Thứ Ba, 01/10/2024 18:24 CH
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quyền lực hàng đầu thế giới
Thứ Ba, 16/10/2007 07:26 SA

Theo dự kiến, hôm nay (16/10) Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu bầu Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ (2008- 2009). Sự kiện sẽ là dấu son khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong LHQ và trên thế giới. Để hiểu thêm về HĐBA, cũng như vai trò của một thành viên không thường trực, Phú Yên online xin giới thiệu đôi nét về cơ quan quyền lực này.

 

071016-UNSC-meeting.jpg

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ

 

Là một trong sáu cơ quan chính của tổ chức lớn nhất hành tinh LHQ, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Đây cũng là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi thực thi chức năng này, HĐBA được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên LHQ. Trên thực tế, HĐBA có 3 mục tiêu phát triển chính là: gìn giữ hoà bình, vãn hồi hoà bình và kiến tạo hoà bình.

 

HĐBA có các uỷ ban và cơ quan phụ trợ sau: Các Ủy ban thường trực; Ban Tham mưu quân sự; Ủy ban chống khủng bố; Các Uỷ ban cấm vận; Các hoạt động và lực lượng gìn giữ hoà bình; Các lực lượng chính trị và kiến tạo hoà bình; Uỷ ban đền bù LHQ (UNCC); Uỷ ban giám sát, kiểm tra và thanh tra (UNMOVIC)… Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên LHQ, các quyết định và nghị quyết của HĐBA, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

 

QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CỦA THÀNH VIÊN THƯỜNG TRỰC

 

HĐBA có tất cả 15 thành viên, trong đó gồm 5 thành viên thường trực (TVTT) và 10 thành viên không thường trực (TVKTT). Mọi nghị quyết của HĐBA chỉ được thông qua với sự nhất trí của 5 nước TVTT là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Từ 1946 đến 1965, HĐBA chỉ có 6 TVKTT nhưng con số này sau đó được mở rộng lên 10 ủy viên với định mức cho mỗi khu vực như sau: châu Phi, châu Á, châu Mỹ, Tây Âu mỗi khu vực 2; Đông Âu: 1 và suất còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á (hiện đang đến phiên của châu Á với ứng cử viên duy nhất là Việt Nam). Các nước TVKTT được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới.

 

Cùng với sự đổi thay của thế giới, HĐBA đang đứng trước yêu cầu phải “làm mới bản thân”, trong đó quy mô của số thành viên thường trực là một vấn đề gây tranh cãi. Theo một kế hoạch cải tổ được đề xuất gần đây, số thành viên thường trực có thể sẽ tăng thêm 5 quốc gia nữa, trong đó các ứng cử viên được đề cập nhiều nhất là Đức, Nhật Bản, Brasil, Ấn Độ và 1 quốc gia châu Phi (có thể là Nam Phi hoặc Nigeria). Gần đây, đại diện của một số quốc gia gợi ý rằng có thể 5 thành viên thường trực mới sẽ không được trao quyền phủ quyết. Những đề xuất trên vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi.

 

Hiện nay chỉ có năm thành viên này là những quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân chiếu theo Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Hiệp ước này không có giá trị pháp lý toàn cầu, vì không phải tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân đều ký phê chuẩn hiệp ước. Mặc dù không phải do sở hữu vũ khí hạt nhân mà các quốc gia này giành được quyền thành viên thường trực, lý do này đôi khi được dùng để biện minh cho vị trí của họ tại Hội đồng. Ấn Độ, Pakistan, có lẽ cả CHDCND Triều Tiên và Israel (dù Israel chưa bao giờ thừa nhận có vũ khí hạt nhân) là những quốc gia đã thực sự có vũ khí hạt nhân bên ngoài khuôn khổ Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

 

Mỗi TVTT đều có quyền phủ quyết, quyền này có thể được dùng để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào. Một phiếu chống có thể phủ quyết ý kiến của đa số (trên lý thuyết, một phiếu phủ quyết chỉ là một phiếu chống, dù vậy chỉ cần một phiếu chống đồng nghĩa với việc nghị quyết không thể được thông qua).

 

Kể từ lúc ban đầu, Trung Hoa (Đài Loan/Trung Quốc) đã 5 lần sử dụng quyền phủ quyết; Pháp, 18 lần; Nga/Liên Xô, 122 lần; Anh, 32 lần; và Hoa Kỳ, 80 lần. Phần lớn phiếu phủ quyết của Liên Xô được đưa ra trong mười năm đầu tiên của HĐBA. Con số phiếu phủ quyết kể từ năm 1984 là: Trung Quốc, 2; Pháp, 3; Nga, 4; Anh, 10; và Hoa Kỳ, 42.  

 

KHÁNH NGỌC (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek