Thứ Hai, 25/11/2024 14:40 CH
Nghề… rong ruổi
Thứ Ba, 09/07/2013 11:00 SA

Trời phú cho tôi đôi chân vững chãi, vậy nên sau nhiều năm làm báo rong ruổi về các làng quê, tôi đã “xóa mù” địa bàn 91 xã trong tỉnh. Mùa nắng cũng như mùa mưa, tôi lặn lội trên mọi nẻo đường bám theo vấn đề thời sự…

 

Canh-lu-o-Dong-Xuan.jpg

Tác giả ghi lại hình ảnh người dân chạy lũ ở Đồng Xuân - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Sinh ra ở làng quê, tôi thấy mình hợp với mảng đề tài xã hội, phụ trách trang kinh tế nông thôn. Mảng đề tài này khi tác nghiệp, tôi phải lội sình xuống ruộng ghi lại hình ảnh nông dân lái máy cày, be bờ, sạ lúa. Có lúc đi trên bờ ruộng cong vênh trượt chân ngã xuống ruộng sình bùn đất dính đầy quần áo, tôi ra chỗ ruộng trũng tạt nước ruộng lên rửa cho trôi đi lớp bùn. Những ngày nắng như thiêu đốt, tôi lót dép ngồi trên bờ ruộng cả giờ đồng hồ xởi lởi, thân thiện với cô bác nông dân để hỏi thông tin về mùa vụ hôm nay và chuyện đồng áng năm rồi.

 

Tôi cũng đã xách giày, chân trần cuốc bộ đi trên đường ray từ thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) đến thị trấn La Hai (Đồng Xuân) “lọt” vào vùng rốn lũ, ghi lại hình ảnh người dân vùng lũ… chạy lũ. Lần đó khi về đến Xóm Giữa (thị trấn La Hai) mưa xối xả, lũ dồn dập. Lũ cũ nước rút chưa ra khỏi cánh đồng thị trấn thì lũ mới chồng lên, nước dâng cao gần tràn vào xóm nhà, người dân đuối sức chạy lũ. Nhiều gia đình gom chén bát, xoong nồi bỏ vào ky treo lủng lẳng trên trần nhà, còn tủ bàn khiêng cơi nới lên bộ phản gỗ dùng dây buộc chặt rồi men theo con đường nội đồng vào trú trong sân hợp tác xã. Có người hối hả lùa bò, gánh theo các vật dụng trong nhà đi tránh lũ. Trên đường từ Xóm Giữa về, tôi gặp cụ già gánh “đầu treo, đầu trễ” các vật dụng trong đôi ky cũ. Đôi chân cụ run rẩy, dò dẫm bước từng bước một, tôi dừng xe gánh giùm cụ đi qua đoạn đường trũng đang ngập nước. Qua khỏi nơi ngập nước, lúc sang gánh cho cụ tôi nhìn đôi ky, một đầu xoong nồi, bát đĩa; một đầu gạo muối và cái bình uống nước trà sứt vòi. Hỏi ra mới biết, cái bình sứt vòi là kỷ vật chồng cụ lúc còn sống, đi đâu cụ cũng mang theo.

 

Sau khi tác nghiệp xong, tôi tranh thủ chạy về quê ghé qua nhà má phụ dọn dẹp. Đến sông Trà Bương nước dâng cao lênh láng, chảy xiết không có sõng, đò nào bơi qua được. Nhà má thuộc “diện” ngập lụt, tôi lo lắng bồn chồn… Sáng ra lũ rút, tôi về đến nhà, má than: Vật dụng trong nhà trôi sạch hết rồi con ơi! Sáng nay má rảo đi tìm “quanh đi quẩn lại” chỉ còn cái nồi “kẹt” trong gốc mít”.

 

Nhà báo không phải chỉ viết phản ánh “gói gọn” mảng đề tài xã hội, khi phát hiện đề tài còn nhập vai viết bài điều tra. Để có chứng cứ phải dùng nhiều “chiêu” tác nghiệp, lúc cứng lúc mềm nhằm moi được thông tin tìm ra sự thật. Nhưng “sự thật cũng bị vướng”, tôi đã bị “lên bờ xuống ruộng” với cái bài điều tra của một nhà báo tỉnh…

 

Sau lần đó tôi cùng nhà báo Văn Tài (vì cơ thể anh ốm nên nhiều đồng nghiệp gọi vui là người không có thịt) vượt dốc dựng đứng lên núi cao phát hiện hầm công sự Hòn Trung (xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân). Hầm công sự này được đào trong 2 năm 1965-1966 để làm nơi đóng quân của Tiểu đoàn 13 (Trung đoàn Ngô Quyền) trong thời gian đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" tại vùng đất Khu V. Sau khi Báo Phú Yên đưa tin, các cơ quan chức năng của huyện Đồng Xuân đi kiểm tra thực tế, trên đường đi phát hiện khu rừng già nằm trong dự án trồng rừng nên về họp bàn cho tạm dừng…

 

Làm báo tỉnh tôi cũng có dịp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các báo bạn ở mọi miền đất nước. Gần đây tôi có dịp vào miền Đông Nam Bộ rồi xuống miền Tây ra tận miệt vườn tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang. Tại đây tôi giao lưu hát đờn ca tài tử với cô gái miền sông nước. Tôi hát cải lương cũng khá “mùi”! Trong lúc nhập vai hát bài “Chuyện tình Lan và Điệp”, cô gái miền sông nước người thấp bé, khi hát ngước nhìn tôi “mắt nàng đăm đắm trông lên”, rồi cất lời: “Điệp ơi, duyên lỡ làng rồi, thôi đành chờ kiếp sau/ Đừng đem ân tình xưa cũ đến đây chỉ thêm sầu!”. Nói thiệt, lúc đó tôi muốn ôm em (diễn xuất nghiệp dư) vào lòng, tận hưởng cái nhìn đôi mắt long lanh sâu thẳm, nhưng nhìn phía dưới khán giả” là các nhà báo ở Báo Tiền Giang và Báo Phú Yên tập trung nhìn mình… nên ngại. Để đôi tay “không diễn xuất” tôi xỏ vào túi quần cho… chắc ăn. Hát xong, khi chào khán giả, tôi xin phép cô gái choàng vai chụp hình làm... kỷ niệm.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sinh viên viết báo
Thứ Hai, 08/07/2013 14:45 CH
Sao “nhí” Lâm Diệu Khả
Thứ Hai, 08/07/2013 07:00 SA
Triển lãm Việt Nam - Venezuela mãi mãi anh em
Chủ Nhật, 07/07/2013 16:30 CH
Hấp dẫn với The Voice Kids
Chủ Nhật, 07/07/2013 09:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek