…
Điều gì tạo nên sức hút cho các tác phẩm điện ảnh ra đời cách đây mấy chục năm khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn; phương tiện, thiết bị làm phim không hiện đại như bây giờ? Đó chính là chất lượng. Chất lượng được làm nên bởi những con người đam mê điện ảnh, tâm huyết với nghề và được đào tạo bài bản, từ đạo diễn, quay phim… cho đến diễn viên. Trên màn bạc hồi đó chưa xuất hiện hoa hậu, người mẫu trong “vai” diễn viên. Chỉ có diễn viên đóng phim và đã qua trường lớp hẳn hoi nên họ diễn xuất đâu ra đấy. Diễn viên hồi đó cũng không “chạy sô”, không bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm nên dành tất cả tâm huyết cho nghệ thuật, cho những bộ phim mà họ tham gia. Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh từng kể: “Những người thuộc thế hệ tôi, học 4 năm trong trường, thêm 2 năm đi học ở Đức hoặc Liên Xô, về nước mới bắt đầu đóng phim. Bây giờ cứ đẹp đẹp là hôm sau thành ngôi sao điện ảnh. Các cháu ngộ nhận hơi sớm. Diễn xuất phải đi vào nội tâm, phải rút gan rút ruột ra mới thành nhân vật chứ không phải đẹp đẹp là thành diễn viên”.
Một điều quan trọng khác là phim nhựa hồi đó được quay rất chỉn chu, trong hàng năm trời chứ không “chạy đua” với thời gian như bây giờ. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang kể rằng thời kỳ bà đóng phim nhựa, người ta làm phim rất kỹ, quay rất lâu chứ không như bây giờ.
Một cảnh trong bộ phim tình báo kinh điển của Việt Nam “Ván bài lật ngửa”
Ở một góc nhìn khác, góc nhìn của một diễn viên lớn lên sau chiến tranh và hiện là nhà sản xuất phim, Mai Thu Huyền nói: “Bây giờ không còn giống như giai đoạn đầu của điện ảnh Việt Nam, khi phim ảnh được nhà nước bao cấp, có bộ phim làm mấy năm mới hoàn thành. Tiến độ làm phim bây giờ nhanh lắm. Nhà sản xuất đầu tư, không thể nào “kéo” một bộ phim qua ba, bốn năm trời, vì người ta phải thu lại vốn… Và mình không thể trách diễn viên, vì nếu chỉ đóng phim thì họ không “sống” được nên phải làm công việc này công việc khác hỗ trợ nghề diễn”. Mai Thu Huyền cũng lý giải vì sao các đạo diễn hay mời ca sĩ, người mẫu đóng phim: “Một ca sĩ có rất nhiều fan, một người mẫu được nhiều người yêu thích, khi họ đóng phim đương nhiên sẽ thu hút một lượng khán giả đến rạp - những người đã hâm mộ họ. Và như thế, nhà sản xuất mới có tiền để tái đầu tư”.
Đúng là làm phim mỗi thời kỳ mỗi khác, điều đó thì những người trong nghề hiểu rõ. Còn khán giả, họ không quan tâm đến việc một ngày đạo diễn quay bao nhiêu cảnh, diễn viên học ở trường nào ra… Họ chỉ xem phim và so sánh.
Công bằng mà nói, điện ảnh Việt Nam thời kỳ hội nhập vẫn có những bộ phim hay. Phim được sản xuất trong những năm gần đây có thể kể đến Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Trăng nơi đáy giếng, Dòng máu anh hùng, Bi, đừng sợ… Nhưng quả thật, rất khó tìm được những bộ phim mà khán giả xem đi xem lại vẫn không biết chán, như Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn… ngày trước.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh, muốn điện ảnh khởi sắc phải đầu tư cho con người, vì đấy là vấn đề then chốt. Ông nói: “Tất cả các diễn viên hàng đầu ở Hàn Quốc, Trung Quốc đều tu nghiệp ở nước ngoài. Họ bỏ tiền ra để đi học. Sự phát triển của điện ảnh ở đất nước họ không phải tự dưng từ trên trời rơi xuống đâu mà phải có đầu tư”.
YÊN LAN